Những bộ phận còn lại của nhà sản xuất túi khí Takata có hạn chót vào ngày 31-12 tới đây để báo cáo thông tin cho Cục Quản lý an toàn giao thông quốc lộ Mỹ rằng 100 triệu túi khí có chứa chất làm khô mà họ đã cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu thực sự an toàn về lâu dài.
Vụ bê bối túi khí Takata đã dẫn đến hàng loạt những vụ triệu hồi lớn chưa từng có trong lịch sử, bắt đầu từ năm 2008, được cho là có liên quan tới ít nhất 23 trường hợp tử vong trên toàn thế giới và hơn 200 người bị thương chỉ tính riêng ở nước Mỹ. Takata đã bán các túi khí bị lỗi bằng cách sử dụng ammonium nitrate, có nguy cơ phát nổ dữ dội nếu xảy ra tai nạn và có thể dễ dàng làm hành khách bị thương từ những mảnh kim loại bắn ra.
Nhà sản xuất phụ tùng Nhật Bản đã thừa nhận tội gian lận trong quá trình sản xuất, đã phải đền bù tới 1 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ về các vấn đề về túi khí. Takata sau đó đã phá sản và tài sản của công ty này được Joyson Safety Systems mua lại.
Nếu như nhà cung cấp không thể chứng minh sự an toàn hoặc độ bền của các cụm bơm hơi túi khí được trang bị mới hơn, cơ quan chức năng Mỹ có thể yêu cầu họ chịu một đợt triệu hồi mới. Tổng hóa đơn cho đợt triệu hồi lớn chưa từng có này có thể lên tới hàng chục tỷ đô la và các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu sẽ phải chịu gánh nặng chi phí này vì Takata đã phá sản.
Hiện NHTSA đang đánh giá sự an toàn của túi khí để xác định các bước xử lý tiếp theo. Thông thường, NHSTA phải mất từ 6 đến 12 tháng để đưa ra lệnh triệu hồi chính thức sau khi thu thập đủ dữ liệu.
Theo Công an Nhân dân