Thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, CTCP VNG (VNG) cho biết số tiền 330,73 tỉ đồng nêu trên là khoản đặt cọc cho các cổ đông hiện hữu để mua lại cổ phiếu đã phát hành của tập đoàn theo các hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phần đã ký kết.
Theo tìm hiểu của VietTimes, từ cuối năm 2016, VNG bắt đầu ghi nhận các khoản đặt cọc mua lại cổ phần, với số dư tại thời điểm ngày 31/12/2016 là 243,7 tỉ đồng (đầu năm 2016 không ghi nhận khoản mục này). Số dư khoản mục này chạm đáy tại ngày 31/12/2017, sau khi VNG mua vào thành công 1.060.846 cổ phiếu quỹ, rồi tăng dần trở lại từ đó tới nay. Cũng trong khoảng thời gian này, công ty mẹ VNG không mua thêm cổ phiếu quỹ mà chỉ thực hiện bán ra 355.820 cổ phần cho Seletar Investment Pte Ltd vào tháng 3/2019.
Như VietTimes từng đề cập, “lá bài” cổ phiếu đã giúp VNG xử lý được nhiều vấn đề, kể cả việc ‘lách room ngoại’. Song, khi Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật chứng khoán 2019) có hiệu lực (kể từ ngày 1/1/2021), các quy định mới về giao dịch cổ phiếu quỹ khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Theo đó, VNG sẽ phải xử lý hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ hiện có (báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2020 đã kiểm toán), trước khi muốn mua thêm cổ phiếu quỹ và bắt buộc phải xin ý kiến đại hội đồng cổ đông điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo quy định. Khi giảm vốn điều lệ, VNG cũng sẽ phải lưu tâm đến giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài.
Với 16,9 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại trên số cổ phiếu đang lưu hành của VNG (theo tính toán của VietTimes) đã lên tới 59,07% - vượt xa mức ‘room’ 49% mà ban lãnh đạo VNG đã chia sẻ với cổ đông tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Liên quan tới các giao dịch cổ phiếu của VNG, tháng 8/2010, công ty này đã ký kết hợp đồng quyền chọn mua cổ phiếu phổ thông với ‘một nhà cung cấp trò chơi trực tuyến’.
Theo đó, phía đối tác được cấp quyền mua tối đa 1.859.251 cổ phiếu phổ thông của VNG với mức giá 8,0678 USD/cp. Trong đó, nhà cung cấp trò chơi trực tuyến có thể thực hiện quyền mua 1.549.375 cổ phiếu VNG với số lượng bằng nhau hàng quý bắt đầu từ 1/8/2010 tới 31/7/2016. Nếu VNG thực hiện IPO trước ngày 31/7/2016, tất cả quyền chọn mua 1.859.251 cổ phiếu sẽ được thực hiện ngay lập tức trước khi IPO.
Đến tháng 10/2014, VNG và phía đối tác tiếp tục ký kết Phụ lục C. Khi ấy, quyền mua 1.032.917 cổ phiếu phổ thông của VNG đã được thoả mãn theo hợp đồng quyền chọn và nhà cung cấp trò chơi trực tuyến nêu trên có toàn quyền thực hiện quyền mua theo thời gian hoặc bất kỳ lúc nào, với điều kiện tất cả quyền chọn sẽ được thực hiện trước hoặc vào ngày 31/12/2020.
“Việc đăng ký quyền mua 516.458 cổ phiếu phổ thông theo Hợp đồng Quyền chọn và quyền chọn mua 309.876 cổ phiếu phổ thông còn lại (có nghĩa là 1.859.251 cổ phiếu phổ thông trừ đi 1.549.375 cổ phiếu phổ thông) sẽ không có hiệu lực kể từ ngày ký Phụ Lục C, và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường cho việc không thực hiện quyền này” – báo cáo của VNG cho biết.
Tuy nhiên, đến ngày 28/12/2020, các bên đã đồng ý gia hạn thời gian thực hiện quyền chọn đến ngày 31/12/2021.
Lưu ý rằng, từ năm 2010, Tencent cũng bắt đầu thể hiện khoản đầu tư vào một doanh nghiệp ‘online game’ tại khu vực Đông Nam Á. Dù Tencent không nêu đích danh, song theo những dữ kiện và con số doanh thu nêu trong báo cáo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định đó chính là VNG.
VNG kinh doanh ra sao năm 2020?
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020 không có nhiều thay đổi trong các chỉ tiêu kinh doanh so với báo cáo VNG tự lập. Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.024,2 tỉ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019.
Trong đó, mảng dịch vụ trò chơi trực tuyến đóng góp tới 79,2% doanh thu cho VNG, với giá trị đạt 4.773 tỉ đồng. Tiếp đến là các lĩnh vực dịch vụ quảng cáo trực tuyến (983,1 tỉ đồng), dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet (197,9 tỉ đồng), dịch vụ nhạc chờ và bản quyền bài hát (11,5 tỉ đồng).
Sau khi trừ đi các loại chi phí, VNG báo lãi sau thuế của công ty mẹ ở mức 460 tỉ đồng, giảm 19% so với năm 2019. Kinh doanh có lãi, ‘núi tiền’ của VNG tiếp tục được bồi đắp thêm 574,5 tỉ đồng với tổng giá trị các khoản tiền và tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng tại thời điểm 31/12/2020 lên tới 4.518,8 tỉ đồng (chiếm 57,4% tổng tài sản).
Tiềm lực tài chính dồi dào giúp VNG có điều kiện đẩy mạnh rót vốn đầu tư, hoàn thiện hệ sinh thái trong lĩnh vực công nghệ.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2020, giá trị khoản đầu tư của VNG vào CTCP Zion (Zion) tăng 2,88 lần so với đầu năm, lên mức 1.061,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, VNG cũng đã phải trích lập tới 618 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào Zion. Tính đến cuối năm 2020, số lỗ luỹ kế của Zion lên tới 1.267,7 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, VNG đã đầu tư 80,8 tỉ đồng, sở hữu 20% quyền biểu quyết tại CTCP Công nghệ Ecotruck - hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phần mềm và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. VNG còn rót vốn vào Dorocat Entertainment Co., Limited, nắm giữ 15% quyền sở hữu và 20% quyền biểu quyết tại công ty dịch vụ sản xuất game có trụ sở tại Hong Kong.
Ngày 26/1/2021, VNG thành lập Công ty TNHH VPM với vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Tiếp đến, ngày 18/2/2021, VNG đã hoàn tất mua lại 641.559 cổ phần, tương đương 29,83% tỉ lệ sở hữu, của CTCP Dayone (Dayone) từ các cổ đông hiện hữu./.