Sự kiện Lâm Bưu (Kỳ cuối): Tổng kết về Sự kiện Lâm Bưu và những điều rút ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xung quanh Sự kiện ngày 13/9 và cái chết của Lâm Bưu cùng vợ và con trai cũng có những giả thuyết khác nhau, nhưng đây đều là những tin đồn vô căn cứ và thiếu thuyết phục...
Mao Trạch Đông,Lâm Bưu và Chu Ân Lai tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (Ảnh: Kanlishi).
Mao Trạch Đông,Lâm Bưu và Chu Ân Lai tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (Ảnh: Kanlishi).

Thực ra, số phận của Lâm Bưu còn có nhiều kết cục khác có thể xảy ra. Sự kiện ngày 13 tháng 9 là tồi tệ nhất trong tất cả các kết cục có thể xảy ra. Trong quá trình xảy ra sự kiện, trong mọi mắt xích đều có khả năng tránh được điều xấu nhất, nhưng đã không tránh được. Điều này thực sự giống như cái mà người ta gọi là “hiệu ứng Murphy”: chỉ cần mọi thứ trở nên tồi tệ, sau đó mỗi chuyện xảy ra sẽ luôn phát triển theo chiều hướng xấu hơn.

- Lâm Lập Quả muốn tiến hành một cuộc đảo chính và ngày 7 tháng 9 nói với Lâm Đậu Đậu về kế hoạch tuyệt mật này. Lâm Đậu Đậu có thể nói cho Lâm Bưu biết. Lâm Bưu có thể sử dụng quyền lực của mình để ngăn Lâm Lập Quả phát động một cuộc đảo chính và ngăn chặn các bên liên quan điều tra con trai. Đương nhiên là có thể che dấu trong một thời gian mới bị lộ, nhưng không thể giấu được mãi. Lâm Bưu có thể chủ động từ chức một cách đàng hoàng trong giai đoạn này. Vị trí của ông ta chắc chắn không được đảm bảo, nhưng ông ta sẽ không chết ở Onduhan.

- Lâm Đậu Đậu ngày hôm đó đã báo cáo tình hình với Vệ sĩ trưởng Lý Văn Phổ, nếu trong 4 ngày sau đó Lý Văn Phổ không ngu ngốc để đó mặc kệ, ông ta sẽ kịp thời báo cáo tình hình cho đơn vị 8341 và trung ương nhất định sẽ biết ngay tình hình. Sau đó, có bốn ngày để chuẩn bị và Sự kiện ngày 13 tháng 9 sẽ không xảy ra.

- Sau khi Chu Ân Lai biết được báo cáo của Lâm Đậu Đậu lúc 10 giờ tối ngày 12/9, hoặc khi Lâm Bưu chuẩn bị rời đi lúc 11 giờ 40, nếu vào bất kỳ thời điểm nào trong hai thời điểm trên, ông ta có thể dứt khoát ra lệnh và yêu cầu những lính cảnh vệ ở Bắc Đới Hà và cảnh vệ của Lâm Bưu dốc sức ngăn chặn xe của Lâm Bưu rời khỏi nơi ở tại Bắc Đới Hà, thì dù đến được sân bay Sơn Hải Quan, Lâm Bưu cũng không thể bay đi.

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trên thành lầu Thiên An Môn trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: VCG).

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trên thành lầu Thiên An Môn trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: VCG).

- Cho dù những tình hình trên không xảy ra, ngay cả khi Lâm Bưu có thể thành công vượt qua quân đơn vị 8341 ở tòa nhà 58, nếu những cảnh vệ đuổi theo xe của Lâm Bưu không bị một đoàn tàu hàng dài ngăn cách, họ nhất định sẽ kịp đến sân bay Sơn Hải Quan. Họ dĩ nhiên không dám trực tiếp ngăn cản Lâm Bưu, nhưng có thể trực tiếp ngăn cản máy bay cất cánh, sau đó đợi chỉ thị của trung ương. Lúc này, sân bay sẽ đưa ra chỉ thị của Chu Ân Lai, tức "phải được bốn người cùng đồng ý mới được cất cánh", sẽ phát huy được tác dụng.

- Nếu ô tô của bộ phận hải quân sân bay Sơn Hải Quan đến đường băng sớm hơn 30 giây và dừng ở đó, máy bay sẽ không thể cất cánh. Đôi khi, kết cục của lịch sử bị quyết định ở 30 giây.

- Nếu lúc trước chiếc chuyên cơ số 256 đã nạp đủ 17 tấn xăng ở sân bay thì sau khi máy bay của Lâm Bưu cất cánh, khi bay vào không phận Mông Cổ cũng có ít nhất 14,5 tấn xăng, bay đến Ulaanbaatar cũng không thành vấn đề, Thảo nguyên Onduhan sẽ không có 9 hài cốt. Tất nhiên, đó sẽ là một kết cục tồi tệ khác.

Mặc dù sự kiện này sẽ có những kết cục khác nhau do những yếu tố ngẫu nhiên, mục đích của các nhà sử học khi nghiên cứu giai đoạn lịch sử này không phải là gửi gắm vào quá khứ như các nhà thơ than thở về sự vô thường và ngẫu nhiên của cuộc đời trong lịch sử; mà là nhằm rút ra những bài học lịch sử hữu ích cho người Trung Quốc. Điều này khiến chúng ta phải quay lại tư duy vĩ mô.

Karl Marx đã chỉ ra trong cuốn sách "Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte" rằng, ông muốn nghiên cứu là lịch sử nước Pháp đã tạo ra môi trường nào để tạo nên Louis Bonaparte - một người nhỏ bé bình thường như vậy, không chủ động đóng vai "anh hùng". Chúng ta có thể sử dụng các phương pháp và góc độ tư duy do Marx cung cấp để quan sát cục diện của thời đại Cách mạng Văn hóa đã dẫn đến Sự kiện ngày 13 tháng 9 như thế nào.

Giấy chứng tử của phi công Phan Cảnh Dần ghi ông ta chết vì bệnh do rơi máy bay ở Mông Cổ (Ảnh: Kanlishi).

Giấy chứng tử của phi công Phan Cảnh Dần ghi ông ta chết vì bệnh do rơi máy bay ở Mông Cổ (Ảnh: Kanlishi).

Dưới cái bóng của hệ thống cực tả dị dạng của Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu quyền cao chức trọng, nhưng ông lại là một người ốm yếu không thể đảm đương quyền lực. Thể chế cực tả thiếu một cơ chế giám sát nội bộ đảng toàn diện và hiệu quả. "Hiệu ứng lan tỏa quyền lực" bất thường này đã khiến các thành viên trong gia đình như Diệp Quần và Lâm Lập Quả là những người đầu tiên “hưởng lợi” từ “hiệu ứng lan tỏa quyền lực” này.

Sự đa tính cách của Lâm Bưu khiến ông truyền sự bất mãn với hiện thực cho con trai mình. Dưới bóng quyền lực của Lâm Bưu, Lâm Lập Quả bị đẩy lên một vị trí cao không tương xứng với tuổi đời và kinh nghiệm của anh ta. Trong quá trình hưởng thụ quyền lực, sau khi có được địa vị và không gian hoạt động lớn, dưới ánh hào quang của cha, anh ta bắt đầu trở nên có tham vọng quyền lực và tràn đầy đam mê bạo lực kiểu "Che Guevara", trở thành một kẻ quái dị bị thúc chín trong lĩnh vực quyền lực của Cách mạng Văn hóa.

Kết quả là gia đình Lâm Bưu có một người con trai đã mang lại tai họa cho cả nhà. Địa vị quyền lực, tham vọng và năng lực rất không tương xứng với khả năng, kiến ​​thức và kinh nghiệm. Kế hoạch âm mưu của anh ta quá ấu trĩ đến mức không thể thực hiện và chắc chắn sẽ thất bại. Điều mà Lâm Bưu trân trọng nhất chính là "chiếc hộp" Lâm Lập Quả, nhưng đây chính xác là "chiếc hộp Pandora", khi mở nó ra, Lâm Bưu có thể không biết hoặc không kiểm soát được. Bản thân Lâm Bưu không gánh chịu được hiệu quả tội lỗi tày trời của con trai mình, buộc phải chạy trốn.

