Sẽ có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, Hải Phòng

VietTimes -- Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương cần có cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển đối với TP.Đà Nẵng và TP.Hải Phòng trong tình hình mới.
Một góc Đà Nẵng. (Ảnh: HXM)
Một góc Đà Nẵng. (Ảnh: HXM)

Cụ thể, Bộ Chính trị vừa ban hành 2 nghị quyết 43-NQ/TW và 45-NQ/TW đồng ý chủ trương cần có cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng và TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đà Nẵng sẽ là đô thị thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 sẽ thay cho Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị IX đã không còn phù hợp với tình hình phát triển của đia phương.

Theo Nghị quyết, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ;

Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và miền Trung - Tây Nguyên. Đây sẽ là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Trong giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng sẽ có giá trị tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân trên 12%; dịch vụ 12,5-13,5%/năm; công nghiệp 11,5-12,5%/năm, nông nghiệp 4-5%/năm, trong đó, các lĩnh vực công nghệ cao đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn.

Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2% của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn tăng trên 15%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn bình quân đạt trên 10%/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước.

Giai đoạn đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD. Tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%. Cơ cấu kinh tế của thành phố gồm: ngành dịch vụ 62-65%, công nghiệp và xây dựng 28-30%, nông nghiệp 1-2%, và tỷ trọng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt dưới 10% ...

Nghị quyết đề ra tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu Đà Nẵng cần có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Hải Phòng hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025

Đối với Hải Phòng, theo Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hải Phòng sẽ trở thành TP hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm các TP tiêu biểu ở châu Á.

Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành TP hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm các TP tiêu biểu ở châu Á.
Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành TP hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm các TP tiêu biểu ở châu Á.

Đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước khoảng 6,4%; GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD; thu ngân sách từ 180.000 - 190.000 tỉ đồng. Đến 2030, Hải Phòng trở thành TP công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; thu ngân sách đạt 300.000 - 310.000 tỉ đồng; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD.

Để thực hiện mục tiêu, Bộ Chính trị yêu cầu Hải Phòng cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó các nguồn lực xã hội là động lực quan trọng; tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay, đặc biệt là các cơ chế chính sách đang áp dụng tại các khu thuơng mại tự do thành công trên thế giới. 

Bộ Chính trị cũng cho phép Hải Phòng nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù đặt trong mối tương quan hợp lý với các TP lớn khác trong cả nước.