Quản trị khủng hoảng di cư nhìn từ góc độ hợp tác quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam

Di cư quốc tế là hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển của thế giới. Tuy nhiên, khủng hoảng di cư quốc tế những năm gần đây đã đẩy không ít quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, và đặt ra yêu cầu phải quản trị. Việc quản trị khủng hoảng di cư cần phải có sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ và các định chế quốc tế. Từ những kinh nghiệm về sự hợp tác này, bài viết đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc chủ động đối phó với hiện tượng di cư này.
Tờ Mirror (Anh) tiết lộ, 39 người bên trong thùng container đông lạnh đã để lại nhiều dấu tay máu ở xung quanh thùng xe.
Tờ Mirror (Anh) tiết lộ, 39 người bên trong thùng container đông lạnh đã để lại nhiều dấu tay máu ở xung quanh thùng xe.

Di cư (migration) là sự di chuyển dân số, bao gồm bất kể loại di chuyển nào của con người, không phụ thuộc độ dài, thành phần hay nguyên nhân; nó cũng bao gồm cả di cư của người tỵ nạn(1), di cư của người lánh nạn, di cư kinh tế và những người di chuyển vì mục đích khác, trong đó có cả di cư đoàn tụ gia đình... Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) còn nêu rõ, di cư quốc tế (international migration) là hình thức di chuyển qua biên giới của một hoặc một vài quốc gia, dẫn tới sự thay đổi tình trạng pháp lý của một cá nhân. Di cư quốc tế cũng bao gồm sự di chuyển của những người tỵ nạn, người lánh nạn và những cá nhân bị buộc phải rời bỏ nơi sinh sống(2).

Nếu di cư là hiện tượng xã hội phổ biến, thì khủng hoảng di cư (migration crisis) là khái niệm phản ánh sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người di cư trái phép (irregular migration). Thuật ngữ “khủng hoảng di cư” tuy mới được đề cập từ thập niên cuối của thế kỷ XX, nhưng trở nên phổ dụng kể từ khi có hàng ngàn người di cư từ các quốc gia Syria, Iraq hay Lybia đến châu Âu. Như vậy, có thể nói, khủng hoảng di cư thực chất là cuộc khủng hoảng về số lượng người di cư với sự gia tăng đột ngột, ồ ạt, phức tạp, trong đó nhóm người dễ bị tổn thương là phụ nữ, trẻ em, lao động di cư...

Khủng hoảng di cư xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân, có thể do thảm họa thiên tai, nội chiến, xung đột sắc tộc... dẫn đến những luồng di cư trong từng quốc gia (di cư nội địa) hoặc xuyên quốc gia (di cư quốc tế).

Từ tháng 1-2017 đến nay có khoảng 100 nghìn người di cư vượt biển để đến châu Âu, trong đó khoảng 85 nghìn người đã đến Italy từ Libya và khoảng 2.200 người đã thiệt mạng trước khi tới được châu Âu.
Từ tháng 1-2017 đến nay có khoảng 100 nghìn người di cư vượt biển để đến châu Âu, trong đó khoảng 85 nghìn người đã đến Italy từ Libya và khoảng 2.200 người đã thiệt mạng trước khi tới được châu Âu.

Thực tế đó cho thấy, trong bối cảnh khủng hoảng di cư diễn biến phức tạp, những ảnh hưởng của nó cũng không chỉ diễn ra ở quy mô từng quốc gia, mà phổ biến trên cả bình diện quốc tế thì việc quản trị vấn đề khủng hoảng di cư cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và của các tổ chức quốc tế.

Khủng hoảng di cư quốc tế ở châu Âu và ASEAN hiện nay

Nghiên cứu khủng hoảng di cư ở châu Âu hiện nay, các nhà chuyên môn đều cho rằng, đây là vấn đề của một quá trình tích tụ lâu dài và trở nên căng thẳng kể từ năm 2015, khi có khoảng 1,1 triệu người từ các quốc gia Syria, Iraq và Lybia tìm mọi cách để di cư đến châu Âu. Theo Cao ủy Liên Hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính đến ngày 21-12-2015 có hơn 972 nghìn người đã phải trải qua hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến miền đất hứa, trong khi 34 nghìn người khác lựa chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria và Hy Lạp.