Khi tình hình đột ngột xảy ra, những người ở tầng lớp quyết sách đã không nắm được đẩy đủ thông tin, khó có thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn có chủ đích đối với vị Phó Thống soái có địa vị cao trong đảng.

Phần đuôi chiếc máy bay trên thảo nguyên Onduhan (Ảnh: Toutiao).

Phần đuôi chiếc máy bay trên thảo nguyên Onduhan (Ảnh: Toutiao).

Trong bầu không khí chính trị của sự mê tín cực tả và sự phục tùng mù quáng, người phi công đã hoàn toàn mất khả năng đưa ra những phán đoán và lựa chọn hợp lý. (Tất nhiên, chúng ta không có quyền yêu cầu anh ta phải có khả năng này).

Cuối cùng, chiếc chuyên cơ số 256 mà Lâm Bưu và những người khác đi đã bị lạc đường giữa đêm, cạn nhiên liệu, phi công sai sót khi buộc phải hạ cánh khẩn cấp thất bại, máy bay bị rơi và thiệt mạng.

Đó chính là phiên bản Trung Quốc của câu chuyện "Ngày 18 tháng Sương mù của Luis Bonaparte", do hoàn cảnh cực tả đặc biệt nên càng thêm hoang đường, nhưng không có nghĩa là không thể hiểu được.

Làm rõ một số giả thuyết phổ biến trong xã hội

Câu chuyện kinh sợ cách đây 50 năm đã kết thúc, nhưng cần viết thêm để đưa ra một số bình luận về một số tin đồn thất thiệt lan truyền trong xã hội nửa thế kỷ qua.

Một, tại sao không thể là hành động tự sát của Phan Cảnh Dần

Các chuyên gia bay đã khảo sát địa hình Onduhan cho rằng địa hình ở khu vực này tương đối bằng phẳng. Với kinh nghiệm và kỹ thuật của Phan Cảnh Dần, sẽ không có vấn đề gì khi hạ cánh an toàn và nhiên liệu trên chiếc chuyên cơ chưa bị cạn kiệt. Điều này không hợp với quy định hướng dẫn bay. Vì vậy, có người suy đoán rằng Phan Cảnh Dần cố tình tự sát để ngăn chặn hành vi phản quốc của Lâm Bưu.

Vợ chồng Lâm Bưu, Diệp Quần và các nhân viên công tác xung quanh (Ảnh: Kanlishi).

Vợ chồng Lâm Bưu, Diệp Quần và các nhân viên công tác xung quanh (Ảnh: Kanlishi).

Về điểm này, chỉ cần một câu nói là có thể bác bỏ được. Đó là: trước khi máy bay hạ cánh, tất cả mọi người trên máy bay đều đã cởi giày. Khi máy bay gặp nạn, tất cả mọi người không ai đi giày Xem xét thực tế là không có bất cứ ai trong số 9 thi thể đeo đồng hồ hoặc giày, có thể thấy họ đã chuẩn bị mọi thứ để hạ cánh khẩn cấp. Thực ra nếu muốn tự sát, Phan Cảnh Dần không cần chọn Onduhan, chỉ cần lao vào một quả núi nhỏ là đủ. Xem xét thi thể Phan Cảnh Dần vẻ mặt ông ta lộ rõ vẻ đau đớn trước khi chết, nếu đâm vào núi sẽ không bị đau đớn.

Thứ hai, về việc "máy bay đã bị tên lửa của chính Trung Quốc bắn hạ”

Đây cũng là một tin đồn vô căn cứ. Người ta nói rằng một lính xuất ngũ của đơn vị tên lửa đã nói thế.

Tháng 11/1971, hơn hai tháng sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan tình báo Mông Cổ đã tiến hành điều tra thực địa về nguyên nhân máy bay rơi và viết “Báo cáo làm rõ nguyên nhân máy bay rơi”. Báo cáo điều tra hiện đã được giải mật và dịch ra. Báo cáo chứng minh rằng chiếc máy bay không bị bắn rơi mà là do tự rơi. Kết luận như sau: “Chiếc chuyên cơ 256 của Trung Quốc bị rơi do phi công phạm sai sót điều khiển máy bay”.

