Quy hoạch cảng cạn đã lỗi thời

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang rà soát để điều chỉnh quy hoạch cảng cạn trên cả nước vì quy hoạch được duyệt năm 2011 rất khó triển khai và có phần mâu thuẫn với thực tế phát triển hiện nay.
Việc hình thành các cảng cạn là nhằm giảm tải cho cảng biển lớn. Ảnh: Anh Quân
Việc hình thành các cảng cạn là nhằm giảm tải cho cảng biển lớn. Ảnh: Anh Quân

Theo thông tin từ Bộ GTVT, hôm nay 25-5, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã báo cáo về dự thảo quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, hiện trên cả nước có 20 cảng cạn và các điểm thông quan nội địa (ICD) hoạt động như cảng cạn, tập trung tại miền Bắc và miền Nam (miền Trung chưa có cảng cạn).

Trong đó, khu vực miền Bắc có 10 ICD kết nối với cảng biển Hải Phòng, chủ yếu các ICD có kết nối đường bộ, chỉ duy nhất một ICD Lào Cai có kết nối đường sắt. Còn khu vực miền Nam có 10 ICD kết nối với các cảng biển Vũng Tàu và TPHCM với 7 cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa. Các cảng cạn tại miền Nam được đánh giá là hoạt động hiệu quả cao hơn so với miền Bắc.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tư vấn lập đề án), cảng cạn là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với cảng biển, sân bay, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế. Phát triển cảng cạn nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn. Việc phát triển cảng cạn đang ngày càng bức thiết.

Vì thế, năm 2011, Chính phủ đã có Quyết định số 2223 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cả nước sẽ hình thành và phát triển 13 cảng cạn với công suất khoảng 6 triệu TEU/năm vào năm 2020 và 14,2 triệu TEU/năm đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT qua phân tích nhu cầu và hiện trạng phát triển cảng cạn ở Việt Nam, dự báo nhu cầu vận chuyển container, quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn đến năm 2020, 2030, khó khăn hiện nay là việc kết nối cảng cạn với các phương thức vận tải.

Song song đó là việc thực hiện theo đúng 13 vị trí xác định sơ bộ trong quy hoạch là rất khó triển khai, có phần mâu thuẫn với thực tế phát triển hiện nay.

Cụ thể, hình thành và phát triển 13 vị trí cảng cạn có quy mô diện tích 70-400 héc ta trên phạm vi cả nước là chưa hợp lý, mặc dù có thể đáp ứng về mặt nhu cầu dịch vụ nhưng sẽ không hợp lý ở một số khu vực và hành lang vận tải container chính, đặc biệt khu vực Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và nhu cầu phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ cho cảng biển là rất lớn...

Góp ý cho việc quy hoạch cảng cạn, các bộ, ngành cho rằng cần điều chỉnh Quyết định 2223 về quy hoạch phát triển cảng cạn.

Tại buổi làm việc hôm nay 25-5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng việc lập hệ thống cảng cạn là để phục vụ hệ thống cảng biển hiệu quả hơn, kết nối tốt với các phương thức khác vận tải khác, lượng hàng hóa tập trung tại đây nhiều hơn.

Ông Công cho rằng, cần đưa nội dung mời gọi tư nhân tham gia xây dựng các cảng cạn, không có sự hỗ trợ của nhà nước vào dự thảo.

Đồng thời, xây dựng phương án cảng cạn kết nối với ít nhất hai phương thức vận tải trong đó ưu tiên nhất là đường bộ và đường thủy nội địa, đối với những trường hợp chỉ có một phương thức vận tải thì phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để tránh sau này gây gánh nặng cho đường bộ, làm ùn tắc giao thông.

Theo TBKTSG