Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thụ lý vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ theo đơn của Sconnect Việt Nam khởi kiện bị đơn Entertainment One UK Limited (gọi tắt là eOne hoặc EO). Trong đó, Google và YouTube là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Sconnect tố EO về hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo do Sconnect là chủ sở hữu. EO đã mạo danh là chủ sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo cùng nhiều video phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube, sau đó sử dụng các video này để làm căn cứ đánh bản quyền, các video phim hoạt hình Wolfoo gốc được đăng tải ở các kênh Youtube của Sconnect, đồng thời tuyên bố các video Wolfoo là làm lại của Peppa Pig. Từ tuyên bố của EO, YouTube cho rằng Wolfoo gốc là sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các video phim hoạt hình Wolfoo mà EO đưa ra nên đã xóa rất nhiều video Wolfoo trên YouTube. Theo Sconnect, số lượng sản phẩm Wolfoo bị EO mạo danh và xuyên tạc lên tới hàng chục tác phẩm.
Trong đơn khởi kiện, Sconnect cho rằng, EO đã thực hiện các hành vi: Mạo danh chủ sở hữu quyền tác giả của hình ảnh nhân vật Wolfoo và phim hoạt hình Wolfoo; Xuyên tạc Wolfoo là sản phẩm làm lại của phim hoạt hình Peppa Pig; Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả là Sconnect thực hiện để bảo vệ bản quyền số, bản quyền tác giả đối với tác phẩm của mình, vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ tác phẩm nghệ thuật và các công ước quốc tế.
Sconnect yêu cầu Tòa án xem xét buộc EO chấm dứt tất cả các hành vi vi xâm phạm quyền tác giả đối với bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo; Phim hoạt hình Wolfoo bao gồm cả hành vi đánh dấu vi phạm bản quyền các phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube;
Đặc biệt, Sconnect yêu cầu Tòa án buộc YouTube (Google) và EO khôi phục toàn bộ các video phim hoạt hình Wolfoo bị EO đánh dấu là vi phạm bản quyền trên YouTube, buộc mọi các nhân, tổ chức, doanh nghiệp không tiếp nhận và hỗ trợ EO thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sconnect đối với các phim hoạt hình Wolfoo.
Cùng với đó, Sconnect yêu cầu Toà buộc EO viết thư cải chính thông tin cho khán giả xem phim hoạt hình Wolfoo và YouTube về các hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sconnect đối với phim hoạt hình Wolfoo, buộc EO công khai xin lỗi Sconnect trên 3 bài báo quốc tế về các hành vi xâm phạm quyền tác giả của Sconnect đối với phim hoạt hình Wolfoo.
Về tài chính, Sconnect cũng yêu cầu EO bồi thường số tiền tạm tính đến ngày 12/09/2022 là 844.200 USD, tương đương 19,4 tỉ đồng.
Vụ tranh chấp bản quyền giữa hai nhân vật phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig diễn ra từ tháng 11/2021, khi EO liên tục đánh bản quyền các video Wolfoo trên YouTube. Sau đó, 2 bên tiến hành khởi kiện lẫn nhau tại 3 quốc gia: Nga, Anh và Việt Nam.
Liên quan vụ việc này, giữa tháng 10/2022, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã gửi văn bản đến Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Google tại Việt Nam đề nghị bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp số Việt.
Văn bản do Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng ban hành, khẳng định sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ vụ việc, VCDA cho rằng, Sconnect đang phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ việc ra quyết định của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian là YouTube và Facebook. Sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ vụ việc, VCDA cho rằng, Sconnect đang phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề từ việc ra quyết định của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian là YouTube và Facebook.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian này đã chấp nhận cho EO đánh bản quyền các nội dung Wolfoo của Sconnect, xóa các nội dung Wolfoo đã đăng tải, đồng thời không cho đăng tải nội dung mới đang gây thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín, tài chính của doanh nghiệp.
Tại một Hội nghị giao ban của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Chủ tịch VDCA cũng đã bày tỏ quan điểm cá nhân của ông về việc Google đối xử thiếu công bằng với doanh nghiệp Việt. Ông đặt ra vấn đề về trách nhiệm của nền tảng YouTube trong việc đảm bảo công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam và đánh giá đây là sự việc tranh chấp điển hình của dịch vụ số xuyên biên giới trên các nền tảng toàn cầu.
"Nếu các bên cùng vào cuộc làm tốt sẽ có được bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động xử lý trong tương lai” - ông Nguyễn Xuân Cường nói với VietTimes.