Xem xét các dữ liệu lịch sử hiện có thì thấy, khi máy bay chuẩn bị rời khỏi không phận Trung Quốc, Ngô Pháp Hiến đã xin ý kiến có bắn rơi máy bay hay không, do Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều không hiểu nguyên nhân hậu quả của sự kiện này, khi sự việc hoàn toàn chưa sáng tỏ, thậm chí họ đã không dám ra lệnh chặn nó, thì sao có thể đột nhiên ra lệnh bắn hạ? Nếu lúc này bắn hạ đối phương sẽ không thể ăn nói như thế nào trước dân chúng cả nước. Vì vậy, lúc đó chỉ có thể quyết định để Lâm Bưu bay ra ngoài. Vào thời điểm đó, đây là một quyết định bất đắc dĩ. Mao Trạch Đông không hài lòng với điều này, nhưng ông ta đành bất lực. Đó là lý do tại sao nói, "Trời sắp mưa, cô dâu sắp cưới, chỉ có thể để mọi việc diễn ra”.

Lâm Đậu Đậu năm 2001 mở quán ăn kinh doanh ở Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).

Lâm Đậu Đậu năm 2001 mở quán ăn kinh doanh ở Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).

Mãi cho đến khi tin tức về vụ máy bay rơi được xác nhận vài ngày sau đó, Mao mới rất vui mừng nói: “Lâm Bưu đã giúp ta rất nhiều”. Nếu nó bị bắn hạ, Mao Trạch Đông sẽ không cảm ơn Lâm Bưu vì đã "giúp đỡ rất nhiều".

Thứ ba là về "máy bay đã bốc cháy trên không trước khi hạ cánh khẩn cấp"

Một người Mông Cổ địa phương kể lại rằng anh ta đã nhìn thấy nó bằng mắt thường vào đêm đó, đầu tiên là chiếc máy bay bốc cháy trên không, sau đó mới rơi xuống như đuốc lửa. Ở đây, tác giả (Tiêu Công Tần) xin dẫn lời Khang Đình Từ, phi công phụ, một người có thẩm quyền, phản bác lại: Nếu máy bay đã thực sự bốc cháy trên không, thì máy bay cháy sẽ không thể tiếp tục bay được. Động cơ của máy bay Trident nằm ở cuối thân máy bay, vụ cháy không chỉ khiến đường ống dẫn nhiên liệu vào thùng nhiên liệu bị nổ mà còn có thể khiến bộ phận điều khiển ở đuôi máy bay bị hỏng ngay trong thời gian ngắn, khiến máy bay mất thăng bằng và không thể điều khiển. Máy bay Trident không thể tiếp tục bay và bắt đầu quy trình hạ cánh khẩn cấp được. Khang Đình Từ cho rằng hai đèn hạ cánh công suất lớn vào ban đêm có thể mang lại cho những người bình thường không quen với máy bay cảm giác máy bay bị cháy.

Thứ tư, về giả thuyết "máy bay bị nổ bởi một quả bom hẹn giờ"

Theo tin đồn này, Chu Ân Lai đã ba lần nhận được báo cáo của cảnh vệ ở Bắc Đới Hà mà không ra lệnh trực tiếp ngăn cản, đồng thời muốn Lâm Đậu Đậu cùng lên máy bay, điều này phù hợp với logic “giết người diệt khẩu”. Từ đó khẳng định rằng Chu Ân Lai, theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, đã cho người đặt một quả "bom hẹn giờ" trên máy bay. Đây là tin đồn lan rộng và có ảnh hưởng lớn nhất. Nhưng điều này là hoàn toàn khôi hài.

