Mới đây, tại một cuộc hội thảo do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) và Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông (VIGEF) tổ chức, một học sinh 12 tuổi có tên là Nguyễn Đức Ân tham dự hội thảo đã chia sẻ rằng em rất thích lên mạng xem và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, em cũng lo sợ có thể mình đã chia sẻ những thông tin không đúng sự thật, điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến bạn bè và những người xung quanh.
Bà Victoria Rhodin Sandstrom, Tham tán Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nói rằng mình rất đồng cảm với suy nghĩ của các thanh thiếu niên khi sử dụng Internet. Bà Sandstrom chia sẻ: “Sử dụng Internet mở ra cho chúng ta vô vàn những cơ hội khi tiếp cận các nguồn tin đa dạng. Tuy nhiên, ở Thụy Điển và ở các quốc gia khác trên thế giới, chúng ta cần trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên các công cụ cần thiết để có thể phân biệt được những nguồn thông tin đáng tin cậy với các nguồn tin giả. Chúng ta cần khuyến khích các em học cách đặt câu hỏi và phát triển tư duy phản biện đối với những thông tin mà các em tiếp nhận”
Bà Sandstrom nhấn mạnh rằng “niềm tin, trí tò mò và và tư duy phản biện chính là những yếu tố thúc đẩy sự đổi mới và phát triển xã hội”.
Bà Victoria Rhodin Sandstrom, Tham tán Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam (ảnh: MSD)
|
Hiện nay, nhờ có Internet, thông tin được lan truyền một cách nhanh chóng và truyền thông xã hội ngày càng trở thành một nguồn tin quan trọng hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm và tiếp nhận thông tin đối với thanh thiếu niên. Việc hiểu về các nguồn tin và kỹ năng phân biệt nguồn tin thật - giả vì thế ngày càng trở nên quan trọng hơn. Để làm được điều đó, người dùng Internet trẻ tuổi cần có kiến thức và các công cụ kiểm chứng thông tin phù hợp.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ: “Trẻ em khi bắt đầu sử dụng internet là đã bắt đầu trở thành một công dân số thực thụ, tiếp cận với cả lợi ích và rủi ro trên mạng như bất kỳ một công dân nào. Thông tin trên mạng rất đa dạng, là các công dân số, các em cần có kiến thức và kỹ năng để phân biệt đánh giá nguồn thông tin, tư duy logic để có các quyết định phù hợp.
Người tiếp xúc nhiều nhất đối với các em thanh thiếu niên hiện nay chính là nhà trường và thầy cô. Đối với các học sinh bán trú, thời gian ở trường đã chiếm gần như trọn vẹn một ngày. Đến tối khi đi học về, các em chỉ kịp ăn cơm, tranh thủ học bài và lên giường đi ngủ để sáng hôm sau lại đến trường. Vì thế, nhà trường và giáo viên có vài trò quan trọng trong việc định hướng sử dụng Internet cho các em.
Khi được hỏi nếu gặp một thông tin mà em nghi ngờ là không chính xác, em sẽ làm cách nào để xác thực, học sinh Nguyễn Đức Ân cho biết: “Em sẽ hỏi cô giáo hay hỏi ông của em về những thông tin mà em thấy ở trên mạng”.
Một học sinh chia sẻ về những lần sử dụng Internet (ảnh: MSD)
|
Anh Andreas Mattsson, Giám đốc Chương trình Trường Báo chí, Đại học Lund Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm: “Hãy liên tục đặt câu hỏi, đánh giá thông tin mà các em tiếp nhận”.
Về vai trò của nhà trường, cô giáo Phạm Thị Thu - giáo viên tại một trường Trung học cơ sở ở Đà Nẵng cho biết “Việc dạy về những đặc tính của Internet cũng như những rủi ro khi sử dụng mạng xã hội cũng đã được lồng ghép vào các nội dung giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, phần nội dung về tin giả - tin thật chưa thực sự được đào sâu. Các bài giảng chỉ mới tập trung vào việc giúp các em xác định các nguồn tin chính thống. Hiện tại, giáo viên giảng dạy về chủ đề này của nhà trường vẫn còn hạn chế với số lượng 1-2 giáo viên, do đó rất khó phân bổ các tiết học”.
Chị Thu cũng nói thêm rằng, sau buổi hội thảo hôm nay, các giáo viên được tập huấn cũng sẽ truyền đạt lại cho các giáo viên khác trong trường và xây dựng các chương trình cụ thể để giảng dạy các nội dung về an toàn khi dụng Internet cho học sinh.
Chương trình hội thảo "Giả mạo ≠ Sự thật - Đánh giá thông tin trong lớp học" do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) và Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông (VIGEF) tổ chức, nhằm trang bị cho thầy cô giáo và học sinh các kiến thức để sử dụng Internet có hiệu quả, tránh xa các cạm bẫy trực tuyến. Hơn 200 học sinh đã tới lắng nghe các kinh nghiệm từ những chuyên gia trong và ngoài nước. Đây là hội thảo bên lề Diễn đàn Internet quốc gia năm 2019, được tổ chức từ ngày 20-21/3/2019. |