Hy Lạp là một trong 6 quốc gia tiếp nhận số lượng người tỵ nạn lớn nhất với khoảng 821 nghìn người, chiếm 80%. Italy cũng là đích đến của 150 nghìn người di cư vượt biển. Còn Bulgaria tiếp nhận gần 30 nghìn người và Tây Ban Nha đón tiếp hơn 3.800 người. UNHCR cho biết, cuộc nội chiến tại Syria là nguyên nhân làm bùng phát cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu trầm trọng nhất kể từ những năm 90 thế kỷ XX khi hơn một nửa số người di cư và tỵ nạn đến từ Syria.

Theo IOM, năm 2016, rất khó để ước đoán được số người tỵ nạn và di cư tới châu Âu do các bên chưa tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến Syria, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu vẫn siết chặt an ninh tại các khu vực biên giới(3). Trên thực tế, số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu tuy có giảm so với năm trước, nhưng số người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong năm 2016 đạt mức kỷ lục 5 nghìn người, tăng gần 25% so với năm 2015(4).

Năm 2017, thế giới vẫn tiếp tục chứng kiến những con số kỷ lục về số lượng người di cư. Từ tháng 1-2017 đến nay có khoảng 100 nghìn người di cư vượt biển để đến châu Âu, trong đó khoảng 85 nghìn người đã đến Italy từ Libya và khoảng 2.200 người đã thiệt mạng trước khi tới được châu Âu(5).

Như vậy, có thể nói, sau hơn hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, làn sóng di cư vẫn tiếp tục để lại những tấm bi kịch trên con đường di cư và trong các trại tị nạn, gây nhiều tác động về an ninh, kinh tế và xã hội cho các nước phát triển, nhất là tại châu Âu.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, làn sóng di cư không chỉ diễn ra ở châu Âu, mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Trên thực tế đã có gần 2 triệu người tỵ nạn từ Syri sang Thổ Nhĩ Kỳ và một triệu người bỏ chạy tới Li Băng, nơi dân số ước chừng chỉ 3,5 triệu người và Jordan với 6,5 triệu dân đã tiếp nhận gần 700 nghìn người tỵ nạn(6). Cùng bối cảnh tương tự, ở một quốc gia thành viên ASEAN là Myanmar, cũng có khoảng hơn 100 nghìn người Rohingya đã trốn khỏi đất nước bằng đường biển(7) để đến những vùng đất mới liên quan đến các nước Malaysia, Thailand...

Với Việt Nam, khủng hoảng di cư tuy không diễn ra trực tiếp, nhưng là nước có liên quan và chịu tác động từ khủng hoảng di cư. Trước hết, phải kể đến cuộc khủng hoảng di cư lao động năm 2011 ở Lybia, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết để đưa 10.500 lao động về nước. Tình trạng này tiếp tục lặp lại vào năm 2014, khi Việt Nam tổ chức tiếp nhận 1.700 công nhân do vấn đề Lybia và năm 2011, khi Việt Nam tiến hành sơ tán 450 sinh viên, thực tập sinh tại Fukusima (Nhật Bản) do ảnh hưởng từ động đất, sóng thần(8). Trong một bối cảnh khác, gần đây lực lượng bảo vệ biên phòng Lithuania đã phát hiện một lộ trình bí mật đưa hàng trăm người Việt đang làm việc ở Nga, do kinh tế suy thoái tìm việc làm bằng cách di cư vào châu Âu qua Belarus(9). Như vậy, tuy không trực tiếp nhưng khủng hoảng di cư quốc tế (mà Việt Nam là quốc gia gốc) cũng diễn ra khá phức tạp và hậu quả mà khủng hoảng di cư quốc tế tác động đến Việt Nam trên các phương diện chính trị, kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại là rất lớn.