Trước hết, về mặt thời gian, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 12 tháng 9 Chu Ân Lai biết Lâm Bưu sẽ bay đến Quảng Châu sáng hôm sau. Lúc này cách khi chuyên cơ Lâm Bưu cất cánh lúc 12 giờ 32, chỉ hai giờ. Để đặt một quả "bom hẹn giờ", trước tiên phải tìm được người thích hợp, sau đó nửa đêm người này sẽ lấy quả bom ra khỏi nhà kho nào đó, sau đó vận chuyển đến sân bay Sơn Hải Quan cách Bắc Kinh 350 km, rồi băng qua sân bay vào sân đỗ máy bay với sự ngăn chặn và kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt. Các lính hải quân bảo vệ tại sân bay Sơn Hải Quan đêm đó nghiêm ngặt như thế nào? (Theo như lời kể của các đương sự sau này, tất cả lính canh làm nhiệm vụ đêm đó đều là cán bộ cấp trên trung đội). Người đó phải tìm cách có được chìa khóa khác có thể nhiều hơn một chiếc để mở cửa máy bay và đặt bom hẹn giờ. Liệu có thể làm điều đó chỉ trong hai giờ?

Bà Lâm Đậu Đậu và con cái các nhà lãnh đạo khai quốc của Trung Quốc gặp nhau (Ảnh: Dwnrws).

Bà Lâm Đậu Đậu và con cái các nhà lãnh đạo khai quốc của Trung Quốc gặp nhau (Ảnh: Dwnrws).

Lùi lại thời gian, phân tích về mặt logic, Chu Ân Lai chỉ biết điểm đến của máy bay là Quảng Châu, vì vậy, dù có đặt bom "nổ hẹn giờ" thì thời gian nổ hợp lý cũng nên được đặt vào một thời điểm nhất định vào rạng sáng ngày 13/9. Tức là, nó được ấn định phát nổ trên đường máy bay đến Quảng Châu sau khi cất cánh vào sáng ngày 13, chứ không thể là thời điểm chiếc chuyên cơ số 256 gặp nạn vào lúc hai giờ sáng ngày 13/9.

Vả lại, việc xử tử Phó Thống soái nước Cộng hòa bằng “quả bom hẹn giờ” sẽ ăn nói như thế nào đối với người dân cả nước? Hơn nữa, tài liệu phản cách mạng "Kỷ yếu Dự án 571" chỉ được phát hiện và giao nộp vài tuần sau Sự kiện Lâm Bưu; cả hai ông Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai không hề biết tình hình nghiêm trọng như vậy vào thời điểm xảy ra vụ án, thì họ dựa vào cái gì để ám sát đối phương?

Hơn nữa, như chúng ta đều biết, cách mạng Trung Quốc chưa bao giờ có truyền thống ám sát kẻ thù chính trị, chính quyền cách mạng có tính hợp pháp mạnh mẽ và quyền lực để giải thích, có thể ung dung định vị kẻ thù chính trị là "kẻ thù giai cấp", không cần dùng phương thức ám sát thường được các chế độ độc tài áp dụng.

Thứ năm, về hộp đen

Sau Sự kiện ngày 13 tháng 9, khi đại sứ Trung Quốc tại Mông Cổ Hứa Văn Ích và nhân viên ngoại giao Tôn Nhất Tiên đàm phán với các nhân viên của Mông Cổ, họ chưa bao giờ đề cập đến hộp đen. Họ nhắc lại rằng điều này là do trong nước chưa bao giờ xử lý chúng nên cũng không có chỉ thị cho họ. Vì vậy, cũng không biết rằng sau vụ rơi máy bay, thứ đầu tiên cần tìm là hộp đen.

Đây đều là những sự thật. Tại sao người Trung Quốc không cần hộp đen? Tại sao họ chưa bao giờ tìm hộp đen? Tại sao không yêu cầu Liên Xô, nơi được cho là đang giữ chúng trả lại hộp đen?

Lâm Đậu Đậu (phải) và Lý Nạp (trái. con gái Mao Trạch Đông). (Ảnh: Shuolishi)

Lâm Đậu Đậu (phải) và Lý Nạp (trái. con gái Mao Trạch Đông). (Ảnh: Shuolishi)

Thực tế, vấn đề không thể đơn giản hơn, theo Khang Đình Từ, phi công phụ của chiếc chuyên cơ số 256, ngay cả một phi công phụ như ông ta khi đó cũng chưa bao giờ nghe nói đến hộp đen. Ông cho rằng trong ngành hàng không Trung Quốc vào những năm 1970, không hề có khái niệm về hộp đen. Mặc dù chiếc máy bay được trang bị hộp đen nhưng khi được mua lại từ Pakistan dưới dạng đồ “second hand”, Pakistan đã không nói với người nhận phía Trung Quốc về điều này. Chính vì vậy, dù có hộp đen thì cũng vô nghĩa. Bởi vì nó chưa bao giờ được sử dụng, nên sẽ không có thông tin gì trong đó.

