Theo báo cáo của Phó thủ tướng, chính phủ đã chỉ đạo tổng kết 5 năm thực hiện thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật ATTP. Qua 4 năm triển khai thực hiện nghị quyết cũng đã cơ bản hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới ATTP.
Đồng thời triển khai các giải pháp tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ trong việc giám sát, vận động thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng.
Chính phủ đã tiếp tục thực hiện cơ chế phối hợp 3 Bộ Y tế, NNPTNT, Công thương trong chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với từng nhóm, ngành hàng cụ thể.
Triển khai nhiệm vụ chính phủ giao, các địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp về ATTP. Đồng thời là tiếp tục thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP và thanh tra chuyên ngành ở một số địa phương.
Về phương thức quản lý, hiện việc quản lý ATTP đã chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế, và nhờ đó đã đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong triển khai thực tế tại các Bộ ngành và địa phương, đã có nhiều giải pháp bảo đảm, hiệu quả để phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Các giải pháp tập trung vào thông tin, truyền thông và nâng cao hoạt động giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ. Chú trọng kiểm tra các bếp ăn tập thể, khu du lịch, thức ăn đường phố….
Đặc biệt, qua triển khai các biện pháp khuyến khích, đã xuất hiện phổ biến mô hình liên kết, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhất là đối với các vấn đề nóng như sử dụng chất cấm, buôn lậu thực phẩm qua biên giới. Triển khai hoạt động này, thậm chí trực tiếp Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng đã đi kiểm tra nhiều đơn vị, địa phương… Nhờ đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm.
Theo báo cáo thẩm tra thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016 – 2020 của Quốc hội, hoạt động bảo đảm ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP đã được ban hành tương đối đầy đủ, cơ bản bao quát đến các đối tượng, các công đoạn trong chuỗi sản phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới và triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Đồng thời, việc xử lý vi phạm đã nghiêm minh hơn. Vấn đề về tồn dư hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Quốc hội đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới. Việc quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, theo quá trình sản xuất được đẩy mạnh. Thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, cùng với những chuyển biến đó, thì việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết còn chưa nghiêm túc, một số nội dung chưa được làm rõ. Việc cập nhật, thực thi pháp luật tại địa phương còn chậm.
Mặt khác, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đang trong quá trình hoàn thiện đã gây khó khăn trong triển khai thực hiện. báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá, việc kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn hạn chế. Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới diễn biến phức tạp. Việc giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm còn chậm chuyển biến.
Đáng chú ý, cũng báo cáo này cho biết, tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thực phẩm vẫn diễn ra. Tử vong do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên còn chiếm tỷ lệ cao… Đòi hỏi Chính phủ cần có nhiều nỗ lực hơn trong nâng cao hiệu quả quản lý ATTP.