Ngày 11/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính phủ Malaysia đang thẩm định chính sách tương tự như Indonesia, xem xét cấm giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng truyền thông xã hội TikTok. Bối cảnh của chính sách này là nhằm đáp lại những lo ngại của người tiêu dùng về cạnh tranh giá sản phẩm và các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu trên TikTok Shop.
Truyền thông dẫn cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Truyền thông và Chuyển đổi số Malaysia Fahmi Fadzil nói, một số cửa hàng lớn đã khiếu nại về giá sản phẩm được cung cấp trên nền tảng TikTok và các nhà bán lẻ lớn cũng bày tỏ lo ngại về việc cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm được bán thông qua nền tảng này.
Chính phủ Malaysia yêu cầu TikTok đưa ra lời giải thích về sự việc. Ông Fahmi Fadzil nói: "Tôi cho rằng TikTok cần phải đứng ra làm rõ, bởi một trong những nguyên nhân khiến TikTok Shop bị cấm ở Indonesia là do lo ngại việc định giá mang tính chất tranh mồi sẽ đe dọa các doanh nghiệp địa phương". Ông cũng nhấn mạnh, TikTok cần giải thích về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đây là vấn đề mà người dùng quan tâm khi mua sắm trên nền tảng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Malaysia đang cân nhắc học theo Indonesia áp đặt lệnh cấm đối với TikTok Shop.
Trước đó, vào ngày 27/9, Bộ Thương mại Indonesia đã tổ chức họp báo yêu cầu cấm các phương tiện truyền thông xã hội (như TikTok, Facebook, Instagram...) liên quan đến giao dịch thương mại điện tử trong cùng một sản phẩm và yêu cầu TikTok Shop trong vòng một tuần phải được tổ chức lại thành một ứng dụng (App) độc lập, nếu không sẽ đóng cửa dịch vụ.
Quy định mới cũng yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử của Indonesia đặt mức giá tối thiểu là 100 USD cho hàng hóa mua trực tiếp từ nước ngoài và tất cả các sản phẩm phải phù hợp các tiêu chuẩn địa phương; điều này nhằm tránh làn sóng các sản phẩm nước ngoài giá rẻ tràn vào và để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia. Bị ảnh hưởng bởi quy định mới, vào ngày 4/10, TikTok đã đưa ra thông báo, tuyên bố đóng cửa văn phòng TikTok Shop Indonesia.
Thách thức lớn với TikTok
Đông Nam Á là trung tâm quan trọng cho hoạt động thương mại điện tử của Tiktok ở nước ngoài. Ngày 15/6, Giám đốc điều hành TikTok Chu Thụ Tư từng tuyên bố sẽ tái đầu tư vào thị trường Đông Nam Á và trong 3 năm tới sẽ đầu tư hơn 12 triệu USD vào khu vực này để hỗ trợ hơn 120.000 thương nhân và doanh nghiệp địa phương. Theo ông, TikTok hiện có khoảng 8.000 nhân viên ở Đông Nam Á, so với chỉ khoảng 100 người khi mới gia nhập thị trường cách đây 6 năm.
Dữ liệu của bên thứ ba cho thấy GMV (tổng giá trị giao dịch) của TikTok ở Đông Nam Á đã tăng từ 600 triệu USD năm 2021 lên 4,4 tỉ USD vào năm 2022.
Dữ liệu của bên thứ ba cho thấy, hiện nay Shopee đang thống trị thị trường Đông Nam Á, năm ngoái GMV của ứng dụng này xấp xỉ 47,9 tỉ USD, chiếm 48% GMV toàn khu vực Đông Nam Á. Công ty đứng thứ 2 là Lazada, thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba với GMV xấp xỉ 20,1 tỉ USD. Mặc dù thương mại điện tử TikTok xét về quy mô tổng thể không lớn bằng hai nền tảng Shopee và Lazada nhưng sự phát triển nhanh chóng của nó được coi là đáng gờm.
Tuy nhiên, lệnh cấm thương mại điện tử trên mạng xã hội do Indonesia ban hành mới đây được coi là thách thức rất lớn đối với TikTok tại thị trường Đông Nam Á.
Theo dự báo của Bain Consulting, thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ đạt tới 234 tỉ USD vào năm 2025, trở thành mảnh đất tranh giành màu mỡ đối với các gã khổng lồ Internet lớn Trung Quốc khi vươn ra toàn cầu. Hiện nay, nhiều nước Đông Nam Á đang xem xét ban hành các chính sách mới về thương mại điện tử, có thể sẽ ảnh hưởng đến cục diện cạnh tranh của thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc.
Công ty mẹ TikTok lãi đậm quý 1/2023, định giá công ty hơn 200 tỉ USD
Indonesia cấm thương mại điện tử trên mạng xã hội: Đòn giáng với TikTok
Bang Montana cấm TikTok: Cuộc chiến pháp lý giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu
Theo China.com
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu