Dự định này được đưa ra sau một số vụ hối lộ trong các dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản gần đây.
Hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư dự đã xây dựng dự thảo “Quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu các dự án sử dụng nguồn vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi của Nhật Bản”.
Bản dự thảo này vừa công bố lấy ý kiến đóng góp. Ở đây đưa ra yêu cầu về đạo đức và ứng xử đó là không xung đột lợi ích. Theo đó, mọi lợi ích cá nhân, bao gồm cả quyền sở hữu tài sản, các mối quan hệ gia đình (cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em), có khả năng ảnh hưởng đến tính công bằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu đều bị coi là xung đột lợi ích.
Cá nhân phải công khai hóa lợi ích đó và phải tự nguyện rút khỏi nhiệm vụ được phân công trong quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu có liên quan.
Dự thảo cũng nêu rõ: các cá nhân có liên quan còn phải cam kết không đưa, nhận và môi giới hối lộ, cũng như phải cam kết bảo mật thông tin (không được lợi dụng các thông tin có được để đạt mục đích riêng), đảm bảo tính cạnh tranh (tránh mọi sự dàn xếp có thể).
Hiện dự thảo không đề cập đến việc vi phạm quy tắc và hình thức xử lý (cụ thể) khi tổ chức, cá nhân vi phạm quy tắc.
Trong một diễn biến có liên quan, mới đây nhất, Chủ tịch Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (Japan Transportation Consultants - JTC) đã thừa nhận JTC đã hối lộ cho quan chức ở ba nước trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, JTC đã hối lộ cho quan chức cao cấp về quản lý dự án ngành Đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (hơn 16 tỉ đồng) để được thực hiện tư vấn dự án trị giá 4,2 tỉ yen; hối lộ quan chức đường sắt Indonesia 30 triệu yen để thực hiện dự án 2,9 tỉ yen và hối lộ quan chức Uzbekistan 20 triệu yen cho một dự án trị giá 700 triệu yen.
Tất cả các dự án này đều được thực hiện bằng vốn vay hỗ trợ chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản, được tính bằng đồng yen Nhật.
Bộ Giao thông vận tải đã có thông cáo báo chí về việc xử lý các vấn đề liên quan tới nghi án nhận hối lộ ODA 80 triệu yen (hơn 16 tỉ đồng) xảy ra tại dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (thường gọi là đường sắt trên cao Yên Viên- Ngọc Hồi).
Theo Bộ Giao thông vận tải, hai phía Việt Nam và Nhật Bản sau đó đã đồng chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các dự án giao thông vận tải sử dụng vốn ODA.
“Hai bên đã trao đổi thông tin và thảo luận những biện pháp phòng chống trong thời gian tới bao gồm cả biện pháp phòng ngừa vụ việc tương tự báo chí nêu. Đồng thời thảo luận về nghiên cứu đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án sử dụng vốn vay”, thông cáo báo chí viết.
Vụ việc JTC không phải là lần đầu tiên Việt Nam vi phạm. Chẳng thế mà tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội trong năm 2015 giám sát việc quyết định, quản lý và sử dụng vốn ODA.
Theo bà Nga: quy trình quyết định, quản lý và sử dụng ODA còn chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như sự giám sát của người dân, báo chí và công luận.
"Những vụ tiêu cực liên quan đến ODA, từ các PMU, đến vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, đến JTC, đều kết thúc bằng một vụ án hình sự, có người vào tù, có người bị kỷ luật, nhưng những bất cập trên vẫn còn".
Theo Đất Việt