Phạm Mạnh Hùng
Phạm Mạnh Hùng

Giảng viên Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Singapore đã làm gì để có đội ngũ công chức giỏi bậc nhất thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ đất nước với nhiều khu ổ chuột, thiếu thốn đủ thứ nhưng nhờ vào chiến lược cải cách mạnh mẽ để có được đội ngũ công chức tài năng, Singapore đã vươn mình trở thành quốc gia phát triển bậc nhất thế giới.

Nền công vụ tinh gọn với đội ngũ công chức tài năng

Bộ máy công quyền của Singapore nổi tiếng tinh gọn, hiệu quả với 152.000 nhân lực, trong đó có 87.000 công chức làm việc ở 16 bộ ngành chính phủ và 10 cơ quan nhà nước. Số nhân sự còn lại làm việc ở gần 70 cục tác nghiệp (statutory board) với quyền tự chủ trong quản lý và tuyển dụng nhân sự.

Một trong những đặc trưng nổi bật mang lại sự ưu việt cả về thiết kế và thực thi chính sách của Singapore là đội ngũ 300 công chức hành chính siêu tinh hoa, nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các bộ với sứ mệnh dẫn dắt nền công vụ, tham mưu cho các lãnh đạo chính trị trong thiết kế chính sách quốc gia và lãnh đạo việc thực thi.

Nền công vụ tinh gọn với đội ngũ công chức tài năng được thừa nhận rộng rãi giúp Singapore lột xác: thu nhập bình quân đầu người của Singapore từ 400 USD năm 1959 lên tới 88.000 USD năm 2023; từ đất nước với nhiều khu ổ chuột trở thành một đất nước xanh, sạch, đẹp với trên 90% người dân có nhà ở; dịch vụ công với 99% giao dịch giữa chính phủ và người dân được thực hiện trực tuyến; nền y tế, giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới...

Cải cách mạnh tay loại bỏ công chức yếu kém, tiêu cực

Khi Đảng nhân dân hành động (PAP) thắng cử, nắm quyền vào năm 1959, họ đối mặt với một bộ máy công quyền tê liệt, ngân sách thâm hụt, tham nhũng tràn lan...

Chính phủ của Đảng PAP đã cải cách toàn diện giảm bớt công việc nhà nước đồng thời lập ra các cục tác nghiệp để triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như Cục nhà ở và phát triển HDB năm 1960 nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng, Cục phát triển kinh tế EDB nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp ngày càng gia tăng bằng cách thu hút FDI,... Đến nay Singapore có gần 70 cục tác nghiệp.

Các công chức yếu kém, tiêu cực bị loại bỏ thẳng tay, chỉ những công chức có năng lực được giữ lại. Hiệu quả là tiêu chí duy nhất trong quyết định giữ lại hay cho nghỉ hưu sớm. Những công chức cấp cao người Anh đến tuổi nghỉ hưu nhưng tài giỏi được mời ở lại trong khi những người yếu kém thì bị cho nghỉ hưu sớm. Chính phủ mới cũng mạnh tay cắt khoản phụ cấp bằng 30% lương cơ bản của công chức cấp cao để giảm thâm hụt ngân sách.

Kết quả là tỷ lệ thôi việc cao, tạo chỗ trống để thay thế bằng những người tài năng phục vụ phát triển đất nước.

Chính sách sàng lọc vẫn được thực hiện cho tới nay. Hàng năm, tất cả công chức Singapore đều được đánh giá, xếp loại theo 5 mức từ A đến E. Công chức có mức xếp loại thấp nhất là D và E bị đưa vào quy trình đánh giá hiệu suất trong 6 tháng. Công chức phải cải thiện điểm số của mình trong suốt quá trình đánh giá, nếu không, sẽ phải rời khỏi vị trí trong danh dự.

Mỗi năm, Singapore có khoảng 5% công chức không đáp ứng được yêu cầu phải rời vị trí trong danh dự và bởi vậy, nền công vụ Singapore hầu như không có công chức yếu kém, chây ì.

