Liên quan đến việc Bộ GTVT trả lại Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber, lý do vẫn là chưa đầy đủ các giấy phép kinh doanh vận tải và chưa đúng quy định pháp lý khi Uber Việt Nam đứng ra đại diện cho Uber BV - Hà Lan.
Đồng thời, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ GTVT cũng khẳng định, hiện Uber chưa có giấy phép nhưng vẫn cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù nhận được “tối hậu thư” của Bộ GTVT nhưng đến ngày 13/2, các hoạt động kết nối dịch vụ kinh doanh vận tải của Uber vẫn hoạt động bình thường, hành khách vẫn có thể gọi xe theo dịch vụ của Uber để sử dụng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, cần phân biệt rõ giữa việc các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký xe hợp đồng hoàn toàn có thể thông qua Uber để kết nối với hành khách, việc này là đúng pháp luật.
“Các xe chưa đăng ký xe hợp đồng (xe chưa đăng ký kinh doanh vận tải – PV) tự ý sử dụng dịch vụ Uber để chở khách và thu tiền là vi phạm pháp luật. Các trường hợp này khi bị cảnh sát giao thông phát hiện đều bị lập biên bản và xử phạt theo quy định”, Thứ trưởng nói.
Mặt khác, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Đề án trên liên quan đến giao dịch điện tử. Cụ thể, trong vận tải hành khách có loại xe hợp đồng. Trước đây các hãng làm hợp đồng cung cấp loại xe trên bằng giấy tờ, văn bản, giờ họ muốn làm hợp đồng điện tử cho nhanh nên làm đề án trên trình Bộ xem xét.
“Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Grabcar thí điểm làm hợp đồng điện tử cung cấp xe hợp đồng. Uber không có giấy phép kinh doanh ở lĩnh vực này mà chỉ có giấy phép kinh doanh dịch vụ điện tử cho taxi thôi nên muốn được cấp phép phải hoàn thành thủ tục pháp lý trước đã”, ông Trường nói thêm.
Sau khi thí điểm Grabcar xong, Bộ GTVT sẽ đánh giá kết quả, ưu, nhược điểm rồi quyết định xem có cho tiếp tục hay không và nếu tiếp tục thì quản lý dưới dạng nào.
Đồng thời, có ý kiến rằng trong khi Bộ GTVT khẳng định Uber hoạt động là vi phạm pháp luật thì Bộ Tài chính vẫn đang thu thuế của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: Bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều có trách nhiệm nộp thuế. Với trường hợp của Uber, việc doanh nghiệp này có vi phạm pháp luật hay không thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm đưa ra mức thu thuế là bao nhiêu, thu như thế nào trong thời gian doanh nghiệp này đang “kiếm tiền” ở Việt Nam.
Trước đó, Bộ GTVT đã phản hồi chưa chấp thuận đề án của Uber và đề nghị Uber bổ sung các giấy phép và làm rõ các nghĩa vụ, trách nhiệm của Uber trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.
Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, đối với ôtô hợp đồng dưới 9 chỗ, bao gồm cả Uber, GrabTaxi là loại hình vận tải yêu cầu phải có phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật đối với loại hình này.
Ngoài ra, Uber và GrabTaxi cũng phải tuân thủ các quy định về phân luồng, tổ chức giao thông như taxi để đảm bảo giao thông, giảm ùn tắc của Thành phố.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu