Theo đó, tại TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP - cho biết đã lên phương án di dời 5.000 người dân ở Cần Giờ, trong đó có 2.000 người từ xã đảo vào nơi an toàn, đồng thời bố trí ứng trực ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Ở Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết ngư dân chấp hành tốt lệnh gọi vào trú tránh bão và thông tin kêu gọi tàu bè vào bờ. Địa phương cũng nhắc dân gia cố nhà cửa, tránh đi xa nếu không thật sự cần thiết.
Tiền Giang dự kiến có 117.500 người dân vùng ven biển phải di tản và sơ tán tránh bão. Tỉnh đã chỉ định 119.232 cơ quan, trường học cụ thể để bố trí làm nơi tránh trú bão. 11.400 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên... được huy động từ sáng 23-12 để triển khai kế hoạch ứng phó bão.
Ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - thì cho biết đã cử cán bộ tỉnh, huyện, xã trực tiếp đến những vùng có thể bị thiệt hại nếu bão vào, chỉ đạo giúp dân gia cố nhà cửa, tính toán phương án di dời dân khẩn cấp. Quyết định cho học sinh nghỉ học cũng sẽ được cân nhắc trong chiều nay tùy tình hình.
"Bão Linda làm sập hơn 160 ngàn ngôi nhà, tức hơn một nửa tổng số nhà của Cà Mau thời điểm đó. Kinh nghiệm chằng chống nhà cửa của người dân còn hạn chế, nhiều hộ nghèo không có tiền mua thiết bị nên chúng tôi kiến nghị trích quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ",đại diện tỉnh Cà mau cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Lập, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đã cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h ngày 23-12, yêu cầu nhanh chóng di dân trước 12h ngày 25-12 vào các cơ sở y tế, trường học kiên cố. Dự kiến có 20.000 hộ dân được di dời trong đợt này.
Tại Trà Vinh, ông Nguyễn Hữu Phiên - giám đốc công ty Nhiệt điện Duyên hải - đã chuẩn bị phương án đối phó bão lũ. Kinh nghiệm qua 2 đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua cho thấy khi có mưa, vấn đề xỉ than không đáng lo ngại vì xỉ ướt được nén chặt, không bị gió cuốn.
Ông Lê Tuấn Quốc phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã liên lạc được với toàn bộ tàu thuyền. 4.252 tàu đã vào bờ, 1.650 tàu hoạt động trên biển đã được hướng dẫn ra khỏi khu vực nguy hiểm, 20 tàu vào tránh bão ở Indonesia.
"Chúng tôi dự kiến sơ tán 78 ngàn người dân thuộc khu vực xung yếu ở các huyện Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo. Ngoài ra, 193 tàu với 1.500 ngư dân từ Côn Đảo vào trú bão sẽ được bố trí vào các trường học. Nếu diễn biến bão không thay đổi, việc di dân sẽ thực hiện từ sáng 24-12", ông Quốc cho biết.
Ông Trần Văn Chuyện - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết phương án sơ tán dân của tỉnh này với trên 139.000 người các khu vực ven biển như Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu...
"Tỉnh chỉ đạo chủ động bảo vệ gần 100.000ha lúa đông xuân và trên 3.500ha tôm chuẩn bị thu hoạch ở thị xã Vĩnh Châu", ông Chuyện cho biết.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận thì cho biết toàn tỉnh còn 683 tàu thuyền với 3.432 lao động còn hoạt động trên biển, đang đánh bắt xa bờ và gần bờ ven biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Tất cả các hồ chứa trên địa bàn tình cũng đang xấp xỉ mực nước dâng bình thường, 3 hồ Phan Dũng, Đá Bạc và Núi Đất đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình.
Bình Thuận đã lên phương án di dời 35.209 nhân khẩu của 35 điểm dân cư thuộc 7 địa phương khi bão đổ bộ trực tiếp.
Theo mô hình dự báo thời tiết của một số nước, bão Tembin vẫn đang di chuyển chủ yếu theo hướng tây, nhắm thẳng vào vùng biển Nam Bộ. Sau khi đi qua đảo Trường Sa lớn, bão Tembin mạnh dần lên rồi giảm cấp, tốc độ di chuyển nhanh.
Mô hình dự báo bão của cơ quan khí tượng Hong Kong cho thấy bão Tembin tăng cấp 13 khi vào đảo Trường Sa lớn, cấp độ bão giảm không nhanh. “So với dự báo ngày 23/12, bão đang lệch hơn về phía nam, các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau vẫn đang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão”, ông Cường nhấn mạnh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng bão Tembin mạnh cấp 13 trên quần đảo Trường Sa, gây sóng lớn trên 10 m. Ngoài khơi các tỉnh Nam Bộ có sóng cao 6-8 m, nước dâng do bão gần 1 m.
Đây là cơn bão cuối mùa, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Cường độ ngày càng mạnh hơn và có thể tương đương bão Linda năm 1997, bão Durian năm 2006 với rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ lớn nhất xảy ra trong khu vực).