Hội nghị được Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổ chức sáng nay 16-2.
Dự kiến 17 dân tộc không có đại biểu Quốc hội
Nghiên cứu nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XIV, ông Lù Văn Que cho rằng “dự kiến có 35 người ngoài đảng thì ít quá, họp Quốc hội đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng, trong khi chúng ta có nhiều người ngoài đảng ưu tú. Tôi thấy tăng lên 100 người cũng được, chúng ta hoàn toàn chọn được người đủ tiêu chuẩn. Cơ cấu trong đảng - ngoài đảng phải hợp lý, vì đảng ta có 4,5 triệu đảng viên thôi mà”.
Vẫn theo ông Que, “Khóa XIII có 78 đại biểu dân tộc ít người, nhưng có tới 24 dân tộc chưa có đại biểu trong Quốc hội. Dự kiến khóa XIV vẫn còn 17 dân tộc không có đại biểu trong Quốc hội. Tôi thấy cơ cấu cũng phải hài hòa đối với các dân tộc, ví dụ dân tộc Tày có 1,6 triệu dân, có 15 đại biểu, dân tộc Mông hơn 1 triệu dân có 7 đại biểu nhưng dân tộc Thái có 1,5 triệu dân chỉ có 5 đại biểu Quốc hội Khóa XIII”.
Trình bày nội dung nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội Khóa XIV như sau: các cơ quan Đảng 11 đại biểu, cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu, Chính phủ 18 đại biểu, các cơ quan của Quốc hội (đại biểu chuyên trách ở trung ương) 114 đại biểu.
Cũng theo nghị quyết này, có 6 địa phương có từ 10 đại biểu Quốc hội trở lên (trong đó Hà Nội, TP.HCM mỗi địa phương 30 đại biểu, Thanh Hóa 14 đại biểu, Nghệ An 13 đại biểu, Đồng Nai 12 đại biểu, An Giang 10 đại biểu), riêng Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mỗi địa phương có 2 đại biểu chuyên trách.
Số đại biểu Quốc hội thuộc cơ cấu trung ương là 198, số đại biểu thuộc cơ cấu địa phương là 302 (tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người).
Không cơ cấu đối với người tự ứng cử
Phát biểu tại hội nghị hiệp thương, nhiều thành viên Đoàn chủ tịch đề nghị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV cần tiếp tục đà thắng lợi của Đại hội Đảng lần thứ 12, đặc biệt là tinh thần dân chủ trong công tác nhân sự.
“Đại hội Đảng vừa qua công tác nhân sự làm rất kỹ nhưng lại rất dân chủ, số dư khá cao (đến 30%). Cần phát huy thắng lợi của đại hội đảng trong cuộc bầu cử lần này, trong đó phải nhấn mạnh tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội” - ông Đỗ Duy Thường nói.
Nhắc lại nghị quyết đại hội đảng về đổi mới hệ thống chính trị, ông Nguyễn Túc nhận xét: “Ngoài việc tăng 15 đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước, các cơ cấu còn lại vẫn giữ nguyên, không có đổi mới gì. Như vậy thì có thực hiện được chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị không?”.
Từng nhiều năm phụ trách công tác hiệp thương bầu cử, ông Đỗ Duy Thường nhận xét: “Quốc hội Khóa XIII có nhiều phiên đại biểu vắng họp nhiều, ghế trống nhiều quá, trong đó có những phiên các đại biểu thuộc cơ quan hành pháp nghỉ nhiều”. Ông đề nghị cần điều chỉnh giảm số lượng đại biểu thuộc cơ quan hành pháp xuống.
Ông Lê Truyền nêu ví dụ cơ quan Chủ tịch nước có 3 cán bộ chủ chốt (Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước) nếu vào Quốc hội hết thì ai sẽ là người trực giải quyết công việc hàng ngày? - Ảnh: Hoàng Long |
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Truyền phân tích: “Tôi thấy trong cơ cấu này có tăng đại biểu chuyên trách (thêm 15 người so với khóa XIII), nhưng không thấy giảm đại biểu trong cơ quan hành chính (vẫn giữ nguyên như trước). Cơ quan Chủ tịch nước có 3 lãnh đạo thì vào Quốc hội hết, nếu ngồi họp Quốc hội nghiêm túc thì ai sẽ giải quyết công việc hàng ngày ở cơ quan ấy?”.
Ông Truyền đề nghị “cần chọn người đủ tiêu chuẩn trong tổ chức ấy, chứ không phải cứ chọn người đứng đầu, bởi người đứng đầu đã nhiều việc rồi mà lại vào Quốc hội thêm nhiều việc nữa thì làm sao mà hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cụ thể hơn, ông Trần Hoàng Thám “đề nghị giảm đại biểu hành pháp xuống nữa, bởi vì cơ quan hành pháp rất là bận, trong Chính phủ mà 18 người tham gia Quốc hội thì nhiều quá, tôi đề nghị chỉ cần 9 người tham gia Quốc hội thôi. Nên khuyến khích những người tự ứng cử, và điều này phải được thể hiện trong cơ cấu này, chứ chưa thấy cơ cấu cho người tự ứng cử. Nếu mình định ra cơ cấu người tự ứng cử thì sẽ tạo không khí dân chủ, phấn khởi trong nhân dân”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là dự kiến, vì vậy sau hội nghị này, tiếp thu ý kiến của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.
“Đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tăng số lượng đối với cơ cấu đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng; đảm bảo hài hòa số lượng - tỷ lệ đại biểu là người dân tộc, tôn giáo; giảm tỷ lệ đại biểu thuộc các cơ quan hành chính…” - ông Nhân nói.
Các kiến nghị từ hội nghị hiệp thương này sẽ được báo cáo lên Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, điều chỉnh. Dựa vào cơ cấu điều chỉnh lần cuối, hội nghị hiệp thương lần thứ hai sẽ quyết định nhân sự cụ thể.
Theo Tuổi trẻ