Cũng có chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng chỉ có phiên bản mới của loại Trident-E sản xuất sau này mới được trang bị hộp đen, còn chiếc chuyên cơ 256 là loại Trident cũ. Điều này có thể giải thích tại sao Pakistan không nói với người nhận Trung Quốc về hộp đen. Về vấn đề hộp đen, giới học thuật và mọi tầng lớp xã hội có thể dừng lại ở đây và sẽ không cần phải tranh luận lại trong tương lai.

Thứ sáu, về cái gọi là "Phan Cảnh Dần cố tình gây tai nạn theo chỉ thị của Chu Ân Lai"

Đây là một tin đồn đã lan truyền rộng rãi trên mạng Internet. Trên mạng còn có tin đồn "ghi âm trong hộp đen được giải mã", là chuyện khôi hài không có gì đáng nói.

Thực ra, theo hồi ức của thân nhân Phan Cảnh Dần thì ông ta nhận được cuộc gọi từ sân bay khi đang ở nhà, trước khi đến sân bay, ông không biết rằng đây là lần cuối cùng ông ra khỏi nhà. Chập tối ngày 12/9 ông vừa gói sủi cảo chưa kịp nấu, khi đi cũng nói với vợ rằng thời gian đi Sơn Hải Quan lần này không lâu, có lẽ ông sẽ quay lại vào ban đêm (?) và nấu lại. Thật không may, ông đã bị chôn vùi trong sa mạc Mông Cổ và sẽ không bao giờ có thể về nhà để ăn bánh mà ông vừa làm.

Ba người trong gia đình Lâm Bưu tử nạn trong Sự kiện ngày 13 tháng 9 (Ảnh: Dayu).

Ba người trong gia đình Lâm Bưu tử nạn trong Sự kiện ngày 13 tháng 9 (Ảnh: Dayu).

Lịch sử Trung Quốc do đó đã bước sang một ngã rẽ mới

Vài ngày sau Sự kiện ngày 13 tháng 9, tại Đại lễ đường Nhân dân, Thủ tướng Chu Ân Lai sau khi thông báo về cái chết của Lâm Bưu tại cuộc họp có sự tham dự của các thành viên Bộ Chính trị và Quân ủy, đã yêu cầu Uông Đông Hưng phải đến Trung Nam Hải ngay lập tức. Không lâu sau, Vương Đông Hưng trở lại và nói Mao Trạch Đông và các nhân viên xung quanh cũng tổ chức tiệc mừng và uống rượu vui vẻ. Sau đó Uông Đông Hưng chuyển lời chỉ thị của Mao Trạch Đông: "Chủ tịch nói muốn cảm ơn Lâm Bưu, cảm ơn Lâm Bưu đã giúp đỡ tôi rất nhiều! Từ đầu đến cuối câu chuyện này đều do bản thân ông ta giải quyết, xử lý xong mọi vấn đề! Xin hãy cạn chén vì cái chết của Lâm Bưu!".

Điều này có thể hiểu được. Đúng như có đương sự đã chỉ ra trong hồi ức của mình, tại sao việc xử lý có khuyết điểm của Chu Ân Lai lại không bị Mao Trạch Đông quy trách nhiệm? Đó là vì cái chết của Lâm Bưu quả thực có mặt tích cực.

Mao Trạch Đông cũng có những mâu thuẫn nội tâm phức tạp về sự kiện Lâm Bưu, cái chết của Lâm Bưu có liên quan đến cái tên Lâm Bưu được nêu trong bài phát biểu của ông trong chuyến công du phương Nam. Ông cũng riêng tư xem xét liệu có biện pháp nào tốt hơn vào thời điểm đó.

