Vụ nhà sư Thích Thanh Toàn xin xả giới, hoàn tục:

Sư Toàn có nhất thiết phải chứng minh nguồn gốc khối tài sản 300 tỷ đồng?

VietTimes – Tiến sĩ Đinh Văn Minh – chuyên gia Luật đang công tác tại Thanh tra Chính phủ cho rằng rất cần rạch ròi giữa tài sản của chùa Nga Hoàng và tài sản riêng của cá nhân sư Toàn. Sư Toàn có trách nhiệm chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, nhưng không có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc khối tài sản của mình trừ khi có tranh chấp.
Sư thầy Thích Thanh Toàn có đơn xin xả giới, hoàn tục và báo cáo với đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc rằng ông có tài sản lên đến 200-300 tỷ đồng.
Sư thầy Thích Thanh Toàn có đơn xin xả giới, hoàn tục và báo cáo với đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc rằng ông có tài sản lên đến 200-300 tỷ đồng.

Trước việc Đại đức Thích Thanh Toàn (thế danh Lê Hữu Long, SN 1976, quê Quảng Trị) trụ trì chùa Nga Hoàng (Tam Đảo – Vĩnh Phúc) vừa xin xả giới, hoàn tục, đồng thời, xin giữ lại khối tài sản mà theo sư Toàn nói là lên đến 300 tỷ đồng mang tên thế danh của sư, nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ vì cho rằng khối tài sản này liên quan đến tài sản của chùa Nga Hoàng. Tuy nhiên, TS. Đinh Văn Minh lại có góc nhìn khác, ông cho rằng không được đánh đồng phần tài sản của nhà chùa và phần tài sản riêng của sư Toàn. 

Ông Đinh Văn Minh cho rằng, khối tài sản lên tới khoảng 300 tỷ đồng đó chỉ là con số do sư Toàn nói ra, chứ chưa có thông tin chính xác hay xác nhận cụ thể về nó bao gồm những tài sản nào. Tài sản ấy nếu có thật thì cũng có thể là công sức lao động của sư Toàn, do được thừa kế hoặc tài sản có được từ nguồn gốc hợp pháp khác mà không liên quan đến tài sản của chùa Nga Hoàng.

Tất nhiên, người sở hữu tài sản phải có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật. Việc chứng minh quyền sở hữu không đồng nghĩa với việc chứng minh nguồn gốc tài sản.

“Bất cứ công dân nào cũng có quyền sở hữu tài sản và bản thân người đó không có trách nhiệm phải chứng minh nguồn gốc trước dư luận, trừ phi liên quan đến một vụ việc cụ thể hoặc có sự tranh chấp về quyền sở hữu. Sư Toàn cũng vậy, tài sản của ai gắn liền với quyền sở hữu của người đó, không cứ vì là sư trụ trì thì sư Toàn không được có tài sản riêng”, ông Minh nói.

TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh tiền công đức cần được quản lý và sử dụng đúng mục đích.
TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh tiền công đức cần được quản lý và sử dụng đúng mục đích.

Thẳng thắn đưa ra quan điểm cá nhân về việc sư Toàn có quyền giữ lại những tài sản mà vị sư này có đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp, nhưng ông Minh cũng nhấn mạnh việc cần phải quản lý tốt tiền công đức ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, để tránh những sự việc ồn ào tương tự.

Theo ông Minh, tiền công đức là của chung và được các tổ chức tín ngưỡng quản lý bằng các quy định của họ, để bảo đảm được sử dụng đúng mục đích và không trái quy định của pháp luật. Có lẽ các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có những hướng dẫn để việc thực hiên được thống nhất.

“Về mặt nguyên tắc, tất cả khoản tiền đều cần phải quản lý, đặc biệt là ở những nơi mà ta tạm gọi là có sự huy động tiền của người dân. Việc quản lý nhằm đảm bảo khoản tiền nào được sử dụng vào đúng vào mục đích đó, có thể là mục đích từ thiện, mục đích thờ cúng, hay một mục đích khác theo nguyện vọng của nhân dân. Điểm chung của việc quản lý các khoản thu từ bên ngoài là bảo đảm minh bạch từ khâu kiểm đếm đến chi tiêu và như tôi đã nói, quan trọng nhất là được sử dụng theo đúng mục đích” - ông Đinh Văn Minh cho biết.

Được biết, ngày 7/10, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Thông báo 62 về việc chấp thuận tờ trình xả giới của đại đức Thích Thanh Toàn. Theo văn bản này, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra quyết định bãi nhiệm trụ trì chính thức, thu hồi con dấu và quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tạm thời quản lý, điều hành mọi công tác Phật sự tại đây cho đến khi bổ nhiệm vị tân trụ trì khác. Trong thời gian đó, chùa Nga Hoàng sẽ do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc điều hành.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng đương sự để xác minh tài sản liên quan đến cá nhân sư Toàn và chùa Nga Hoàng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 4/10 do sư Toàn có tờ trình xin xả giới và hoàn tục, giao lại chùa Nga Hoàng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc quản lý, tuy nhiên sư Toàn mong muốn xin được giữ lại tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Nhà sư này cũng tự nguyện nhận hình thức sám hối Đại tăng. Lãnh đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian tới Giáo hội sẽ họp và quyết định vấn đề này. Các chư tăng trong Giáo hội nhất trí theo hướng chấp thuận nguyện vọng của sư Toàn.

Nguồn cơn của sự việc này chính là bởi sư Toàn bị nữ phóng viên Báo Phụ nữ TP. HCM "tố" chuyện “gạ tình” kèm theo bằng chứng là video clip. Sau đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng đối với sư Toàn.

Được biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tĩnh Vĩnh Phúc có quyết định bổ nhiệm sư Toàn làm trụ trì chùa Nga Hoàng từ 17/4/2008.