Rúng động: 109 bệnh viện đã dùng hết 4 loại thuốc kháng sinh do VN Pharma nhập từ hồ sơ “ma”

VietTimes – Không chỉ có thuốc ung thư H-Capita, VN Pharma còn nhập về nhiều thuốc kháng sinh cũng từ Công ty Health 2000 Inc, mà cơ quan điều tra đã xác định là từ hồ sơ đến con dấu đều là giả. 

Các bị cáo trong phiên xét xử tội buôn thuốc giả
Các bị cáo trong phiên xét xử tội buôn thuốc giả

Điều khủng khiếp là từ năm 2011 đến 2014, đã có tới 4 thuốc kháng sinh này lọt vào hơn 100 bệnh viện (BV) ở 36/63 tỉnh, thành trên cả nước, với số tiền mà bảo hiểm y tế (BHYT) phải thanh toán lên đến 55,378 tỷ đồng. Đây là thông tin mới nhất VietTimes nhận được ngay khi phiên tòa xét xử vụ án VN Pharma buôn bán thuốc chữa bệnh giả kết thúc với phán quyết thuốc H-Capita là thuốc giả.

Bộ Y tế không biết hay dối trá?

Suốt hơn 2 năm qua, dư luận vô cùng hoang mang trước việc VN Pharma nhập một lượng lớn thuốc ung thư H-Capita giả về Việt Nam. Nhưng, không chỉ có thế, mà ngoài H-Capita, còn nhiều loại thuốc khác cũng đều do Công ty “ma” “sản xuất” được VN Pharma nhập về.

Tòa đã xác định thuốc H-Capita là giả khi cơ quan điều tra đã xác định ở địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario Canada M3H1S9, Canada mà VN Pharma khai là trụ sở của công ty sản xuất thuốc H-Capita, đã không hề có Công ty nào là Helix Pharmaceuticals Inc. Bên cạnh đó, hồ sơ điều tra cũng cho thấy VN Pharma làm giả giấy tờ, con dấu của Health 2000 Inc và đã nhập về nhiều loại thuốc chữa bệnh.

"Ngoài việc làm giả hồ sơ thuốc H-Capita, từ năm 2012 đến năm 2014, với thủ đoạn trên, Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hồng Kông để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K –Levofloxacin, H2K –Ciprofloxacin) có nhãn mác Healtha 2000 Canada, để làm thủ tục nhập khẩu. Thực tế, lô thuốc này VN Pharma cũng thông qua Võ Mạnh Cường đặt mua của người tên Raymondo ở Philippines. Cường cũng làm giả Invoice, packing list, COA, đóng dấu Công ty Health 2000 Canada cung cấp co VN Pharma. Ngày 21/9/2014, Mai Thị Thu Nhật (vợ Võ Mạnh Cường) đã tự nguyện nộp con dấu Công ty Health 2000 Canada này cho Cơ quan An ninh điều tra."

Với việc điều tra của chúng tôi, từ năm 2017, đã phát hiện ra trên hồ sơ kết quả trúng thầu của riêng năm 2013, chỉ một loại thuốc H2K Levofloxacin do Canada sản xuất đã trúng thầu ở nhiều BV, trong đó, có một số BV tuyến Trung ương mua với số lượng hơn một tỷ đồng mỗi BV, chưa kể các Sở Y tế và các BV địa phương khác.

Trước tình hình này, khi đó, chúng tôi đã làm việc với ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) và được ông cho biết, ngay khi Bộ Y tế rút đăng ký 7 loại thuốc của VN Pharma, BHXHVN đã chỉ đạo BHXH các địa phương không thanh toán BHYT cho 7 loại thuốc trên.

Từ tháng 8/2017, BHXHVN tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành kiểm tra để báo cáo số lượng 7 loại thuốc của VN Pharma đã bị rút đăng ký sử dụng tại các BV và nếu đã thanh toán rồi thì phải xuất toán.

Danh sách các đia phương trúng thầu 4 loại thuốc kháng sinh do Công ty
Danh sách các đia phương trúng thầu 4 loại thuốc kháng sinh do VN Pharma nhập về

Nhưng trước thông tin về việc một số loại thuốc do VN Pharma nhập về đã lọt vào nhiều BV, thay vì kiểm tra, xác minh để có biện pháp xử lý kịp thời, thì ngày 26/10/2017, Bộ Y tế lại nhanh chóng tổ chức họp báo với thông cáo báo chí khẳng định: “Một số báo đăng tải thông tin ngoài thuốc H-Capita, Công ty CP VN Pharma còn nhập về một số loại thuốc khác cũng do Helix Pharmaceuticals (sản xuất) bằng hình thức giá giấy tờ, và có một số BV đã mua số thuốc này là hoàn toàn sai sự thật. Bộ Y tế khẳng định, Cục Quản lý Dược đã ban hành Quyết định 522/QĐ-QLD rút số đăng ký của 7 thuốc nêu trên và theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, và kết luận điều tra của Bộ Công an, đến thời điểm hiện nay chưa có một lô thuốc nào trong 7 thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam.”

