Startup công nghệ 'thay đổi thế giới' của Toyota đang gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Woven Planet - Startup công nghệ của Toyota từng được kỳ vọng sẽ "thay đổi thế giới" - đang gặp khó với những kế hoạch liên tục bị trì hoãn. Dường như startup này đã thất bại và trở thành một bài học để đời cho Toyota.

tải xuống.jpg
CEO Toyota Koji Sato nói về nền tảng phần mềm Arene của công ty tại triển lãm ô tô tổ chức trong tuần này ở Tokyo (Ảnh: WSJ)

Toyota mỗi năm bán được nhiều ô tô hơn bất kỳ công ty nào khác và họ có ước mơ tương tự khi thành lập startup công nghệ của riêng mình vào năm 2021. Để thực hiện ước mơ này, Toyota đã lựa chọn một chuyên gia công nghệ người Mỹ để điều hành startup đó và hình dung ra việc xây dựng phần mềm cho những chiếc ô tô của mình, nhằm biến chúng trở thành tiêu chuẩn của toàn ngành.

Tham vọng của startup này lớn đến nỗi một trong những dự án của họ là xây dựng một thành phố hoàn toàn mới ở chân núi Phú Sĩ để thử nghiệm ô tô tự lái, robot và hydro để sản xuất điện.

CEO Toyota lúc bấy giờ, Akio Toyoda, cho biết công ty mới sẽ giúp Toyota vượt qua “giai đoạn thay đổi sâu sắc chỉ có một trong một thế kỷ”, trong đó ô tô trở thành xe điện (EV), được kết nối internet, khả năng tự lái và phụ thuộc nhiều vào phần mềm.

Ông Toyoda tiết lộ công ty sẽ có tên là Woven Planet, sử dụng các từ tiếng Anh, ám chỉ nguồn gốc của Toyota là nhà sản xuất máy dệt tự động vào những năm 1920. Ông nắm giữ 5% cổ phần trong liên doanh, cá nhân ông đầu tư 34 triệu USD để thể hiện cam kết của mình.

Tuy nhiên, giấc mơ về Woven Planet đã gặp nhiều thách thức. Trong khi công ty khẳng định rằng tầm nhìn cuối cùng của họ vẫn được giữ nguyên, việc phát hành đầy đủ phần mềm của Toyota cho phép tài xế nâng cấp ô tô thành kết nối không dây của họ đã bị trì hoãn và thành phố mới vẫn chưa mở cửa. Sau 3 năm tiến độ chậm hơn dự kiến ​​và phần mềm chưa thể ra mắt đúng thời hạn, chuyên gia công nghệ người Mỹ đã rời đi.

Những bước đi sai lầm ban đầu của công ty này đã cho thấy một bài học cảnh báo cho các nhà lãnh đạo các công ty truyền thống, những người hiểu rằng họ cần có chuyên môn công nghệ mới nhưng lại gặp khó khăn trong việc kết hợp nó với những năng lực và thói quen cũ.

Woven Planet khởi đầu với những tham vọng lớn lao, nhưng cuối cùng lại không phù hợp với kỳ vọng của Toyota về các tính năng phần mềm sẵn sàng được ứng dụng vào ô tô một cách nhanh chóng. Startup này đã gặp khó khăn trong việc kết nối với các mục tiêu đang thay đổi của công ty mẹ Toyota, giờ đang cố gắng làm mới chính mình trong khi sản xuất 10 triệu xe mỗi năm.

Kết quả là thời hạn chót liên tục bị trì hoãn – có thời điểm, cho đến tận năm 2027 để triển khai đầy đủ phần mềm. Ngày nay, Toyota đã tuyển dụng những cựu binh trong nhóm sản xuất ô tô của mình và đưa Woven Planet liên kết hơn với các bộ phận còn lại của công ty. Với cơ chế và cơ cấu mới, Toyota và Woven cho biết các kế hoạch của họ hiện đã đi đúng hướng, với phiên bản đầu tiên của phần mềm được hứa hẹn sẽ ra mắt vào năm 2025.

im-876567.jpg
Trụ sở chính ở Tokyo của Woven Planet được thiết kế để mô phỏng các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon (ảnh: Bloomberg)

Cuộc đua giữa các nhà sản xuất

Tuy nhiên, Toyota không phải là nhà sản xuất ô tô duy nhất đối mặt với khó khăn về vấn đề phần mềm.