Người Anh đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân trong container.

Người Anh đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân trong container.

Nguyên nhân của các cuộc khủng khoảng di cư không hoàn toàn giống nhau, làn sóng di cư sang châu Âu gần đây là minh chứng. Khác với các cuộc khủng hoảng di cư trong lịch sử, làn sóng di cư sang châu Âu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là từ khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội của các nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông; nguyên nhân sâu xa là sự cạnh tranh chiến lược, địa chính trị của các nước lớn. Cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động ở Afghanistan, Iraq và sau là cuộc “Cách mạng hoa nhài”, “Mùa xuân Ả rập” đã khiến tình trạng bạo lực, vô chính phủ bùng phát dữ dội tại nhiều quốc gia.

Nguyên nhân trực tiếp của khủng hoảng di cư là do nạn thất nghiệp tràn lan và sự chênh lệch giàu nghèo dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội ở các nước trong khu vực này không ngừng gia tăng. Đặc biệt, sự trì trệ cùng những chính sách quản lý, điều hành hà khắc kéo dài trong nhiều năm khiến dân chúng bất bình. Điều đó lý giải vì sao khó khăn về kinh tế - xã hội ở các quốc gia khu vực Bắc Phi - Trung Đông (thời gian qua) tuy không trầm trọng hơn so với các khu vực đói nghèo khác trên thế giới, nhưng bất ổn chính trị vẫn xảy ra có tính hệ thống.

Bên cạnh đó, Trung Đông, Bắc Phi là khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Vì vậy, nơi đây luôn xảy ra tình trạng tranh giành lợi ích giữa các nước lớn và hậu quả là đời sống chính trị ở các quốc gia trong khu vực này thường xuyên rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sau “Cách mạng hoa nhài”, tình hình chính trị khu vực liên tục rơi vào bất ổn, kinh tế không thể phát triển, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng đói nghèo diễn ra phổ biến, lan khắp các vùng nông thôn, thậm chí cả thành thị ở các quốc gia này.

Một trong những yếu tố làm phức tạp thêm tình trạng khủng hoảng di cư là do các quốc gia châu Âu chưa thống nhất được chính sách giải quyết đối với người tỵ nạn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù làn sóng người di cư vào châu Âu diễn ra từ nhiều năm trở lại đây và nhiều nước của châu lục này đã tham gia Công ước quốc tế về người tỵ nạn, thậm chí một số nước trong Liên minh châu Âu còn tham gia Công ước Dublin về quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong thực hiện các thủ tục đăng ký tiếp nhận người tỵ nạn. Tuy nhiên, trước áp lực từ làn sóng người di cư, các quốc gia châu Âu có quan điểm và chính sách xử lý rất khác nhau. Cộng hòa Liên bang Đức sẵn sàng tiếp nhận người tỵ nạn, nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số, đồng thời tuyển chọn nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước(10).

Trong khi đó, các quốc gia như Italy, Hy Lạp và các nước vùng Balkan (Serbia, Hungary, Croatia) lại không sẵn sàng tiếp nhận người di cư do lo ngại về an ninh và khó khăn của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, người nhập cư muốn đến được các nước có nhu cầu tiếp nhận thì họ phải đi qua các nước phản đối nhập cư. Như vậy, thay vì thực hiện các quy định trong Công ước Dublin về người tỵ nạn(11), các nước tuyến đầu kiên quyết đóng cửa biên giới. Đây chính là nguyên nhân tạo ra cảnh hỗn loạn, gia tăng tình trạng bạo lực và bất ổn. Bên cạnh việc các nước chống nhập cư tìm mọi cách ngăn chặn trên đường bộ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng thôi thúc người di cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu và thảm cảnh trên biển đã xảy ra, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Làn sóng di cư ồ ạt vào châu Âu đã tạo ra những bất ổn đáng kể trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội đối với châu Âu: Thứ nhất, đó là sự hỗn loạn về an ninh và trật tự xã hội của một số quốc gia, nhất là tại các khu vực cửa khẩu biên giới và hệ thống đầu mối giao thông; Thứ hai, khủng hoảng di cư đã tạo ra gánh nặng kinh tế đối với hầu hết các quốc gia châu Âu, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cho đến nay chưa được hóa giải triệt để; Thứ ba, áp lực từ làn sóng di cư đến châu Âu đã khiến cho những bất đồng chính trị trong nội bộ EU ngày càng sâu sắc hơn.

