Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang đã “hỗ trợ” thế nào cho Công ty Tân Thịnh ?

VietTimes -- Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang đã  2 lần cho Công ty Tân Thịnh vay để thực hiện dự án xây cầu Đồng Sơn và đường lên cầu theo hình thức hợp đồng BT. Lần 1 vào tháng 7/2017 cho vay 25 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu là 100 tỷ đồng. Lần 2 vào tháng 5/2018, cũng cho vay 25 tỷ nhưng vốn chủ sở hữu đã kịp thời nâng lên thành 200 tỷ đồng, phù hợp hóa với quy định về tổng dư nợ.
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang được thành lập năm 2014, trực thuộc tỉnh Bắc Giang.
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang được thành lập năm 2014, trực thuộc tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang nói không ưu ái doanh nghiệp

Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang được thành lập năm 2014, theo Quyết định số 95/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang. Quỹ là tổ chức tài chính Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang, thực hiện chức năng đầu tư tài chính, đầu tư phát triển, có tư cách pháp nhân riêng.

Dự án cầu Đồng Sơn và đường lên cầu được đầu tỉnh Bắc Giang quyết định đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ định Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh làm nhà đầu tư, sau quá trình sơ tuyển chỉ có duy nhất Công ty Tân Thịnh nộp hồ sơ đúng quy định.

Dự án gồm: cầu Đồng Sơn dài 0,35km và 10,6 km đường dẫn, kết nối Quốc lộ 31 và Quốc lộ 17, tạo thành tuyến đường vành đai Đông Nam thành phố Bắc Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.163 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bắc Giang thanh toán cho Công ty Tân Thịnh 46ha đất thuộc phân khu số 6, số 7 thuộc KĐT phía Nam thành phố Bắc Giang.

Nguồn vốn sở hữu của Quỹ gồm Ngân sách địa phương cấp, tiền đóng tự nguyện, các khoản tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các khoản thu khác....

Quỹ hoạt động độc lập theo Quy chế được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 246/QĐ-UBND-HĐQL ngày 29/8/2014.

Theo đó, Quỹ được phép cho các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có nhu cầu vay đầu tư các dự án thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt.

Căn cứ vào danh mục các lĩnh vực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Quỹ giai đoạn 2015-2018 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 857/QĐ-UBND ngày 26/12/2014, dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông (ưu tiên số 1).

Theo lý giải của tỉnh Bắc Giang, “việc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh cho Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh vay vốn để thực hiện dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu là hoàn toàn phù hợp với đối tượng và điều kiện cho vay theo Quy chế hoạt động của Quỹ, và quy định pháp luật có liên quan”.

Tại hợp đồng dự án, nhà đầu tư tự bố trí 175 tỷ đồng (15% tổng vốn đầu tư dự án) từ nguồn vốn chủ sở hữu, phần còn lại là 989 tỷ đồng (85% tổng vốn đầu tư dự án) từ nguồn vốn huy động thương mại để thực hiện dự án.

Thực tế Quỹ này đã cho Công ty Tân Thịnh vay vốn theo hai lần, mỗi lần 25 tỷ đồng, với mức lãi suất cho vay là 8%/năm, theo các Quyết định 408/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 và 282/QĐ-UBND ngày 04/5/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang.

Theo giải thích của UBND tỉnh Bắc Giang, “với mức lãi suất vay 8%/năm Nhà nước còn tiết kiệm được chi phí đầu tư tại dự án BT so với phương án nhà đầu tư vay vốn từ các ngân hàng thương mại khác (do mức lãi suất vay từ các ngân hàng thương mại bình quân là khoảng 11%/năm)”.

Bên cạnh đó, những năm qua Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang cũng đã cho một số chủ đầu tư khác vay vốn để thực hiện dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, với mức lãi suất vay trung bình 7-8%/năm. Vì vậy việc Quỹ đầu tư phát triển cho Công ty Tân Thịnh vay vốn là công bằng, không có sự ưu ái riêng đối với các nhà đầu tư.

Khoản 5, Điều 5 Điều 5, Quy chế cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang về điều kiện vay vốn.
Khoản 5, Điều 5 Điều 5, Quy chế cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang về điều kiện vay vốn.

Bổ sung vốn, nâng tổng dư nợ

Theo tìm hiểu của VietTimes, thời điểm mới thành lập Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, và nếu muốn bổ sung vốn điều lệ phải phụ thuộc vào Quyết định của UBND tỉnh. Việc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang cho Công ty Tân Thịnh vay 2 đợt, mỗi đợt 25 tỷ đồng vào các năm 2017, 2018 cần phải xét về điều kiện cho vay, hạn mức cho vay và tổng dư nợ vay cho phép của quỹ này.