General Motors đã tạm dừng hoạt động sản xuất xe tự lái trong tuần này do lo ngại về an toàn từ các cơ quan quản lý, sau khi biết họ đang đặt cược vào công nghệ này.

Volkswagen (VW), nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới, đã chi hàng tỉ USD và tuyển dụng một đội ngũ kỹ sư cho dự án phần mềm của riêng mình nhưng cuối cùng lại bị sa lầy. Cú vấp ngã đã dẫn đến sự chậm trễ và góp phần khiến cựu CEO Herbert Diess bị sa thải.

VW và Toyota đã mất vị trí vào tay những hãng mới trong ngành trong việc chế tạo những phương tiện không khác gì những chiếc máy tính có bánh xe.

Tesla, BYD của Trung Quốc và nhiều công ty khác hiện nay đều sử dụng phần mềm để kiểm soát các chức năng của xe, nghĩa là mọi thứ, từ lượng pin đến tính năng lái xe tự động, đều có thể được cải thiện thông qua các bản cập nhật qua mạng, không khác gì ứng dụng trên điện thoại.

Tại cuộc họp nội bộ vào năm 2020, ông Toyoda đã khuyến khích nhân viên của Woven Planet hãy có tham vọng. Ông cho biết ông đã gặp khó khăn trong việc khuyến khích sự đổi mới trong Toyota vì đây là một tổ chức lớn trong đó các quyết định thường được đưa ra dựa trên tiền lệ.

Theo biên bản cuộc họp, ông Toyoda nói: “Trong kỷ nguyên chưa được khám phá này, không phải mọi thứ đều có thể được xem xét bằng cách sử dụng các cơ chế logic như vậy”. Tại công ty mới, ông tuyên bố: “Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được những điều tuyệt vời. Tôi tin rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới”.

im-876564.jpg
Akio Toyoda, khi đó là CEO của Toyota, công bố kế hoạch xây dựng Woven City vào năm 2020 (Ảnh: Getty)

Kế hoạch đầy tham vọng

Woven Planet bắt đầu sử dụng mức lương cao để thu hút các kỹ sư phần mềm hàng đầu đến từ nước ngoài và mua lại một loạt startup, bao gồm cả bộ phận xe tự lái của công ty gọi xe Lyft của Mỹ vào tháng 4/2021.

Để điều hành Woven Planet, Toyoda đã chọn James Kuffner, một chuyên gia chế tạo robot, người đã làm việc cho hãng ô tô này từ năm 2016, sau khi trở thành thành viên của nhóm chế tạo xe tự lái của Google.

Kuffner, 52 tuổi, quản lý hơn 2.000 nhân viên của Woven Planet và cũng được giao công việc phụ không chính thức là cố vấn cho con trai của ông Toyoda, Daisuke, 35 tuổi, người đảm nhận vai trò điều hành tại công ty. Kuffner kiếm được số tiền gần 9 triệu USD trong năm kết thúc vào tháng 3/2023 - nhiều hơn cả Toyoda, ông chủ của mình, khoảng 2 triệu USD.

Trong số các dự án tương lai của Woven Planet, có một thành phố vận hành bằng hydro trị giá hàng tỉ USD ở chân núi Phú Sĩ, được gọi là Woven City, nơi hàng nghìn người sẽ sống và thử nghiệm ô tô tự lái và nhà thông minh được trang bị robot.

Một dự án khác là tạo ra phần mềm đi tiên phong trong ngành sản xuất ô tô của Toyota.