Đối với ASEAN, cuộc khủng hoảng di cư ở Myanmar có nguyên nhân chủ yếu từ các vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Ở Myanmar, người Rohingya Hồi giáo không được công nhận quyền công dân và họ thường xuyên phải đối mặt với làn sóng bài trừ, kỳ thị của cộng đồng Phật tử vốn chiếm số đông trong xã hội Myanmar. Hệ quả là người Rohingya Hồi giáo di cư với số lượng lớn, khoảng hơn 2.600 người trôi dạt trên biển sau khi có hơn 3 nghìn người lên được bờ ở Indonesia và Malaysia trong tháng 5-2015(12).

Còn ở Việt Nam, khủng hoảng di cư trong thời gian vừa qua chủ yếu bắt nguồn từ các nguyên nhân di cư lao động, di cư học tập... Trước hết, có thể kể đến là những cuộc khủng hoảng di cư (Việt Nam là nước gốc) ở Lybia vào các năm 2011 và 2014; ở Nhật Bản năm 2011 và cuộc khủng hoảng di cư (Việt Nam là nơi tiếp nhận) năm 2014 với 4.000 công nhân Trung Quốc về nước(13) do sự kiện giàn khoan Hải Dương 981....

Ngoài ra, sự can thiệp, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn vì nhiều mục đích khác nhau cũng dẫn đến các cuộc khủng hoảng di cư trong thời gian gần đây, như vấn đề cải cách dân chủ một số nước Bắc Phi - Trung Đông...

Hợp tác quốc tế trong quản trị khủng hoảng di cư - Những kinh nghiệm cho Việt Nam

Quản trị có hiệu quả khủng hoảng di cư là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia, khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, giải quyết khủng hoảng nhập cư đang đối mặt với nhiều thách thức. Những người ủng hộ nhập cư cho rằng, người di cư có thể thúc đẩy lực lượng lao động. Tuy nhiên, những người không ủng hộ lại khẳng định số người nhập cư lớn có thể trở thành gánh nặng cho tình hình tài chính công, tạo thêm áp lực lên các dịch vụ công như hệ thống y tế, nhà ở, giáo dục... Do đó, quản trị khủng hoảng di cư không thể tách rời với yêu cầu sự hợp tác quốc tế có hiệu quả giữa các quốc gia, khu vực...

Tại trại Vietnam City, người Việt chờ hàng đêm để vượt biên vào Anh - chặng đường nguy hiểm nhất hành trình.
Tại trại Vietnam City, người Việt chờ hàng đêm để vượt biên vào Anh - chặng đường nguy hiểm nhất hành trình.

Bài học về thiếu sự hợp tác quốc tế dẫn đến những khó khăn trong quản trị khủng hoảng di cư thể hiện rõ qua những bất đồng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết khủng hoảng tỵ nạn. Ngày 20-3-2016, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận nhằm ngăn dòng người nhập cư đang tìm cách vào châu Âu. Theo đó, bất kỳ “người di cư bất thường mới” nào đến Hy Lạp sau ngày đó sẽ được gửi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại các nước EU sẽ chấp nhận người tỵ nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ cho mỗi một người được gửi trả lại và tăng tốc việc tự do hóa thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận lại tất cả những người di cư và người tỵ nạn (bao gồm cả người Syria) đã vượt biển trái phép sang Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua biển Aegean. Đổi lại 28 nước EU sẽ tiếp nhận trực tiếp và tái định cư cho hàng nghìn người Syria đã xin bảo hộ tỵ nạn hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tăng hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi tới các nước EU. EU sẽ giải ngân 3 tỷ EURO để hỗ trợ người tỵ nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp thêm 3 tỷ EURO cho đến năm 2018. Đồng thời EU cũng hỗ trợ Hy Lạp bố trí một lực lượng 4.000 người bao gồm các thẩm phán, phóng viên, lính biên phòng để giải quyết cụ thể từng trường hợp di cư trái phép sang Hy Lạp(14).

