Trong đó, dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông, có báo cáo giá trị quyết toán còn hơn 634 tỷ đồng, giảm hơn 388 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt; dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk cũng được báo cáo giá trị quyết toán hơn 724 tỷ đồng, giảm hơn 111 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu; dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn qua Pleiku được báo cáo quyết toán dự án giá trị hơn 1.298 tỷ đồng, giảm hơn 476 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Tương tự, báo cáo quyết toán của các dự án BOT trên quốc lộ 1 đoạn tỉnh Bình Thuận và đoạn Phan Thiết - Đồng Nai… cũng đều giảm hàng trăm tỷ đồng.
Liên quan đến công tác quyết toán các dự án BOT, tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu việc quyết toán dự án đã hoàn thành, đặc biệt là các dự án BOT phải chuẩn mực từng con số. Việc quyết toán phải chuẩn xác để trả lời các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Đồng thời, đây cũng là chuẩn mực để khi tiến hành triển khai thực hiện các dự án sau này thuận lợi và chuẩn xác hơn.
Lý giải về số tiền chênh lệch giữa tổng mức đầu tư được phê duyệt so với giá trị quyết toán của các chủ đầu tư báo cáo, Bộ GTVT cho biết, phê duyệt tổng vốn ban đầu chỉ là dự tính, làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình.
Ngoài ra, việc không phải sử dụng kinh phí dự phòng cũng góp phần làm giảm số tiền so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Hiện Bộ GTVT đang rà soát các dự án BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán nhà nước và các cơ quan thanh tra. Sau khi quyết toán xong, Bộ GTVT lấy giá trị cuối cùng để tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí.
Như vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu. Trong quá trình thực hiện thu phí, cứ 3 năm cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ rà soát và cập nhật các số liệu để tính toán, điều chỉnh thời gian hoàn vốn cho dự án.