Toyota đặt tên cho khái niệm này là Arene, một loại hệ điều hành dành cho ô tô được cho là sẽ giúp tài xế tải xuống nhiều bản nâng cấp, giống như Tesla. Các phương tiện được điều khiển bởi Arene sẽ kết nối với mạng đám mây, thu thập và chia sẻ dữ liệu giữa hàng triệu phương tiện, nhà thông minh và cơ sở hạ tầng thành phố. Các nhà phát triển bên ngoài Toyota sẽ có thể sử dụng nó để thiết kế các ứng dụng và dịch vụ của riêng họ dành cho ô tô, và Arene cũng sẽ được các nhà sản xuất ô tô khác sử dụng.

Arene được đặt tên theo một loại phân tử hydrocarbon có hình lục giác, hình dạng giống với logo của Woven Planet.

im-876568.jpg
Gian hàng của Toyota tại triển lãm ô tô tuần này ở Tokyo (Ảnh: WSJ)

Ván cược bất thành

Thế nhưng, ngay cả trong Toyota và Woven Planet, nhiều người nhận thấy rằng tầm nhìn này hết sức mơ hồ.

Khoảng 6 tháng trước, tại một cuộc họp toàn thể nhân viên tại Woven, câu hỏi ba từ của một nhân viên – “Arene là gì?” – đã được bình chọn đứng đầu danh sách các câu hỏi được đặt ra cho ban quản lý công ty.

Việc phát triển nền tảng này mất nhiều thời gian hơn Toyota mong đợi. Ban đầu, họ dự kiến sẽ ra mắt phiên bản chính thức của nền tảng vào năm 2025, nhưng các nhóm lập kế hoạch cho thế hệ tiếp theo của xe Toyota cho biết rằng dự án sẽ bị trì hoãn đến năm 2027.

Tại một cuộc họp phát triển sản phẩm năm ngoái, CEO lúc đó là Toyoda đã nổi giận sau khi nghe từ ban quản lý Woven Planet rằng nhiều bản cập nhật phần mềm mà Toyota dự định phát hành vào năm 2025 sẽ không được hoàn thành đúng tiến độ, theo nguồn tin từ những người biết về cuộc họp.

Trong suốt năm ngoái, Woven Planet bắt đầu chuyển trọng tâm sang phát triển phần mềm có thể được ra mắt sớm hơn. Điều đó có nghĩa là phải thiết kế phần mềm dành riêng cho xe Toyota và tuyển dụng những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm về ô tô. Trong lần giới thiệu đầu tiên, Arene đã được mô tả sao cho tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm trong xe, với các tính năng cho phép người lái sửa đổi ô tô của họ để tạo ra âm thanh vòng tua máy giống như một chiếc xe thể thao hoặc thậm chí lái xe như thể họ sử dụng hộp số tay.

John Absmeier, giám đốc công nghệ của đơn vị, người gia nhập công ty vào năm ngoái sau nhiều năm làm việc trong cả ngành công nghiệp ô tô và công nghệ, cho biết tầm nhìn cuối cùng đối với Arene, bao gồm cả việc biến nó thành tiêu chuẩn của ngành, vẫn được giữ nguyên.

Những thay đổi tại Woven diễn ra nhanh chóng vào tháng 1 năm nay, khi Toyoda quyết định trao quyền điều hành hãng sản xuất ô tô cho Sato, một kỹ sư lâu năm. Công việc của Sato với tư cách là CEO của Toyota là đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện của hãng.

Vài ngày sau khi đảm nhận vai trò mới, ông Sato cam kết sẽ phát hành 10 mẫu xe điện mới vào năm 2026. Ông muốn việc triển khai đầy đủ của Arene được đẩy lên trùng với thời điểm ra mắt những mẫu xe đó.

Ông Sato đã thúc đẩy Woven Planet chuyển trọng tâm sang tạo ra phần mềm có thể sớm được phân phối.

Woven Planet được đổi tên thành “Woven by Toyota” để kết hợp với thương hiệu Toyota. Các CEO lâu năm của Toyota như cựu Giám đốc tài chính Kenta Kon và Giám đốc điều hành Koji Kobayashi đã tham gia hội đồng quản trị của đơn vị phần mềm này.