25 ngày sau Sự kiện ngày 13 tháng 9, trước khi Mao Trạch Đông gặp Hoàng đế Ethiopia Haile Selassie I vào ngày 8 tháng 10, Bí thư thứ hai của Thành ủy Bắc Kinh lúc đó là Ngô Đức đã gặp Mao Trạch Đông và thấy mặt ông lộ rõ vẻ mệt mỏi. Mao từ tốn nói: “Chữa bệnh cứu người, đừng có bệnh mà không chữa”.

Ông còn nói: “Ủy ban Trung ương vốn định sẽ giải quyết vấn đề này trong Hội nghị toàn thể lần thứ ba, và đang chuẩn bị sắp xếp công việc của Lâm Bưu".

Hơn 20 ngày sau khi sự việc xảy ra, tâm trạng Mao Trạch Đông rất phức tạp, mâu thuẫn; tình cảm con người phức tạp như vậy, dù sao Lâm Bưu cũng là công thần quốc gia vào sinh ra tử, là cấp dưới đã giúp Mao Trạch Đông đánh giành được thiên hạ. Mao Trạch Đông chắc chắn sẽ nhớ chuyện sau khi ông vào Bắc Kinh. Lâm Bưu vội vàng lên đường đến Hoa Trung và Hoa Nam chỉ huy Dã chiến quân 4 giải phóng toàn bộ Trung Quốc. Mao Trạch Đông hẳn còn nhớ cảnh chia tay với Lâm Bưu tại Bắc Kinh khi đó. Ông cũng nghĩ đến một người khác có số phận tương tự như Lâm Bưu. Ông nói: "Nếu Cao Cương không tự tử, ta cũng chuẩn bị sắp xếp công tác cho ông ấy!”.

Mao Trạch Đông gặp Lâm Đậu Đậu sau Sự kiện ngày 13 tháng 9 (Ảnh: Kanlishi).
Mao Trạch Đông gặp Lâm Đậu Đậu sau Sự kiện ngày 13 tháng 9 (Ảnh: Kanlishi).

Ngô Đức cảm thán nói, hiển nhiên lúc này Mao Chủ tịch vẫn chưa dứt bỏ chuyện của Lâm Bưu, thậm chí còn bị phiền muộn. (Ngô Đức: "Biên niên sử mười năm bão táp", Nhà xuất bản Trung Quốc đương đại, xuất bản năm 2004, trang 149).

Thực ra, ý của Mao Trạch Đông là “chữa bệnh cứu người” đối với Lâm Bưu, nhưng Lâm Bưu không chịu để ông chữa bệnh. Trong lòng Mao muốn nói là: "Lâm Bưu, ơi Lâm Bưu, tại sao ông phải hành động hạ sách như vậy mà biến mình thành cỏ trên thảo nguyên nước ngoài. Sau Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, tôi sẽ có sắp xếp khác cho ông. Cho dù ông lui về thì vẫn có thể an nhàn tuổi già".

Nỗi đau khổ nội tâm của Mao cũng được thể hiện trên cơ thể ông. Các nhân viên xung quanh ông cảm nhận rõ ràng rằng ông đang tăng tốc độ lão hóa. Sau Sự kiện ngày 13 tháng 9, mấy tháng liên tục, Mao Trạch Đông bồn chồn không yên, chửi bới, đập đồ đạc, ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí không muốn gặp ai, gương mặt nghiêm nghị, không còn chủ động chuyện trò như trước. (Trần Trường Giang, Triệu Quế Lai: "Những kỷ niệm mười năm cuối cùng của Mao Trạch Đông – Hồi ức của Đội trưởng Cảnh vệ", Nhà xuất bản Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, xuất bản lần I, tháng 12 năm 1998, trang 177-186).

Đến giữa tháng 1 năm 1972, Mao đột nhiên ngất xỉu và “suýt nữa bị thần chết lôi đi”. (Lý Tĩnh chủ biên: “Nói thật về vườn Phong Trạch”, Nhà xuất bản Thanh niên Trung Quốc, xuất bản I, tháng 6 năm 2000, trang 446). Có thể thấy, vụ việc Lâm Bưu đã giáng một đòn mạnh vào Mao Trạch Đông.

