Đây là dự án khiến người dân khiếu kiện nhiều năm. Sáng nay 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới nghe Chính phủ xin ý kiến về việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án này, nhưng trước đó Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã “tiền trảm hậu tấu”.
Nợ dân mười năm rồi
Theo báo cáo của Chính phủ, dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế được phê duyệt gồm hai hợp phần: hợp phần công trình (dự án hồ Tả Trạch) và hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư (hợp phần đền bù), bắt đầu thực hiện từ năm 2001.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt hợp phần đền bù hơn 143 tỷ đồng. Tổng số vốn của dự án được sử dụng để đền bù đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất. Đối với đất lâm nghiệp thì tỉnh có chủ trương đất đổi đất.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đến nay tỉnh mới cấp được hơn 324/1342 ha. Điều này đã dẫn đến tình trạng dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Tháng 5-2016, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản bổ sung hơn 77 tỷ đồng cho hợp phần đền bù, tái định cư của dự án. Việc làm này không đúng với quy định của pháp luật.
Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng việc Chính phủ đề xuất sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2011-2015 cho dự án hồ Tả Trạch để thực hiện hợp phần bồi thường, di dân tái định cư là chưa thực sự phù hợp.
Lý do là hợp phần đến bù của dự án hồ Tả Trạch đã được bố trí đủ từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt; hạng mục đền bù của dự án hồ Tả Trạch không phải là nhiệm vụ của hợp phần công trình nên không nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.
“Việc Bộ Nông nghiệp ban hành quyết định ngày 18-5-2016 cho phép bổ sung hạng mục đền bù (hơn 77 tỷ đồng) vào dự án khi chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.
Lý giải về nguyên nhân nợ đất sản xuất của người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết mong muốn của bà con là nhận được diện tích rừng để ổn định sinh kế lâu dài. Nhưng hơn mười năm chúng tôi mới tìm được quỹ đất 350 ha. Không phải không có đất, nhưng mà đất ở xa, không phù hợp. Bây giờ chúng tôi vẫn còn nợ bà con hơn 1.000 ha. Chúng tôi nhận trách nhiệm của lãnh đạo Thừa Thiên - Huế qua hai nhiệm kỳ.
Thủy điện có trách nhiệm gì?
“Phải giải quyết ngay cho dân, đó là yêu cầu đầu tiên. Nhưng phải giữ nghiêm kỷ cương ngân sách. Khi xây dựng dự án thì nói rất hay, nói là đất đổi đất, nhưng bây giờ lại bảo đất ở xa quá. Các đồng chí nói rằng rút kinh nghiệm về sai sót, nhưng tôi đề nghị cần phải nghiêm túc hơn” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình bày tỏ.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án thủy điện (Công ty cổ phần thủy điện Bitexco - Tả Trạch làm chủ đầu tư).
“Ông dự án thủy điện vào từ đầu hay vào sau? Vào làm thủy điện mà không đền bù gì cả, người ta xây dựng hồ nước xong ông vào làm thì ai chẳng làm được. Cần xác định thật kỹ. Chúng ta phải nghiêm túc, chứ không cứ rút kinh nghiệm mãi” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng cho rằng không thể có chuyện chủ đầu tư thủy điện không phải bỏ hàng trăm tỷ đồng bồi thường, tái định cư, mà lại nhảy vào ăn sẵn như vậy.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng 77 tỷ đồng không phải là số tiền lớn, nhưng sở dĩ phải bàn kỹ như vậy là thực hiện đúng kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thu hồi hơn 77 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ nhưng không sử dụng hết trong hợp phần xây dựng hồ Tả Trạch) để bố trí cho hợp phần đền bù di dân, tái định cư.
“Hai hợp phần này khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một cái tên thôi: hồ Tả Trạch. Vẫn là tiền nhà nước, nhà nước phải trả. Nhưng việc sử dụng tiền phải minh bạch, chứ không phải lấy cái này đưa qua cái kia, rồi lấy cái kia đắp qua cái khác” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhận tiền xong, dân đi đâu?
Đó là nỗi lo lớn nhất được nhiều ý kiến quan tâm. “Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án khác, đền bù tiền cho dân, sau đó dân sử dụng tiền đền bù mua xe, sinh hoạt, sau đó hết tiền lại thất nghiệp. Do đó cần xác định phải chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sinh kế lâu dài cho dân” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đặt hàng loạt câu hỏi: “Chi tiền xong dân có ổn định không? Dân tái định cư ở đâu, cầm tiền xong ăn vài ngày hết thì đi đâu về đâu? Chúng ta không thể nói với dân là chúng tôi không có đất đền bù thì trả bằng tiền rồi dân muốn đi đâu thì đi. Mai kia lại bảo đã đền bù rồi nhưng dân không có nhà ở, không có đất sản xuất, nên vẫn không ổn định. Tôi rất lo lắng tình trạng bây giờ đền bù nhưng sau này cuộc sống dân vẫn thiếu ổn định”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ hứa sẽ sử dụng số tiền trên giải quyết dứt điểm vấn đề di dân, tái định cư của dự án, ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.
Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế rút kinh nghiệm, không để tái diễn các trường hợp tương tự.
Theo Tuổi trẻ