Chính sách thu hút nhân tài làm việc cho bộ máy công quyền

Để thu hút những cá nhân xuất sắc, đảm bảo đủ nhân lực tài năng làm việc trong bộ máy công quyền, nhất là bộ phận công chức hành chính tinh hoa, đồng thời để tạo nguồn bổ sung, thay thế những người chuyển sang khu vực khác hoặc nghỉ hưu, Singapore cấp các suất học bổng hấp dẫn cho sinh viên có kết quả xuất sắc nhất trong Kỳ thi Cambridge General Certificate Advanced Level examination để học tại các trường đại học danh tiếng ở trong nước hoặc nước ngoài như Oxford, Cambridge, Harvard...

cong chuc singapore.jpg

Ngay từ năm 1962, mỗi năm, Ban Dịch vụ công Singapore cấp 60 suất học bổng. Năm 2023, tổng cộng có 65 học bổng được trao, với nhiều ngành học khác nhau từ khoa học xã hội, luật, kỹ thuật đến y tế và kinh tế theo học các chương trình khác nhau tại 19 cơ sở giáo dục hàng đầu trong và ngoài nước.

Năm 2023 lần đầu tiên 3 suất học bổng về phát triển bền vững được trao. Các học bổng này không chỉ nhắm đến những cá nhân xuất sắc trong học thuật mà còn những người có khả năng lãnh đạo và cam kết đóng góp cho cộng đồng.

Các ứng viên phải vượt qua quy trình đánh giá hai vòng, vòng hồ sơ và phỏng vấn. Vượt qua vòng hồ sơ với sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về kết quả học tập, đánh giá của Hiệu trưởng, hoạt động xã hội, các ứng viên phải trải qua vòng phỏng vấn nghiêm ngặt.

Sau khi tốt nghiệp, họ phải về nước làm việc cho bộ máy công quyền trong một thời gian xác định. Trong 5 năm làm việc đầu tiên, họ lại phải trải qua “đánh giá sàng lọc” trong thực tiễn công việc, đánh giá về khả năng giải quyết các công việc nhà nước vốn rất đa dạng và phức tạp. Căn cứ vào kết quả đánh giá, sự đóng góp thực tế cũng như tiềm năng phát triển, họ sẽ được bố trí vị trí phù hợp.

Những cá nhân được đánh giá là đặc biệt xuất sắc, đầy triển vọng sẽ được bồi dưỡng, rèn luyện để nhanh chóng trở thành các nhà lãnh đạo hàng đầu trong nền công vụ, như thứ trưởng thường trực ở các bộ, thậm chí có thể là bộ trưởng nếu là nghị sĩ quốc hội.

Họ được đào tạo theo "lộ trình sự nghiệp kép", ban đầu, được phân công quản lý một lĩnh vực chuyên môn thuần túy. Sau vài năm, họ được luân chuyển sang vị trí quản lý cao cấp để điều hành các vấn đề vĩ mô và hưởng lương cao đặc biệt. Họ được bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng thường trực phụ trách bộ máy công chức của một Bộ ở độ tuổi 30 và thuộc đội B, hỗ trợ chuyên môn cho các Bộ trưởng thuộc đội A là các nhà lãnh đạo chính trị, thường trong độ tuổi 40.

Chính sách cấp học bổng cho thấy hiệu quả rất cao trong cung cấp nguồn nhân tài ưu tú cho nền công vụ. Năm 2009, có tới 16/20 thứ trưởng là người nhận học bổng chính phủ, hơn nữa, cũng có khá nhiều nhà lãnh đạo chính trị của Singapore từng nhận học bổng chính phủ...

Lương cao, thưởng lớn theo kết quả công việc

Chính phủ Singapore rất chú trọng lương thưởng để giữ chân và để công chức chuyên tâm làm việc. Tuy vậy, phải đến đầu thập kỷ 1970 sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng tốt, ngân sách khấm khá cùng áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, Chính phủ thực hiện tăng lương. Tháng 3 năm 1972, tất cả công chức được hưởng tháng lương thứ 13.

Năm 1973, Chính phủ tăng lương cho các công chức cấp cao để thu hẹp khoảng cách với khu vực tư nhân. Tháng 4 năm 1982, Chính phủ tăng lương cho những người làm việc bộ phận công chức hành chính và các bộ phận chuyên môn khác nhằm khắc phục sự chênh lệch lớn về lương giữa các cử nhân làm việc trong khu vực công và khu vực tư nhân. Điều này cũng nhằm giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng của các quan chức cấp cao từ nền công vụ sang khu vực tư nhân.

