Sau 12 con dê, đến lượt 1.250 còn gà 'lạc vào nhà cán bộ xã'

Người dân từng xôn xao trước việc 12 con dê của huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đi nhầm vào nhà ông Bí thư huyện ủy huyện Thạch Thành. Mới đây, dư luận tỉnh Quảng Nam lại ngạc nhiên trước thông tin 1.250 con gà của hộ nghèo “lạc vào nhà cán bộ xã".
Gà trong chương trình "Nông thôn mới" đang nuôi tại nhà một cán bộ xã Quế An. Gà còn lại rất ít vì đã được nuôi lớn và bán đi
Gà trong chương trình "Nông thôn mới" đang nuôi tại nhà một cán bộ xã Quế An. Gà còn lại rất ít vì đã được nuôi lớn và bán đi

Nhận nuôi gà cấp cho hộ ngo thay b mẹ, anh em nuôi?

Theo phản ánh của người dân xã Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), tháng 11/2014, huyện Quế Sơn phê duyệt kinh phí mua 1.250 con gà hỗ trợ cho người dân nghèo trong xã. Tuy nhiên, toàn bộ số gà đó đã không đến với người dân mà toàn bộ Bí thư, Chủ tịch đến cán bộ xã đã nhận số gà trên về nuôi. Trong đó, Chủ tịch UBND xã - ông Hoàng Kim Minh được nhận nhiều nhất là 200 con, còn ông Trần Văn Quyên - Bí thư xã và Chủ tịch Hội nông dân xã - ông Trần Ngọc cùng 17 cán bộ khác của xã mỗi người được nhận 50 con gà về nuôi.

Bà N.T.G (64 tuổi, trú thôn Thắng Đông 1, xã Quế An) trình bày: “Tôi bán đồ cho học sinh ở gần ủy ban xã, ngày hôm đó tôi thấy cán bộ xã ai cũng chở 1 thùng gà con về nhà. Tưởng đâu họ mua, hỏi ra mới biết là cán bộ xã được cho mang về nuôi. Có người chở 200 con, có người chở 50 con”.

Người dân ở xã Quế An bức xúc: Gà được huyện hỗ trợ cho người dân nghèo trong xã mà chỉ cán bộ được nhận, còn người dân chúng tôi thì không được chia con nào về nuôi. Cán bộ xã nghèo hơn dân hay sao mà ai cũng được nhận, còn dân thì sao?

Liên quan đến vụ việc, trả lời báo giới, ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch UBND xã Quế An, đã xác nhận việc người dân phản ảnh là đúng, ông cho biết số gà đó đưa về cho cán bộ xã nhận vào tháng 11/2014 là do huyện hỗ trợ xã trong chương trình “Nông thôn mới”.

Ông Minh cho rằng số gà trên là hỗ trợ cho địa phương, tạo điều kiện cho anh em địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Minh phủ nhận việc người dân phản ánh ông nhận 200 con gà, ông chỉ thừa nhận mình nhận 50 con gà, còn các cán bộ khác ai cũng nhận 50 con gà như nhau. Chủ tịch xã Quế An cũng “biện hộ” rằng, không phải tất các các cán bộ của xã đều nhận mà họ nhận thay cho anh em, bố mẹ ở nhà nuôi.

Đếm số lượng, điều tra... "địa chỉ"

Khi nhận được thông tin phản ánh như trên, chiều ngày 12/3, ông Doãn Hào, Chánh văn phòng UBND huyện Quế Sơn cho biết: ''Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo gửi xuống Phòng nông nghiệp, họ sẽ thành lập ban kiểm tra rồi báo cáo cụ thể cho UBND huyện, rồi chúng tôi sẽ chỉ đạo tiếp. Trong ngày 13/3, Phòng nông nghiệp sẽ làm việc với địa phương, xem hiện nay số lượng gà đang ở đâu, như thế nào. Huyện cũng chỉ đạo phải vào cuộc ngay, sát sao và câu chuyện tìm có khó khăn hay không cũng cần có sự kiểm tra ban đầu rồi kết luận".

Tuy nhiên, theo như tìm hiểu, đội ngũ cán bộ xã nói đã nuôi và bán gần hết số gà “nuôi hộ” rồi nên bây giờ cũng chưa biết sẽ có phương pháp xử lý ra sao. Khi được hỏi sẽ xử lý ra sao về việc này thì Chủ tịch xã Quế An - ông Hoàng Kim Minh bảo: Giờ trả lại chứ làm sao, chúng tôi biết làm thế là sai rồi! Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian không dài, hết dê lại đến gà cung cấp cho hộ nghèo trên các địa phương đã liên tục “đi lạc” vào nhà cán bộ xã. Việc cấp nhầm 12 con dê còn chưa ngã ngũ hết thì lại đến việc hơn 1.000 con gà này. Dư luận đang hết sức quan tâm về vụ việc và muốn tìm ra câu trả lời chính xác nhất.

Những cái chặc luỡi “không đáng là bao”

Hồi đầu năm nay, khi scandal 12 con dê “lạc chuồng” sang trang trại của ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa), dư luận đã đặt ra câu hỏi không ít bức xúc: Vậy thì đến bao giờ và phải làm thế nào để những con vật nuôi xóa nghèo không còn “lạc”, không trở thành phương tiện làm giàu cho một bộ phận cán bộ? Không ai trả lời câu hỏi đó. Và cho dù mỗi con vật nuôi dự án là một tài sản, một chiếc “cần câu cơm” đối với người nghèo thì cái tâm lý “không đáng là bao” dường như xuất hiện trong không chỉ tư duy những người tham nhũng, mà cả ở người cầm cân nảy mực xử lý sự vụ sau đó.

Nếu những cái “không đáng là bao” ấy được xử lý theo kiểu xí xóa - nói như dân chúng “Phát hiện thì trả lại. Không phát hiện thì vào nồi” - thì làm sao có thể chấm dứt “những cái chặc lưỡi đầy màu chàm” khi vật nuôi, hay tiền dự án nhiều khi giống như của cho không. Nhìn cặn kẽ nguyên do khiến những con dê, con gà đi lạc chuồng, nguyên nhân khiến con đường, bờ kênh hụt vài ký xi măng, thiếu vài mét sắt thép có lẽ không thể không nhắc đến một cái chặc lưỡi khác: Cái chặc lưỡi của những người vô cảm với cộng đồng và chỉ biết đến bản thân mình.

Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, giá trị số dê, gà kia không đáng là bao nhưng với người nghèo, đây là phương tiện và cơ hội để họ thay đổi cuộc sống. Thêm hay không số dê này thì trang trại của ông bí thư vẫn bề thế nhưng có vài con thì một hộ nghèo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề: cái ăn cái mặc của gia đình, con cái học hành thuận lợi hơn... Việc làm trên thật vô cảm với người nghèo.

Theo PLXH