Tất nhiên, về bản chất pin lithium-ion rất nguy hiểm. Ở bên trong viên pin, phần bảo vệ chống đoản mạch chỉ là một mảnh polypropylene rất mỏng manh và xốp, giúp các điện cực tránh chạm vào nhau. Nếu bờ vách này bị phá vỡ, các điện cực sẽ tiếp xúc với nhau, và mọi thứ sẽ trở nên nóng rất nhanh. Pin cũng có đầy các chất điện phân dễ cháy, và các chất này có thể phát nổ khi chúng bị nóng lên.
Vậy tại sao chúng ta lại sử dụng pin lithium-ion? Bởi vì, loại pin này rất hiệu quả. Chúng chứa một lượng năng lượng lớn trong một gói nhỏ, giúp điện thoại hay máy tính xách tay có thể hoạt động suốt cả ngày. Pin li-ion cũng là một công nghệ đã trưởng thành. Pin lithium-ion có thể sạc lại được sử dụng lần đầu tiên trong máy quay Handycams của Sony cách đây hơn 25 năm, và hiện nay có hàng chục nhà cung cấp pin này trên khắp thế giới.
Nhưng không như những công nghệ trưởng thành nhất, pin lithium-ion có vẻ ngày càng gây ra nhiều tai nạn hơn. Đó là vì chúng ta yêu cầu những viên pin phải lưu giữ được khối năng lượng lớn hơn, trong một hình hài mỏng mảnh hơn và bán ra với mức giá rẻ hơn. Hậu quả có thể giống nhau – đó là các tai nạn nóng, cháy nổ – nhưng nguyên nhân có thể không giống nhau.
1. Lỗi sản xuất
Trong số các vụ pin phát nổ, chẩn đoán đầu tiên thường là pin có gì đó sai sai. Như trường hợp Note 7 chẳng hạn, nhưng để nêu ra vấn đề cụ thể lại không hề đơn giản. Vụ thu hồi đầu tiên liên quan đến những điện thoại dùng pin của chính Samsung sản xuất, những viên pin không đủ không gian giữa ngăn bảo vệ và các cực điện bên trong. Sự o ép này khiến các điện cực bị cong ở một số pin, khiến chúng tiếp xúc với nhau và gây ra đoản mạch.
Nhưng khi các điện thoại đã được thu hồi, các thiết bị thay thế có pin “an toàn hơn” cũng gặp vấn đề. Nhiều thiết bị không được cách nhiệt tốt, trong khi nhiều thiết bị khác lại có các bộ phận bên trong không ngăn nắp khiến phần vách an toàn bị phá hỏng. Và điều đó lại gây ra đoản mạch, dù với những lý do hoàn toàn khác nhau.
2. Lỗi thiết kế
Hầu hết thiết bị hiện đại đều có thiết kế mỏng, nhẹ và bóng bẩy hết sức. Thiết kế này có thể phá hỏng một viên pin được sản xuất chuẩn mực nhất, đặc biệt khi pin có công suất năng lượng cao nhưng hình hài lại ngày càng nhỏ lại. Áp lực phần cứng xung quanh pin có thể gây hư hại các cực điện hoặc vách ngăn an toàn, và dẫn đến đoản mạch. Vấn đề thoát hơi hay quản lý nhiệt bất thường cũng khiến các chất điện phân trong pin bị nóng lên. Một khi quá nóng, các phản ứng hóa học có thể khiến pin nóng lên và mất kiểm soát. Hậu quả cuối cùng là một vụ nổ hoặc cháy thiết bị.
3. Lỗi do người dùng
Ngay cả khi một thiết bị được thiết kế đúng chuẩn, việc đánh rơi thiết bị sử dụng lâu năm, hao mòn, cũng có thể làm hỏng nguồn năng lượng bên trong. Cách tốt nhất để nói liệu pin của bạn đã bị hư hại chưa là xem xét các chất hóa học trong pin còn hoạt động theo đúng cách hay không. Pin bị phồng lên cũng tạo ra những áp lực riêng với pin, và có thể dẫn đến cháy nổ. Không may, hầu hết điện thoại ngày nay đều có pin lắp kín sẵn bên trong và không tháo ra được, và tháo thiết bị ra để xem xét pin lại phá vỡ điều khoản bảo hành. Nếu vỏ bên ngoài điện thoại có vẻ xộc xệch hoặc cảm giác nóng bất thường khi sờ vào, tốt nhất bạn nên cẩn thận.
4. Lỗi tại bộ sạc
Hãy nghĩ kỹ trước khi mua cáp sạc giá rẻ, không tên tuổi. Có lý do tại sao loại cáp sạc này lại rẻ như thế: để có giá rẻ, các công ty sản xuất thường bỏ qua một số nguyên tắc về cách nhiệt, các quy định an toàn và các tính năng kiểm soát năng lượng bên trong pin. Điều này có thể dẫn đến giật điện, nổ bộ sạc, nổ pin.
5. Lỗi ở… lợi nhuận
Nếu một công ty có thể tiết kiệm ít tiền trên mỗi viên pin, lợi nhuận họ thu được có thể thêm đến hàng triệu hay hàng tỷ USD. Vì thế, nhiều nhà sản xuất pin lithium-ion cắt gọt bớt các khâu để giá pin rẻ hơn. Nguyên liệu có thể là hàng kém chất lượng, khiến tấm ngăn cách an toàn trong pin vốn đã mỏng lại còn kém. Hoặc nhà sản xuất có thể bỏ qua các nguyên tắc quản lý chất lượng, cách nhiệt. Đây đều có thể là những nguyên nhân chính gây cháy nổ pin.
Theo Wired