Điều 5, Quy chế cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang quy định rõ về 5 điều kiện nhà đầu tư phải đảm bảo thì mới được xem xét quyết định cho vay.

Trong đó, phải đảm bảo việc “Ngoài mức vay đầu tư của Quỹ, chủ đầu tư có vốn chủ sở hữu (vốn tự có) tham gia dự án tối thiểu 20% và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay của Quỹ. Các nguồn vốn này phải có tính khả thi và được xác nhận cụ thể” - (Khoản 5, Điều 5, Quy chế).

Theo hợp đồng dự án BT, Công ty Tân Thịnh phải bố trí được 175 tỷ đồng, tức 15% tổng vốn đầu tư dự án từ nguồn vốn chủ sở hữu và phần còn lại là 989 tỷ đồng (85% tổng vốn đầu tư dự án) từ nguồn vốn huy động thương mại để thực hiện dự án. Như vậy, điều kiện cần để được vay từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang phải có 175 tỷ đồng "tự có" này. Sau đó mới đến điều kiện đủ, là UBND tỉnh Bắc Giang đồng ý cho Công ty Tân Thịnh vay từ quỹ, khi doanh nghiệp này không có đủ 20% vốn tự có cho dự án. 

Hiện chưa rõ thời điểm vay vốn tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang, Công ty Tân Thịnh đã chứng minh phần vốn tự có thế nào. Nhưng có lý do để tin ngay nguồn vốn này cũng không có đủ. Vì nếu có đủ vốn tự có, cùng với vốn vay ngân hàng, Công ty Tân Thịnh không nhất thiết phải vay thêm từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang, nhất là khi khoản vay này không đáng kể so với tổng đầu tư dự án, lại khá phức tạp về thủ tục và các điều kiện giám sát.

Về giới hạn cho vay, theo Điều 12, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang. Giới hạn cho vay đối với một dự án không được vượt quá 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện và không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án. Tổng mức dư nợ cho vay đối với 01 khách hàng của Quỹ cũng không được vượt quá 25% vốn chủ sở hữu.

Như đã nói ở trên, việc vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh Bắc Giang được Công ty Tân Thịnh thực hiện trong 2 lần, mỗi lần là 25 tỷ đồng. Trong đó, theo Quyết định 408/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 lần 1 Tân Thịnh được cho vay 25 tỷ đồng, thì vốn điều lệ của Quỹ vẫn chỉ là 100 tỷ đồng. Tức là mức vay 25 tỷ đồng tương đương với 25% vốn chủ sở hữu của Quỹ thời điểm đó (100 tỷ đồng), và vượt quy định của điều lệ quỹ (không quá 20% vốn chủ sở hữu).

Đến lần vay thứ 2, Công ty Tân Thịnh tiếp tục được cho vay 25 tỷ đồng theo 282/QĐ-UBND ngày 04/5/2018. Lúc này Quỹ này đã được bổ sung thêm 100 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên thành 200 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ của Công ty Tân Thịnh tại Quỹ sau 2 lần vay là 50 tỷ đồng, tương đương 25% vốn chủ sở hữu (200 tỷ đồng) vừa bằng mức tổng dư nợ tối đa cho phép theo quy định.

Có thể thấy, việc bổ sung vốn của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang đã "tương thích" thế nào đối với việc vay vốn của Công ty Tân Thịnh.

Hiện tại theo tìm hiểu của VietTimes Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Tài chính làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ; ông Nguyễn Trung Lương làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ kiêm Giám đốc Quỹ; và ông Đặng Xuân Chiến làm Phó Giám đốc Quỹ.

Như đã nêu ở bài trước, vào tháng 4/2018, Sở Tài chính Bắc Giang đã có văn bản giải thích đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét bảo lãnh cho Công ty TNHH Tân Thịnh vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Giang với số vốn vay 25 tỷ đồng, thời hạn vay là 02 năm kể từ tháng 5/2018, nguồn hoàn trả là số tiền thu được từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Tân Thịnh được UBND tỉnh giao đất tại phân khu 6, 7 thuộc khu đô thị phía Nam, thành phố Bắc Giang.

Công ty TNHH xây dựng Tân Thịnh, thành lập ngày 7/10/2005, địa chỉ trụ sở chính tại xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, do ông Nguyễn Văn Quyền là người đại diện theo pháp luật.

Đây là doanh nghiệp TNHH 2 thành viên trở lên, do ông Nguyễn Văn Quyền và ông Nguyễn Đức Lợi góp vốn thành lập. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Quyền có hộ khẩu thường trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, góp 294 tỷ đồng (98% vốn điều lệ). Trong khi đó ông Nguyễn Đức Lợi, thường trú tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông Lợi chỉ góp 6 tỷ đồng (2% vốn điều lệ).