Việt Nam hiện có hơn 20 triệu người sử dụng các loại ví điện tử, trong đó thị phần của MoMo, Moca và ZaloPay chiếm đến 90%. Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ chiếm 14% nên dư địa còn rất lớn.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng người sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến đang ngày càng gia tăng. Đây được xem là cơ hội lớn cho các “tân binh” mới gia nhập thị trường ví điện tử, như CTCP Công nghệ PayME (PayME).
Theo tìm hiểu của VietTimes, PayME tiền thân là CTCP Giải trí Di động (Me Corp), được thành lập vào tháng 11/2010, hoạt động trong lĩnh vực phát triển dịch vụ cung cấp nội dung số trên nền tảng điện thoại di động, phân phối, sản xuất và phát hành game.
Từ đầu năm 2016, PayME đã có ý muốn tham gia vào lĩnh vực thanh toán khi thay đổi đăng ký ngành nghề kinh doanh chính từ “Lập trình máy vi tính” sang “Hoạt dộng dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu”, cụ thể là “Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán”.
Đến ngày 1/10/2019, đơn vị này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số 93/GP-NHNN.
Nhấn mạnh rằng, PayME là ví điện tử "sinh sau đẻ muộn", sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể thu hút người dùng, chứ chưa nói đến việc có lãi.
Tuy nhiên, ví điện tử này cũng có hướng đi riêng khi ngoài nền tảng ví điện tử mở (Open eWallet), PayME còn cung cấp nền tảng thanh toán mạng xã hội (Social Payment).
Cú "bẻ lái" sang lĩnh vực trung gian thanh toán sẽ đem lại nhiều thách thức mới cho giới chủ PayME, trong khi đó, 4 năm trở lại đây, công ty này lại liên tục báo lỗ.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, PayME ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 272,4 tỉ đồng và 307,8 tỉ đồng, lỗ thuần tương ứng ở mức 538 triệu đồng và 27,8 tỉ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của PayMe chỉ đạt vỏn vẹn 207 triệu đồng, giảm 99,9% so với năm trước; lỗ thuần ở mức 23,4 tỉ đồng, trong khi năm 2018 cũng lỗ 22,2 tỉ đồng.
Kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, quy mô tài sản và nguồn vốn của PayMe cũng bị hao hụt đáng kể. Theo đó, tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của PayME đạt 77,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 33,6 tỉ đồng, giảm lần lượt 30,7% và 61,7% so với thời điểm đầu năm.
Theo cơ cấu cổ đông được cập nhật gần nhất của PayME, công ty này có vốn điều lệ 51,5 tỉ đồng, gồm 7 cổ đông sáng lập. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Lê Hoàng Gia (SN 1979) là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 66,9% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, PayME và ông Lê Hoàng Gia còn sở hữu cổ phần chi phối tại một số pháp nhân như CTCP Dịch vụ trực tuyến Gate (Gate), CTCP ME Di động (ME Mobile).
Được biết, Gate tiền thân là trung tâm kinh doanh phân phối thẻ cào, được thành lập vào tháng 11/2014. Trong 4 năm gần nhất, Gate luôn ghi nhận doanh thu lên đến cả nghìn tỉ đồng/năm, tuy nhiên khoản lợi nhuận thuần chỉ ở mức thấp.
Như năm 2019, doanh thu thuần của Gate đạt 673,4 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 8,5 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,2%. Trước đó, năm 2018, 2 chỉ tiêu này lần lượt là 1.214,8 tỉ đồng và 14,3 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,1%.
Còn ME Mobile, công ty này được thành lập vào tháng 11/2015. Tại ngày 21/9/2016, ME Mobile có vốn điều lệ 40 tỉ đồng, trong đó PayME góp 32 tỉ đồng, tương đương 80% vốn.
Tương tự PayME, vài năm gần đây, ME Mobile cũng liên tục báo lỗ từ 3-7 tỉ đồng/năm; vốn chủ sở hữu bị ăn mòn đến gần một nửa.
Ngoài các pháp nhân kể trên, ông Lê Hoàng Gia còn là người đại diện theo pháp luật của CTCP Dịch vụ Giải pháp số và CTCP Liên minh thể thao điện tử, tuy nhiên cả 2 doanh nghiệp này đều đã ngừng hoạt động.
Ngày 13/7/2020, Chủ tịch Lê Hoàng Gia góp vốn thành lập CTCP Tập đoàn Công nghệ ME (ME Technology Group) với vốn điều lệ ban đầu là 51,5 tỉ đồng, trong đó ông Gia nắm giữ tới 80,4% cổ phần. 2 cổ đông còn lại là ông Vũ Thanh Long (14,6%) và ông Hồ Quốc Quân (5%)./.