Trước đó, ngày 14/7/2016, dựa trên thông tin phản ánh của người dân huyện Đại Từ, Bộ TNMT đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tại mỏ Núi Pháo (Công ty Núi Pháo).
Theo đó, Bộ TNMT thống nhất với đề xuất của tỉnh về việc sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về chấp hành pháp luật tài nguyên môi trường của công ty trong thời gian đầu tháng 8/2016.
Việc tổ chức thanh tra đã được tiến hành đúng theo kế hoạch.
Một năm sau, vào tháng 7/2017, theo Kết luận Thanh tra của Bộ TNMT, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã vi phạm ở tất cả các mảng chịu thanh tra, dù các hành vi vi phạm đều có thể khắc phục được.
Cụ thể, theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, công ty được thực hiện dự án khai thác, chế biến vonfram, fluorit, bismuth, đồng, vàng trong khu vực có diện tích 921 ha tại Núi Pháo trong thời hạn 30 năm, kể từ năm 2004.
Tuy nhiên, đến thời điểm Bộ TNMT thanh tra (8/2016), công ty đã xây dựng và vận hành nhà máy chế biến quặng công suất 3,5 triệu tấn/năm, nhưng lại chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Theo đó, trên diện tích 19,72ha đã được tỉnh Thái Nguyên giao, công ty chưa hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 11 hộ thuộc xóm 3, 4 xã Hà Thượng, trong đó có 7 hộ nằm trong hàng rào nhà máy.
Qua làm rõ việc Công ty Núi Pháo bán đất đá tầng phủ tại đồi 5 để sử dụng làm vật liệu san lấp, cơ quan thanh tra phân tích đất đá thải nói trên cho thấy có hàm lượng sắt từ 38-44%. Đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính về việc phát hiện có khoáng sản mới (quặng sắt) trong quá trình khai thác mà không báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép. Từ đây xử phạt hành chính 510 triệu đồng với Công ty Núi Pháo và yêu cầu phải báo cáo đầy đủ thông tin về việc phát hiện khoáng sản mới trong quá trình khai thác.
Đồng thời, việc xử lý chất thải công nghiệp và quy trình thu gom, lưu giữ tại các hồ bên trong dự án của Công ty Núi Pháo đều có vi phạm. Trong đó, nước thải sau tuyển sunfua, bismuth đều có sử dụng hóa chất, xyanua với lưu lượng trung bình là 475 m3/h, được thu gom vào bồn thu nước thải tập trung tại khu vực tuyển bismuth và bơm về hồ thải đuôi quặng sulphure (hồ STC).
Tuy nhiên, hồ STC dù được thiết kế để tiếp nhận các loại chất thải rắn, lỏng có tính chất ô nhiễm cao, chất thải nguy hại… nhưng lại chưa sử dụng vật liệu chống thấm theo quy định, mà dựa vào điều kiện địa chất tự nhiên. Đồng thời các kết cấu thành, đáy và cách ngăn của chưa được thiết kế đáp ứng theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, chưa sử dụng vật liệu chống thấm.
Theo Kết luận Thanh tra của Bộ TNMT, tất cả hồ chứa chất thải và đuôi quặng của dự án đều có chung một vi phạm như trên. Bộ TN-MT kết luận, việc công ty không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành giai đoạn 2, 3 của dự án là vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Từ các vi phạm trên, tại Kết luận thanh tra, Bộ TNMT buộc Công ty Núi Pháo đình chỉ và khắc phục ngay hành vi vi phạm, phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường, lập hồ sơ thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình Bộ TNMT kiểm tra, xác nhận hoàn thành.
Trong thời gian cải tạo, lắp đặt, xây dựng công trình bảo vệ môi trường để khắc phục hậu quả vi phạm, công ty phải giảm công suất hoạt động của nhà máy, đảm bảo các công trình hiện hữu đáp ứng được việc xử lý các chất thải phát sinh với công suất phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Công ty Núi Pháo cũng được yêu cầu phải khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan để có kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, di dời dân ra khỏi nơi có nguy cơ ảnh hưởng của bụi phát tán từ trạm nghiền và mùi thuốc tuyển từ nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Mỏ Núi Pháo một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới, ước tính mỏ này chiếm 33% tổng sản lượng vonfram toàn cầu (không tính Trung Quốc).
Trữ lượng quặng vonfram ở mỏ Núi Pháo có thể khai thác trong khoảng 16 năm, với sản lượng chiếm gần 7% tổng sản lượng vonfram toàn cầu.