Chứng khoán Bản Việt “mộng” gì với khoản đầu tư vào Napas?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong 9 tháng đầu năm 2020, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC – Mã CK: VCI) liên tục rót thêm vốn đầu tư vào CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).

Dòng vốn đầu tư của VCSC vào Napas “tăng tốc” từ nửa đầu năm 2020, với giá trị khoản đầu tư tính đến ngày 30/6 đạt mức 244,44 tỉ đồng, cao gấp gần 8 lần so với đầu năm. Và tính tới cuối Quý 3/2020, khoản đầu tư này đã tăng lên mức 286 tỉ đồng. Napas vì thế đã vươn lên trở thành khoản đầu tư tài chính lớn thứ hai của VCSC, sau Tổng Cty CP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIG).

Napas được thành lập từ năm 2004, hình thành sau thương vụ sáp nhập giữa CTCP Chuyển mạch Tài chính quốc gia Việt Nam và CTCP Dịch vụ thẻ Smartlink. Công ty này được biết đến là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.

Cổ đông chính của Napas gồm NHNN (với tỷ lệ sở hữu 48,96% vốn điều lệ) và 15 ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.

Theo giới thiệu, Napas hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông mạng lưới 18.600 máy ATM, 261.000 máy POS, trên 100 triệu thẻ của 48 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Đồng thời, Napas còn cung cấp dịch vụ cổng thanh toán điện tử kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công, các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch và nhiều dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích khác.

Với sự phát triển của công nghệ cùng quá trình chuyển đổi số quốc gia được thúc đẩy mạnh mẽ, thanh toán điện tử là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nóng thời gian qua.

Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 3 tháng đầu năm 2020, thanh toán điện tử liên ngân hàng vẫn tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cũng tăng 81% về số lượng và tăng 145% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Lĩnh vực thanh toán điện tử tiềm năng là vậy, song, không phải đơn vị trung gian thanh toán nào cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Napas là đơn vị hiếm hoi có lãi trong 4 năm gần nhất, kết quả kinh doanh “sáng” hơn nhiều so với các ví điện tử Momo, ZaloPay hay Moca.

Lãi khủng như Napas

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2019, Napas ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận thuần liên tục tăng trưởng. Năm 2019, doanh thu thuần của Napas đạt mức 2.239,4 tỉ đồng, tăng 41% so với năm 2018 và cao gấp đôi so với năm 2016. Lợi nhuận thuần trong năm 2019 của Napas đạt mức 630,7 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2018, tương ứng với biên lợi nhuận 28,1%.

Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Napas lần lượt đạt mức 1.688,4 tỉ đồng và 1.427,8 tỉ đồng.

Với lợi thế và hiệu quả kinh doanh đã đạt được, Napas có nhiều tiềm năng để trở thành một khoản đầu tư đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, VCSC chỉ xếp khoản đầu tư này vào tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Điều này cho thấy VCSC dường như không muốn nắm giữ quá lâu.

Nên nhớ, VCSC là một trong những công ty chứng khoán hoạt động mạnh trong lĩnh vực IB, chuyên thực hiện những thương vụ M&A đình đám. Lưu ý rằng, ngoài Napas, VCSC trong 9 tháng đầu năm 2020 còn có những khoản đầu tư đáng chú ý vào CTCP Sữa Quốc tế (IDP).

Trở lại với Napas, tiềm năng thị trường của lĩnh vực mà doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%./.