Vào tháng 10, Kuffner đã từ bỏ công việc của mình sau 2 năm rưỡi đảm nhiệm vai trò này để chuyển giao cho Hajime Kumabe, người đến từ Denso, nhà cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu của Toyota. Kon, cựu Giám đốc tài chính của Toyota, đảm nhận vai trò không chính thức là cố vấn của ông Daisuke Toyoda.

Kuffner hiện là thành viên cấp cao của Toyota, làm việc về phát triển và giáo dục kỹ năng số trong công ty bên cạnh việc phát triển phần mềm.

Cuối cùng, Toyota cho biết Arene sẽ ra mắt trên một số loại xe vào năm 2025 và dự kiến ​​triển khai toàn diện vào năm 2026. Phần mềm này ban đầu sẽ chỉ được thiết kế dành cho xe Toyota.

im-876570.jpg
Căng tin tại trụ sở chính của Woven ở Tokyo, nơi các CEO phát biểu trong bữa tiệc chia tay cựu CEO James Kuffner vào tháng trước (Ảnh: Bloomberg)

Vực dậy sau thất bại

Tại triển lãm ô tô ở Tokyo hồi đầu tuần này, Toyota đã trình diễn các tính năng của Arene, bao gồm tính năng cho phép tài xế chỉ tay vào các địa điểm xung quanh khi đang lái xe và nhận thông tin về chúng. Woven cho biết tính năng đó và các tính năng nâng cao khác sẽ sẵn sàng vào năm 2026 hoặc muộn hơn.

“Rút kinh nghiệm từ thất bại, Toyota hiện đã xác định rõ ràng những gì họ cần làm, những gì cần ưu tiên và có kế hoạch sản phẩm rõ ràng hướng tới năm 2026”, theo Takaki Nakanishi, nhà phân tích ngành công nghiệp ô tô và là tác giả của một cuốn sách gần đây nói về những thay đổi trong chiến lược phần mềm và xe điện của Toyota.

Tại Woven by Toyota, một số nhân viên vẫn đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với sự thay đổi hướng đi mới. Họ nói rằng phần mềm đổi mới không phải là thứ có thể đặt hàng và giao hàng theo thời hạn nghiêm ngặt như má phanh hay ống xả. Những người khác nói rằng họ tự tin hơn vào khả năng đưa các dự án ra thị trường khi Toyota đã tham gia.

CEO của Woven, Sinead Kaiya, một CEO lâu năm trong ngành phần mềm và là một trong số ít phụ nữ trong hàng ngũ điều hành, gần đây đã rời công ty. Một vài tháng trước, các nhân viên tại Woven đã thành lập công đoàn để giải quyết những vấn đề mà một số người gọi là không hài lòng về đường hướng của công ty, cùng nhiều vấn đề khác.

Dưới sự giám sát của Daisuke Toyoda, việc xây dựng khu vực đầu tiên của Woven City của Toyota sẽ hoàn thành vào năm tới và hiện đang tuyển những cư dân tiềm năng.

Vào cuối tháng 9, Woven đã tổ chức bữa tiệc chia tay Kuffner tại trụ sở chính ở Tokyo. Các nhân viên tập trung gần khu vực căng tin rộng lớn của công ty và các giám đốc điều hành bao gồm Absmeier, Kon và Daisuke Toyoda đã gửi lời cảm ơn Kuffner vì nỗ lực của ông.

Tại sự kiện, ông Kuffner trông mệt mỏi, theo những người có mặt khi đó. Khi đến lượt phát biểu, ông nghẹn ngào nói rằng ông rất biết ơn về trải nghiệm này và sẽ nhớ những đồng nghiệp cũ trong vai trò mới. Một điều nữa mà vị CEO người Mỹ nói rằng ông sẽ nhớ: số lượng tóc ông từng có trước khi nhận công việc này./.

Theo Wall Street Journal