Phó Thủ tướng Kỷ Đăng Khuê khi đó kể lại rằng sau khi biết tin máy bay của Lâm Bưu rơi, Chu Ân Lai đột nhiên mất kiểm soát cảm xúc trong Đại lễ đường nhân dân và không kìm được khóc nấc, khiến Kỷ Đăng Khuê tháy căng thẳng. Ông nói với Chu rằng Lâm Bưu đã chết, đó là một điều tốt. Chu Ân Lai vừa khóc vừa nói: "Các ông không hiểu, không hiểu".

Nguyên nhân sự mất kiểm soát cảm xúc của Chu Ân Lai hẳn là rất phức tạp, điều này không chỉ bao gồm tình cảm chiến hữu của ông trong nhiều năm với Lâm Bưu mà còn cả những mối lo lắng khác. Ông dự cảm rằng những người của Lâm Bưu sẽ vĩnh viễn rút khỏi chính trường cấp cao ở Trung Quốc. Trong quá trình đối phó với thế lực ngày càng hung hăng độc đoán của Giang Thanh, ông sẽ lâm vào tình thế khó khăn hơn. Trong giới chính trị cấp cao của Cách mạng Văn hóa, đã không còn có được sự cân bằng lực lượng nữa.

Lâm Đậu Đậu - người con còn lại trong gia đình Lâm Bưu (Ảnh: Toutiao).

Lâm Đậu Đậu - người con còn lại trong gia đình Lâm Bưu (Ảnh: Toutiao).

Quả nhiên, đúng như dự đoán của Chu Ân Lai, xét về ngắn hạn và trung hạn, Sự kiện Lâm Bưu thực sự đã cho phép thế lực cực tả của Giang Thanh trở nên mạnh mẽ hơn. 5 năm sau đó là giai đoạn khó khăn nhất đối với Chu Ân Lai.

Tuy nhiên, ở góc độ lịch sử vĩ mô hơn, một trào lưu lịch sử khác mạnh mẽ hơn cũng đang ngấm ngầm trào dâng trong xã hội: Mao Trạch Đông, với tư cách là một chính trị gia lớn, đã quyết định công bố “Kỷ yếu Dự án 571” cực kỳ phản động trước toàn xã hội, cho phép mọi người trong khi nghĩ về Sự kiện Lâm Bưu cũng suy nghĩ sâu hơn về chính cuộc Cách mạng Văn hóa.

Sự kiện Lâm Bưu đã gây chấn động mạnh đối với những người dân Trung Quốc vốn đang vô cùng đau khổ trước khuynh hướng cực tả của Cách mạng Văn hóa, từ đó, trào lưu ngầm thức tỉnh tư tưởng đã hình thành trong mọi tầng lớp xã hội, về lâu dài đây chính là khởi điểm của sự hủy diệt huyền thoại Cách mạng Văn hóa trong toàn dân.

Cuộc “phản tư” (suy nghĩ lại) này đã lên đến đỉnh điểm trong phong trào quần chúng thương tiếc cái chết của Chu Ân Lai 5 năm sau đó. Kỷ nguyên mới của cải cách và mở cửa của Trung Quốc đang đến, và ngày mới mà người dân Trung Quốc tràn đầy hy vọng cũng sắp đến.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, lịch sử Trung Quốc đã tiến lên, nước cộng hòa trải qua Cách mạng Văn hóa và sự kiện Lâm Bưu, đã phát triển sôi động, mạnh mẽ và ổn định hơn trong quá trình cải cách và mở cửa.

Trong hành trình tiến bộ lâu dài của nhân loại, dân tộc nào cũng sẽ trải qua những thất bại, khó khăn, tai họa trong quá trình phấn đấu tiến bộ, tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng có thể được chuyển hóa thành nguồn tài nguyên kinh nghiệm. Những thất bại và thảm họa cũng sẽ trở thành chất dinh dưỡng nuôi dưỡng khả năng lý trí của dân tộc và làm cho dân tộc trở nên trưởng thành, chín chắn hơn.

Vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 Sự kiện Lâm Bưu đến gần, người Trung Quốc có thể hưởng lợi từ những suy nghĩ như vậy./.