Startup về liệu pháp gene đầu tiên ở Đông Nam Á được nhận đầu tư 1.2 tỷ USD

VietTimes – Một startup về liệu pháp gene đầu tiên ở Đông Nam Á - tiêm gene vào cơ thể để điều trị hoặc ngăn chặn bệnh tật được nhận đầu tư 1,2 tỷ USD. Đồng sáng lập dự án có nhà khoa học nữ Nguyễn Lê Minh người Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của Carmine Therapeutics với dự án đột phá. Ảnh: Timothy David/Straits Times.
Nhóm nghiên cứu của Carmine Therapeutics với dự án đột phá. Ảnh: Timothy David/Straits Times.

Thông tin từ tờ Khám phá, Carmine Therapeutics là một startup về liệu pháp gene đầu tiên ở Đông Nam Á, được thành lập năm 2019. Dự án này vừa được ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 1,2 tỷ USD với Takeda Pharmaceutical, tập đoàn dược phẩm đa quốc gia lâu năm của Nhật Bản.

Dự án mà startup đang theo đuổi là một phương pháp điều trị bằng công nghệ cao. Theo đó, thay vì sử dụng thuốc hóa học hoặc phẫu thuật, người ta sẽ tiêm gene vào trong cơ thể người bệnh để điều trị hoặc ngăn chặn bệnh tật.

Carmine phát triển công nghệ dùng các cấu trúc tí hon dạng hạt do tế bào hồng cầu giải phóng ra, được gọi là túi ngoại bào. Các túi ngoại bào sẽ vận chuyển các gene tới từng phần cơ thể cần điều trị, gene sẽ giúp chúng hình thành protein trị liệu khôi phục chức năng bình thường của các mô.

Công nghệ này có tên gọi là Red Cell EV Gene Theraphy (hay Liệu pháp Regent). Trong đó EV là viết tắt của túi ngoại bào hay extracellular vesicle. Nghiên cứu của nhóm được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications vào năm 2018.

Nữ TS. Lê Minh và TS. Shi Jiahai - hai trong số các đồng sáng lập dự án, phát hiện ra điều này khi đang làm việc tại Đại học City Hong Kong. Dù rất khả quan và hoàn toàn ứng dụng được trong thực tế, tuy nhiên hiện tại startup này vẫn chưa công bố cụ thể các loại bệnh di truyền hiếm gặp.

TS. Lê Minh trong một cuộc nói chuyện. Ảnh: VSSS.
TS. Lê Minh trong một cuộc nói chuyện. Ảnh: VSSS.

Theo TS. Ronne Yeo - Phó Chủ tịch và đồng sáng lập dự án, Carmine Therapeutics là công ty đầu tiên trên thế giới thực hiện công nghệ này. Trước đây, các liệu pháp gene sử dụng virus để làm vật trung gian vận chuyển. Đây không không phải cách làm tối ưu vì hệ miễn dịch của người bệnh sẽ chống lại virus xâm nhập.

Trong liệu pháp này, chỉ có các tế bào hồng cầu từ máu âm tính O trong ngân hàng máu mới được sử dụng. Vì nó có nguy cơ gây ra phản ứng bất lợi cho bệnh nhân thấp nhất, phản ứng miễn dịch không mong muốn sẽ ít khi xảy ra.

Khi so sánh với các phương pháp khác, túi ngoại bào có khả năng mang gene có kích thước lớn hơn so với virus, chi phí sản xuất rẻ và tiếp cận được nhiều bộ phận trong cơ thể hơn.

Sau thỏa thuận hợp tác, đại diện Takeda Nhật Bản cho hay việc phát triển phương tiện mới để vận chuyển gene thay cho các liệu pháp cũ là nền tảng quan trọng để tìm ra các phương pháp chữa trị hữu hiệu nhất cho các ca bệnh hiếm gặp.

Ông Lin Xiangqian - Giám đốc điều hành Carmine, cho biết việc hợp tác với công ty Takeda sẽ giúp tối ưu hóa công nghệ, đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng, thương mại hóa các liệu pháp.

Đồng sáng lập Carmine Therapeutics có nhà khoa học nữ Nguyễn Lê Minh người Việt Nam, hiện là giảng viên Đại học Quốc gia Singapore.

Năm 2010, bà bảo vệ tiến sĩ ở Singapore-MIT Alliance, ngành Sinh học Tính toán và Hệ thống. Sau đó bà cùng TS. Judy Lieberman ở trường Y Harvard làm đề tài nghiên cứu microRNA trong di căn ung thư vú.

Năm 2015, TS. Nguyễn Lê Minh nghiên cứu tại Đại học City Hong Kong, sau đó về Singapore để giảng dạy, nghiên cứu và cùng GS. Harvey Lodish, TS. Jiahai Shi lập Carmine Therapeutics với quỹ đầu tư mạo hiểm Esco Ventures vào năm 2019. TS. Lê Minh thường nói chuyện với sinh viên nữ và tạo nguồn cảm hứng cho các bạn nghiên cứu sinh.