Các quy định mới này hiện đang được UBCKNN xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, thành viên thị trường.
Giao dịch trong ngày
Tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74, khái niệm "mua bán chứng khoán" trong ngày được đưa ra để chỉ các giao dịch mua chứng khoán và bán ngay trong ngày T+0.
Với giao dịch này, số chứng khoán bán không được nhiều hơn số lượng chứng khoán đã mua, bao gồm: chứng khoán đã có trên tài khoản của nhà đầu tư, chứng khoán chờ về và chứng khoán vừa mua trong cùng ngày giao dịch.
VSD đóng vai trò người cho vay cuối cùng trong bán khống
Trong khi đó, nếu bán ra nhiều hơn số lượng chứng khoán đã mua, khái niệm "hỗ trợ thanh toán" được đưa ra. Thực tế đây chính là khái niệm bán khống chứng khoán khi không sở chứng khoán.
Nhà đầu tư được bán khống hay được CTCK hỗ trợ thanh toán nếu CTCK thu xếp được nguồn. Khoản 1, Điều 14 của Thông tư có nêu ra "Ngay trong ngày giao dịch (ngày T), công ty chứng khoán có trách nhiệm cho nhà đầu tư vay lượng chứng khoán còn thiếu. Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán hoặc vay từ các thành viên khác, hoặc từ các nhà đầu tư khác phù hợp với quy định của pháp luật".
Giao dịch mua bắt buộc là việc công ty chứng khoán, khách hàng buộc phải mua vào hoặc bán ra một số lượng chứng khoán nhất định theophương thức giao dịch thỏa thuậnvà được thanh toán và chuyển giao ngay trong ngày giao dịch. |
Tuy vậy, trong một số trường hợp, nếu CTCK không thu xếp được thì sang ngày T+1, công ty chứng khoán có trách nhiệm yết giá để thực hiện các giao dịch mua bắt buộc trên hệ thống giao dịch của Sở GDCK hoặc VSD.
Tại ngày T+2, Ngày thanh toán T+2, nếu nhà đầu tư tiếp tục không có đủ số chứng khoán, CTCK phải thực hiện các lệnh vay chứng khoán trên hệ thống của VSD.
Như vậy, CTCK đóng vai trò đầu mối thu xếp cho vay chứng khoán ở đây. Trình tự cho vay chứng khoán là: CTCK cho nhà đầu tư vay chứng khoán khi có giao dịch bán khống. Nếu nhà đầu tư tiếp tục không đủ chứng khoán, CTCK sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thành thành viên thị trường qua Sở GDCK hoặc VSD. Nếu vẫn tiếp tục thiếu chứng khoán thì VSD mới đóng vai trò như một người cho vay cuối cùng.
Cả hoạt động giao dịch trong ngày dưới hình thức bán trước mua sau và hoạt động vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán không được phép thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày trước ngày giao dịch cuối cùng để thực hiện quyền cổ đông như họp ĐHĐCĐ, trả cổ tức, phát hành cổ phiếu...
Bên cạnh đó, để có thể thực hiện Mua bán trong ngày và Hỗ trợ thanh toán, cả nhà đầu tư và CTCK đều phải đáp ứng những yêu cầu và quy định đặc thù. Đặc biệt, giao dịch này sẽ chỉ được thực hiện tại những chứng chỉ quỹ và cổ phiếu trong rổ VN30 và HNX30. Ngoài ra, một số điểm lưu ý khác bao gồm việc nhà đầu tư chỉ được thực hiện giao dịch trong phiên khớp lệnh liên tục, không thực hiện giao dịch thỏa thuận và lô lẻ; CTCK có vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng, không lỗ trong 2 năm, tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220%...
Rút ngắn thời gian giao dịch có còn ý nghĩa với nhà đầu tư?
Ngoài ra, cùng với dự thảo Thông tư mới, 2 cơ quan quản lý trên cũng sẽ xây dựng Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 như hiện nay về T+2. Với điều kiện thị trường hiện tại, đây là những điểm tiến bộ lớn khi nhà đầu tư sẽ có cổ phiếu và tiền mặt tại ngày T+2. Đối với các cổ phiếu trong nhóm VN30, HNX30 hoặc các chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư sẽ có thể không thấy rõ sự khác biệt bởi họ có thể mua bán tại ngày T+0.
Tuy nhiên, do phần lớn các cổ phiếu lại không nằm trong nhóm trên, nên đây sẽ là sự tiến bộ đáng ghi nhận của TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Bizlive