Năm 1989, công chức tiếp tục được tăng lương, theo đó, mức lương công chức cấp cao Singapore cao vọt so với các nước. Cụ thể, mức lương cơ bản hàng tháng cho cấp hành chính cao nhất năm 1989 của Singapore là 32.425 SGD, cao hơn rất nhiều so với mức lương hàng tháng cao nhất cấp hành chính công của Mỹ là 7.224 USD. Tháng 1 năm 1994, các công chức hành chính lại được tăng lương với mức trung bình là 20%, các quan chức cấp cao được tăng từ 21% đến 34%.

Tháng 10 năm 1994, Singapore ra “Sách trắng về chế độ lương cạnh tranh vì một chính phủ có năng lực và trong sạch”, quy định lương Bộ trưởng và công chức cao cấp tương đương lương trung bình của bốn người hưởng lương cao nhất trong sáu ngành nghề của khu vực tư nhân là kế toán, ngân hàng, kỹ sư, luật, doanh nghiệp chế tạo trong nước và công ty đa quốc gia. Mức lương được xem xét và điều chỉnh thường xuyên để bảo đảm cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Ngoài lương, công chức Singapore còn được thưởng tùy thuộc vào thành tích cá nhân và kết quả phát triển kinh tế của đất nước. Chế độ thưởng theo kết quả công việc được áp dụng cho công chức cấp cao vào năm 1989 và mở rộng cho tất cả các công chức vào năm 2000.

Hàng năm, tất cả công chức được đánh giá, xếp loại theo 5 mức, từ A đến E. Các công chức đạt mức từ C trở lên được thưởng. Cụ thể, các công chức đạt mức C trở lên vào năm 2020 được hưởng mức tiền thưởng từ 1,5 đến 6 tháng lương. Các bộ trưởng cũng được hưởng tiền thưởng hiệu suất, trung bình là 4,3 tháng lương trong giai đoạn 2013-2017.

Chế độ thăng tiến nhanh cho người tài

Nhận thấy với chế độ thăng tiến thông thường các công chức dù có xuất sắc cũng phải ở độ tuổi 50 mới chạm tới nấc thang cuối cùng khiến cho việc tuyển dụng người tài trở nên khó khăn và tỷ lệ thôi việc cao, nhất là ở bộ phận công chức hành chính, do vậy, từ thập kỷ 1980, Singapore thực hiện chính sách thăng tiến nhanh dành cho người tài.

Chế độ thăng tiến nhanh cho phép các công chức xuất sắc có thể thăng tiến kịch khung ở độ tuổi 45 thay vì ở độ tuổi 50 như trước. Các công chức được đánh giá tiềm năng không chỉ để xác định trước chức vụ cao nhất mà công chức có khả năng đạt được mà còn để xác định tốc độ thăng tiến lên các nấc thang nghề nghiệp, những công chức có tiềm năng cao hơn được thăng tiến nhanh hơn nếu họ chứng tỏ được năng lực tương xứng hay vượt xa kỳ vọng để đảm bảo những công chức xuất sắc nhất có thể đạt tới nấc thang cuối cùng khi còn trẻ.

Năm 2000, Singapore bổ sung quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với công chức cao cấp để đảm bảo trẻ hóa liên tục ở các vị trí cao nhất trong hệ thống thứ bậc của nền công vụ. Điều này cho phép những công chức xuất sắc nhất có thể đạt tới chức vụ thứ trưởng ở độ tuổi 40, thậm chí ở độ tuổi 35.

thu tuong singapore.jpg
Ông Hoàng Tuần Tài (bên trái) trở thành Thủ tướng Singapore hôm 15-5, kế nhiệm ông Lý Hiển Long

Tóm lại, với các chính sách bài bản được thực thi nhất quán, mạnh tay, Singapore đã nhanh chóng có được đội ngũ công chức tài năng, tận tụy, duy trì được một nền công vụ hoạt động tối ưu, đóng góp tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ, đưa Singapore trở thành quốc gia phát triển bậc nhất thế giới.

Bài học thành công của Singapore rất đáng để Việt Nam tham khảo để cải cách mạnh mẽ nhằm có được một bộ máy công quyền tinh gọn, đội ngũ công chức tài năng, đưa đất nước tiến vào "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".