Sợ mất thành tích, người đứng đầu chưa xử lý tham nhũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đánh giá tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, tính có tổ chức ngày càng rõ.
Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải, Bộ GTVT) bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản. Ảnh:  Tuổi Trẻ.
Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải, Bộ GTVT) bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ngày 28/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã họp phiên thứ 9 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo về tình hình, kết quả công tác PCTN năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016, số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu.

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Ban chỉ đạo cũng đánh giá tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày rõ nét hơn. Tham nhũng có tính chất lợi ích nhóm đã xuất hiện trong một số lĩnh vực.

Thêm vào đó, tình trạng sách nhiễu “tham nhũng vặt” trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền; tặng quà, biếu xén với mục đích vụ lợi.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Ban chỉ đạo cho rằng nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN.

Hơn nữa, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở; quy định về một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng tính khả thi không cao...

Thậm chí, do sợ mất thành tích, bị xử lý trách nhiệm nên không ít người đứng đầu chưa tích cực, chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Năm 2015, qua công tác thanh tra đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi trên 53.000 tỷ đồng và gần 1.800 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ với 50 đối tượng.

Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ với 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền gần 41 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 181 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính lên đến 23.000 tỷ đồng.

Qua công tác kiểm toán đã kiến nghị xử lý 30 cá nhân, chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra và cung cấp 18 hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.

Giai đoạn từ 1/12/2014 đến 30/11/2015, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 216 vụ án tham nhũng với 460 bị can; viện KSND các cấp đã truy tố 266 bụ với 591 bị can; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 253 vụ với 531 bị cáo.

Đối với 8 vụ án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo quyết định đưa ra xét xử trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đến nay đã xét xử sơ thẩm 6 vụ, 1 vụ đang xét xử và 1 vụ sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Trong năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ tiếp tục bám sát và triển khai các nhiệm vụ của công tác PCTN được nêu rại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tập trung chỉ đạo các nội dung gồm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN; hoàn thiện thể chế về PCTN; thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN; phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Theo Zing