Tuy nhiên, còn rất nhiều trở ngại trước khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận về việc xử lý cuộc khủng hoảng người di cư. Trong đó, đặc biệt là vấn đề về quan hệ với Cộng hòa Síp, vốn bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc đảo này.

Một trong những nguyên nhân gây ra bất đồng và thách thức hợp tác giải quyết khủng hoảng di cư ở châu Âu thời gian qua có lý do chính trị. Cộng hòa Síp là quốc gia thành viên EU có mối quan hệ phức tạp nhất với Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là quốc gia hoài nghi nhất đối với thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Đảo Síp bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc đảo này và lập nên “Cộng hòa miền Bắc đảo Síp” của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, song không được quốc tế công nhận. Từ định kiến này, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades tuyên bố phản đối tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ nếu không hoàn thành nghĩa vụ của mình là mở các cảng biển và sân bay cho tàu thuyền và máy bay của Síp qua lại.

Trong tuyên bố ngày 15-3-2016, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng cho biết, nước này sẽ ra khuyến nghị với EU, kêu gọi sự hợp tác hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ, song sẽ từ chối “bất kỳ sự đe dọa nào” dù là nhỏ nhất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ(15). Phó Chủ tịch EU Frans Timmermans cũng tuyên bố: “Chúng ta sẽ không thể đưa ra những lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không xem xét”.

Trong bối cảnh căng thẳng trong các cuộc đàm phán và khi hàng chục nghìn người di cư và người tỵ nạn vẫn tiếp tục bị mắc kẹt tại Hy Lạp sau khi tuyến đường di cư của khu vực Balkan bị đóng cửa, Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 16-3-2016 cũng đã lên tiếng chỉ trích về sự thiếu đoàn kếtcủa nhiều quốc gia châu Âu... Như vậy, có thể nhận thấy, sau những nỗ lực vực dậy từ cơn bão khủng hoảng tài chính, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu giờ đây đang phải tiếp tục vất vả tìm kiếm giải pháp cho cuộckhủng hoảng người di cư. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn đang tiếp tục bế tắc mà nguyên nhân chủ yếu là khủng hoảng sự thống nhất giữa các thành viên EU với nhau và những thách thức trong hợp tác giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp cho sự hợp tác trong quản trị khủng hoảng di cư ở châu Âu vẫn chưa có hồi kết.

Bài học về thiếu đoàn kết và hợp tác quốc tế trong quản trị khủng hoảng di cư cũng thể hiện rõ qua những bất đồng giữa các nước thành viên của ASEAN. Cho dù, trong nhiều năm qua, các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau hợp tác nhằm tăng cường công tác quản lý di cư và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người di cư. Có nhiều khuôn khổ và diễn đàn để tạo cơ hội và thúc đẩy việc ban hành các chính sách tốt hơn về phối hợp và đối thoại nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với người di cư. Những điều này được đề cập trong Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ Quyền của Lao động di cư, Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư...

