Khắp nơi khiếu kiện
Tại khu căn hộ Sky City (88 Láng Hạ), sau nhiều kiến nghị, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex đã tạm chi một phần tiền phí bảo trì cho Ban quản trị (BQT) tòa nhà.
Sáng 19/5, ông Cường, thành viên Ban quản lý tòa nhà Sky City cho biết, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã bàn giao hơn 30 tỷ trong quỹ bảo trì cho BQT, nhưng số tiền này chỉ khoảng 50% quỹ bảo trì. BQT đã xin ý kiến của cư dân để khởi kiện chủ đầu tư hoàn trả nốt số tiền quỹ bảo trì còn lại cho cư dân và đã được cư dân đồng ý.
"Cần có quy định, mọi hợp đồng mua bán căn hộ chung cư đều phải có kèm theo chứng nhận của ngân hàng về 2% phí bảo trì đã được bảo đảm. Như thế, quyền lợi của các chủ sở hữu cũng như các quy định về bảo dưỡng, bảo trì các tòa nhà chung cư sẽ có tính khả thi cao hơn và các tranh chấp ở lĩnh vực này sẽ ít có cơ hội xảy ra hơn”.
Luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng văn phòng luật sư
Bùi Quang Hưng
Tại hai tòa chung cư NC1, NC2 (quận Hà Đông) do CTCP Coma 18 làm chủ đầu tư, đã đưa vào sử dụng chục năm nay, đã có BQT từ tháng 6/2014, nhưng đến nay BQT và chủ đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về phí bảo trì. Theo bà Vũ Tố Quyên, BQT đã đề nghị chủ đầu tư chuyển số tiền 2% giá trị căn hộ để làm kinh phí bảo trì, nhưng chủ đầu tư cho rằng dự án bán trước thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực, nên không thu khoản phí này.
Trao đổi với phóng viên, ông Công, BQT tòa nhà Keangnam Hà Nội cho biết, BQT được thành lập từ tháng 8/2012 và đến 18/1/2013 thì được UBND huyện Từ Liêm công nhận. Nhưng đến nay, BQT chưa nhận được một đồng quỹ bảo trì nào từ chủ đầu tư.
“Sau gần bốn năm ròng rã khiếu kiện, chủ đầu tư vừa trả lời sẽ trả năm tỷ đồng phí bảo trì mỗi năm, trong vòng 25 năm, thấp hơn cả số tiền lãi gửi 160 tỷ đồng vào ngân hàng. Nếu Keangnam phá sản, nguy cơ năm tỷ mỗi năm cũng chả có”, ông Công nói.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, chỉ riêng TP. HCM đã có 17 khu chung cư với hàng nghìn hộ dân phát sinh tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành. Gần đây, TAND quận 3, TP. HCM đã thụ lý đơn kiện của Ban quản trị chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức) yêu cầu Công ty Thành Trường Lộc - chủ đầu tư - chuyển giao quỹ bảo trì với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, điểm sơ cũng thấy cả chục dự án chung cư đang “dính” khiếu kiện về phí bảo hành, như The Manor, Keangnam, Sky City Golden Westlake, Golden Palace, CT1 Ngô Thì Nhậm, CT5 Văn Khê…
Mong ngóng Luật Nhà ở sửa đổi
Theo các luật sư và chuyên gia bất động sản, sở dĩ “cuộc chiến” phí bảo trì nhà chung cư diễn ra liên tục, ở nhiều nơi và dai dẳng, bởi số tiền này khá lớn, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, pháp luật quy định về vấn đề này còn nhiều lỗ hổng, chưa có chế tài xử phạt chủ đầu tư.
“Từ vụ Keangnam, có thể sắp tới Việt Nam sẽ có nhiều dự án tương tự. Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong giao dịch với các công ty kinh doanh bất động sản”, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho hay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản, gửi phí bảo trì đã thu 2% theo giá trị mỗi căn nhà tại ngân hàng thương mại kể từ khi dự án đưa vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho BQT khi BQT được bầu ra. Sau đó, BQT phải mở một tài khoản riêng để quản lý số tiền chuyển giao đó.
“Tuy nhiên, hiện nay BQT là một tổ chức tự quản gồm nhiều cá nhân, không có tư cách pháp nhân, nên không thể mở tài khoản theo quy định của một pháp nhân. Từ 1/7 tới, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực, BQT chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình ban chủ nhiệm hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Như thế, BQT, cư dân chung cư mới dễ dàng đảm bảo quyền lợi của mình”, ông Châu nói.
Theo NLĐ