Ấn Độ mở 9 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo Cục Điều tra và Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ trong 10 ngày cuối tháng 9, Ấn Độ đã tiến hành liên tiếp 9 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc.

Trong 10 ngày, Ấn Độ đã tiến hành liên tiếp 9 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc (Ảnh: Sohu)
Trong 10 ngày, Ấn Độ đã tiến hành liên tiếp 9 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Cơ quan này cho biết, tuy các vụ điều tra chống bán phá giá đã được Ấn Độ tiến hành nhiều nhất đối với Trung Quốc, nhưng việc diễn ra một cách dày đặc trong khoảng thời gian ngắn như vậy là điều hiếm thấy trong lịch sử.

Thông tin liên quan cho thấy, chỉ trong 10 ngày từ ngày 20/9 đến ngày 30/9, Ấn Độ đã quyết định mở 9 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm liên quan của Trung Quốc, liên quan đến các nguyên liệu thô hóa học, các bộ phận công nghiệp, lõi ferrite mềm, sản phẩm cán, giấy kính mỏng, ốc vít, gương kính không khung, lưu huỳnh đen, ray ngăn kéo…và các sản phẩm khác.

Cục Điều tra và Phòng vệ Thương mại cho hay, cơ quan này đã phát hiện, từ năm 1995 đến năm 2023, tổng cộng có 1.614 vụ kiện chống bán phá giá đã được thực hiện đối với Trung Quốc trên khắp thế giới. Trong số đó, 3 quốc gia/khu vực xảy ra nhiều nhất là Ấn Độ với 298 vụ, Mỹ 189 vụ và Liên minh châu Âu với 155 vụ.

Ngày 30/8, Hội Xúc tiến Thương mại quốc tế Trung Quốc đã công bố Chỉ số ma sát Kinh tế và Thương mại toàn cầu trong nửa đầu năm 2023, cho thấy Ấn Độ, Mỹ và Canada là những nước tiến hành nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại liên quan đến Trung Quốc và đã chuyển từ các ngành truyền thống sử dụng nhiều lao động sang các ngành công nghiệp tiên tiến, bao trùm cả lĩnh vực công nghệ. Trong cuộc điều tra chống bán phá giá do Ấn Độ khởi xướng với Trung Quốc, ba ngành công nghiệp hàng đầu trong tầm ngắm là nguyên liệu và chế phẩm hóa chất, công nghiệp dược phẩm và công nghiệp sản phẩm phi kim loại.

Thời báo Hoàn cầu ngày 8/10 cho rằng “Trung Quốc là nạn nhân số một của chủ nghĩa bảo hộ thương mại”. Thống kê được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố cho thấy, tính đến năm 2017, Trung Quốc là quốc gia hứng chịu nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá nhất thế giới trong 23 năm liên tiếp và là quốc gia chịu nhiều cuộc điều tra chống trợ cấp nhất trên thế giới trong 12 năm liên tiếp.

Bà La Tâm Khúc, đến từ Văn phòng Quảng Châu của Công ty luật Đại Thành, Bắc Kinh cho biết các biện pháp chống bán phá giá thường kéo dài trong 5 năm, nhưng sau 5 năm, Ấn Độ thường tiếp tục duy trì các biện pháp chống bán phá giá thông qua việc xem xét lại. Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, các hạn chế thương mại của Ấn Độ sẽ tiếp tục, một số biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc đã kéo dài tới 30-40 năm.

Ông Lâm Dân Vượng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phục Đán, nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu hôm 8/10 rằng một trong những lý do chính khiến Ấn Độ trở thành quốc gia thực hiện nhiều biện pháp chống bán phá giá nhất đối với Trung Quốc là do Ấn Độ bị thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của nhiều bộ ngành và ủy ban vào đầu năm nay để thảo luận về cách giảm nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề “cân bằng thương mại với Trung Quốc”.

Theo Sohu, Thời báo Hoàn cầu