Xét về mục tiêu, có thể khẳng định các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực hợp tác nhằm tìm ra các nguyên nhân, giải pháp để quản trị tốt các cuộc khủng hoảng di cư. Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức năm 2010, trong đó Hội nghị Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư lần thứ 3 (ACMW3) ngày 19-5-2010 đã được đánh giá là thành công. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng lao động ASEAN đã tập trung thảo luận bốn chủ đề chính: (i) Tăng cường bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư chống bóc lột và ngược đãi; (ii) Đẩy mạnh bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư thông qua tăng cường quản lý lao động di cư của các nước thành viên; (iii) Hợp tác khu vực ASEAN chống nạn buôn bán người; (iv) Phát triển văn kiện ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 diễn ra từ ngày 11 đến 12-5-2016 tại thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị quan chức cấp cao về lao động ASEAN (SLOM) lần thứ 12, đại diện các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN đã trao đổi nội dung dự thảo Tuyên bố Viêng Chăn về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức trong khu vực ASEAN hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững. Đây là nội dung được các quốc gia thành viên ASEAN quan tâm nhằm góp phần tăng cường tính cạnh tranh, năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kỹ năng cho người lao động, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và tăng cường hợp tác kinh tế khu vực. Đồng thời thảo luận về việc hoàn thiện văn kiện thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, trao đổi nội dung hợp tác với các đối tác quốc tế. Như vậy, có thể thấy, về vấn đề di cư lao động những năm qua, các nước ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao.

Hình ảnh từ Vietnam City - Nơi tạm trú cho các di dân bất hợp pháp gần thị xã Angres, Pháp trong thời gian chờ sang Anh.
Hình ảnh từ Vietnam City - Nơi tạm trú cho các di dân bất hợp pháp gần thị xã Angres, Pháp trong thời gian chờ sang Anh.

Tuy nhiên, với di cư liên quan đến vấn đề tôn giáo, sắc tộc vẫn còn nhiều trở ngại. Bởi các nước thành viên ASEAN chưa có được sự đồng thuận trong việc nhìn nhận vấn đề di cư của người Rohingya thiểu số ở Myanmar vượt biển ra nước ngoài tỵ nạn, trong đó Malaysia và Indonesia là những điểm đến, Thái Lan là điểm trung chuyển đầu tiên của các đường dây buôn người trong khu vực. Cơ quan chuyên trách về người tỵ nạn của Liên Hợp quốc (UNHCR) ước tính có khoảng 120 nghìn người Rohingya đã theo nhiều cách khác nhau rời bỏ Myanmar trong ba năm qua, trong đó rất nhiều người đi theo đường biển, qua trung gian là bọn buôn người. Ngày 29-5-2015, Thái Lan đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong hợp tác, giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, trước khi hội nghị diễn ra, Myanmar đã kịch liệt phản đối và phủ nhận quốc gia này là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng di cư ở Đông Nam Á, đồng thời tuyên bố sẽ không tham dự cuộc họp nếu từ “Rohingya”(16) nhạy cảm được đề cập trong lời mời. Như vậy, để giải quyết vấn đề di cư của người Rohingya thiểu số ở Myanmar rất cần có sự hợp tác, chia sẻ của nhiều quốc gia trong khu vực và các tổ chức quốc tế.

Một số khuyến nghị hàm ý chính sách                                                                                                                                                                                                                                           Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề quản lý, kiểm soát di cư đòi hỏi các nước phải luôn chủ động ứng phó với khủng hoảng di cư. Từ góc độ hợp tác quốc tế, bên cạnh việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo, Việt Nam cần phải:

- Minh bạch trong hoạch định và thực hiện các chính sách chung về kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện, giúp đỡ để mọi người dân, nhất là với các tộc người vùng biên giơícó nguy cơ cao phải di cưdo mưu sinh,có được cơ hội tham gia, nắm bắt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Thực hiện có hiệu quả “Thỏa thuận về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới giữa Việt Nam và Lào” và chủ động đàm phán với Trung Quốc, Campuchia và các nước ASEAN để xây dựng thỏa thuận quản lý và kiểm soát vấn đề di cư xuyên biên giới. 

- Tiếp tục hợp tác cùng các quốc gia, nhất là các nước láng giềng duy trì hòa bình, an ninh khu vực biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

- Tích cực hợp tác với các nước giải quyết vấn đề lao động cư trú trái phép theo các thỏa thuận song phương (mà Việt Nam đã ký với 17 nước về nhận trở lại công dân). Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi thông tin xuất nhập cảnh với các nước nhằm hạn chế người di cư trái phép, buôn bán người thông qua trao đổi thông tin, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, tổ chức đưa người di cư trái phép...

- Tăng cường triển khai các chương trình đối thoại, giao lưu văn hóa giữa cộng đồng nước sở tại và cộng đồng người Việt Nam di cư hợp pháp. Chính phủ nước sở tại cần tạo điều kiện cho những người nhập cư hợp pháp hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, người di cư dù ở bất kỳ nước nào cũng phải tuân thủ pháp luật, được hưởng những quyền lợi của công dân, đồng thời phải hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước nơi họ cư trú.

- Việt Nam cần có giải pháp, kịch bản sẵn sàng tạo mọi điều kiện phục vụ tích cực cho các diễn đàn, tổ chức quốc tế về lĩnh vực di cư quốc tế: Tiến trình Bali về phòng chống đưa người di cư trái phép, buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia liên quan; Tiến trình COMMIT (sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng về phòng chống buôn bán người); Diễn đàn Á ­- Âu về di cư; Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển - GFMD... Sự xuất hiện của các tổ chức quốc tế ở cấp độ toàn cầu có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ người di cư, cùng với các chương trình trợ giúp nhân đạo là bằng chứng rõ nét cho thấy tầm quan trọng và vai trò của một hình thức quản trị toàn cầu về di cư.

______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 9-2017

(1) Theo Công ước về vị thế người tỵ nạn (Công ước 1951): người tỵ nạn là những người sợ hãi có cơ sở về việc có thể bị đàn áp hoặc bức hại do các nguyên nhân liên quan đến chủng tộc, tôn giáo, dân tộc; do là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể hoặc do lý tưởng chính trị của cá nhân đó, đang ở ngoài quốc gia mà họ có quốc tịch và không thể, hoặc không mong muốn tiếp nhận thể thức bảo vệ công dân của quốc gia đó do những lo sợ nói trên. 

(2) International Organnisation for Migration, “World Migration Report 2003: Managing Migration Challenges and Responses for People on the Move”, https://publications.iom.int.

(3) Theo thống kê của UNHCR và IOM, trong năm 2015 có hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu (tham khảo http://baophutho.vn.

(4) Trên thực tế, số lượng người di cư vượt biển vào EU trong 9 tháng đầu năm 2016 khoảng 300 nghìn  người, http://baoquocte.vn.

(5) Theo số liệu công bố của Tổ chức Di cư quốc tế-IMO, http://www.baomoi.com/,http://nghiencuuquocte.org.

(7) http://nld.com.vn.

(8), (13) Lý Quốc Tuấn: “Quản lý khủng hoảng di cư: Thực tế hiện nay và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam”, Nghiên cứu quốc tế, 4 (103), 2015, tr.74-75, 77.

(9) Hoài Linh: “Phát hiện lộ trình bí mật đưa nhiều người Việt vào châu Âu”, http://vietnamnet.vn.

(10) Trong báo cáo 5-2015, Ủy ban châu Âu dự đoán, dân số Đức sẽ giảm từ 81,3 triệu người năm 2013 xuống còn 70,8 triệu người vào năm 2060.

(11) Công ước về người tỵ nạn Dublin quy định người di cư phải đăng ký tại quốc gia đầu tiên mà họ đến, ký tại Dublin, Ireland ngày 15-1-1990 giữa 12 nước thành viên EU.

­(12) http://nld.com.vn.

(14) The EU - Turkey Agreement took effect as of 20 March 2016.

(15) Khủng hoảng nhập cư châu Âu: Gian nan thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ, http://vov.vn.

(16) Rohingya là tên một tộc người thiểu số theo Hồi giáo khoảng 1,3 triệu người ở miền Bắc Myanmar.