Sự thực thì sao?

Sau 2 năm tiếp tục điều tra việc thuốc của VN Pharma có lọt vào BV hay không, đến nay, chúng tôi đã có đủ thông tin để bác bỏ điều mà Bộ Y tế khẳng định 2 năm trước. Đó là không chỉ có 2 thuốc đã lọt vào BV, mà có tới 4 thuốc kháng sinh đã bị VN Pharma “phù phép” để “chui” vào các cơ sở y tế.

H2K Levofloxacin Infusion là kháng sinh dung dịch truyền tĩnh mạch; chỉ định điều trị nhiễm trùng ở người lớn các bệnh viêm xoang cấp, đợt cấp viêm phế quản mãn, viêm phổi, viêm phổi mắc phải trong cộng đồng...

Kaderox 250 là kháng sinh điều trị viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm họng; viêm phổi, viêm phế quản cấp, đợt cấp viêm phế quản mãn tính; viêm bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo...

Đáng lưu ý là có tới 109 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã sử dụng 4 loại thuốc trên, trong đó, có 24 BV tuyến Trung ương.

Ở Hà Nội có 19 BV tuyến Trung ương “xài” 4 kháng sinh của VN Pharma là BV Bạch Mai, BV Việt Xô, BV 108, BV E, BV Mắt Trung ương, BV Nội tiết, BV YHCT…

5 BV ở TP. Hồ Chí Minh là BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Đại học Y TP. Hồ Chí Minh, BV 175 và BV 30/4.

36 tỉnh, thành đã sử dụng 4 loại thuốc trên là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.

Chỉ có 27 tỉnh không sử dụng các thuốc này của VN Pharma.

Danh mục thuốc công bố cho thấy thuốc của VN Pharma đã lọt vào nhiều BV
Danh mục thuốc công bố cho thấy thuốc của VN Pharma đã lọt vào nhiều BV

Số tiền BHYT trên cả nước đã thanh toán cho 4 loại thuốc trên giai đoạn 2011-2014 là 52,271 tỷ đồng và gần 4 tỷ do người bệnh phải rút tiền túi ra đồng chi trả.

Trong đó, thời điểm các BV đề nghị thanh toán cho 4 thuốc trên nhiều nhất là năm 2013 với số tiền 22,9 tỷ.

Địa phương có số thanh toán nhiều nhất là Đồng Tháp 6 tỷ đồng, tiếp theo là Kiên Giang với 5,3 tỷ đồng, Đắk Lắc là 4,1 tỷ đồng, Tiền Giang 3,45 tỷ đồng, Bình Định 2,36 tỷ đồng vv…

Con số 6,63 tỷ là số tiền mà BHYT đã thanh toán cho 24 BV tuyến Trung ương, gồm 19 BV Trung ương trên địa bàn Hà Nội thanh toán 3,524 tỷ và 5 BV Trung ương ở TP. Hồ Chí Minh thanh toán 3,1 tỷ đồng.

Tổng chi phí cho 4 loại thuốc kháng sinh do VN Pharma nhập về đã được sử dụng ở các BV từ 2011 đến 2014 như sau:

Thuốc H2K Levofloxacin Infusion 200mg/100mg là 25,277 tỷ.

Thuốc H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100mg là 28,967 tỷ.

Thuốc Kaderox 250 là 53,585 triệu

Thuốc Kafotax 1000 là 1,080 tỷ.

Khác với thuốc H-Capita chưa kịp sử dụng vì phát hiện sớm, nên chưa gây hậu quả, 4 kháng sinh “rởm” này của VN Pharma đã được các BV sử dụng hết cho bệnh nhân.

Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là hơn 55 tỷ BHXHVN đã phải trả cho thuốc sản xuất từ Công ty “ma”, mà là đã có bao nhiêu bệnh nhân phải sử dụng những loại thuốc này và hậu quả của từng bệnh nhân ra sao?

Đó là câu trả lời mà những người đã đặt bút ký cho VN Pharma nhập thuốc về phải trả lời công luận.

Cho đến giờ, Bộ Y tế, đặc biệt là Cục Quản lý Dược, vẫn còn nợ những bệnh nhân đã dùng phải thuốc “rởm” của VN Pharma một lời xin lỗi thành khẩn. Nhưng tiếc thay, họ vẫn loanh quanh và ngụy biện, mà công văn hỏa tốc gửi tòa hôm 27/9/2019 để khẳng định thuốc H-Capita không phải thuốc giả, là một ví dụ.

7 loại thuốc do Helix Pharmaceuticals “sản xuất” và VN Pharma nhập khẩu đã bị rút đăng ký gồm: H2K Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100ml); H2K Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400mg/200ml); H2K Levofloxacin 250 (hoạt chất 250mg/100ml); H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500mg/100ml); H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin 750mg/100ml); H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200mg/100ml) và H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500mg/100ml).