Đáng buồn thay cho phương Tây vì họ sẽ không thể giành chiến thắng. Những cáo buộc làm ra vẻ “tư liệu mới phát giác” may chăng có thể gây ấn tượng với vài kẻ hoàn toàn ngu đần, không biết cách suy nghĩ logic, đó là nhận xét của chuyên gia nghiên cứu hàng đầu từ Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc MGIMO, ông Andrei Ivanov.
Bất kể những lời than vãn về "đường lối tuyên truyền giả dối của Putin", người dân Nga thực sự có vô số cơ hội để tiếp cận nhiều quan điểm đa dạng khác nhau về những gì đang xảy ra ở đất nước mình và trên thế giới, nhiều hơn là so với các cư dân của "phương Tây tự do".
Nhiều chương trình đối thoại trực tiếp trên truyền hình Nga đang dành cơ hội cho cả những nhà bất đồng chính kiến lẫn những nhân vật ủng hộ "Ukraina thống nhất”, cũng như các chuyên gia châu Âu và Mỹ được công khai phát biểu ý kiến. Khán thính giả có điều kiện so sánh kiểm chứng những quan điểm khác nhau. Còn phần lớn của các khán giả truyền hình ở phương Tây lại bị tước đoạt khả năng như vậy.
Thời nào đó, báo chí phương Tây từng có lúc thực sự khách quan, nổi danh với những cuộc điều tra độc lập và phát hiện thông tin. Nhưng từ 20 năm lại đây các phương tiện truyền thông phương Tây đã nhanh chóng biến thành công cụ tuyên truyền. Mà công chúng phương Tây có xu hướng dễ tin vào bất cứ điều vô nghĩa nào đó, miễn là chúng xuất hiện liên tục trên truyền hình hay báo chí.
Một ví dụ nổi bật là thông tin về việc “phái ly khai thân Nga đã hủy diệt chiếc máy bay "Boeing" của Malaysia trên bầu trời Ukraine”. Thậm chí giả sử như trong tay các dân quân có hệ thống phòng không "Buk" thì họ cũng không cần sử dụng trong chiến sự. Không quân Ukraine không có phương tiện để hướng dẫn máy bay ném bom từ độ cao 5-6 km, vì vậy ngay từ đầu cuộc chiến ở Donbass họ buộc phải ném bom từ độ cao nhỏ và trở thành mục tiêu dễ nhận thấy cho các khẩu pháo vác vai di động của dân quân Donbass.
Trong tình huống như vậy, việc sử dụng tổ hợp phòng không mạnh như Buk là hoàn toàn vô ích đối với lực lượng dân quân Donbass. Nhưng thế giới đã tin vào phương án giả thiết rằng các dân quân đã bắn rơi chiếc Boeing theo lệnh của “Putin tàn nhẫn”.
Tình huống tương tự với vụ “đầu độc” cựu sĩ quan FSB Litvinenko. Nếu nhân vật này quả thực nguy hiểm đến mức người ta phải quyết định "loại bỏ", thì hẳn là sẽ thực hiện bằng cách đơn giản hơn nhiều. Hoặc chỉ thuần túy là không cho Litvinenko ra khỏi đất nước. Vì vậy, hợp lý hơn cả là cần tìm nguyên nhân vụ đầu độc Litvinenko trong mối quan hệ của chính người này với những tài phiệt Nga lưu vong định cư ở London. Litvinenko chắc hẳn biết nhiều điều về nguồn gốc sự giàu có của các tài phiệt, và có thể đã thử tống tiền kiếm lợi. Chính vì thế mà nhân vật này bị đầu độc, rồi người ta gán hết trách nhiệm cho Nga.
Ở phương Tây có một số người đào tẩu từ KGB và GRU, từng giữ chức vụ cao hơn và nắm nhiều thông tin hơn Litvinenko, nhưng hiện đang sống ung dung yên lành. Chẳng ai động chạm đến họ. Kể cả đối thủ chính của ông Putin là nhà tài phiệt Boris Berezovsky cũng đã sống một số năm ở London. Vừa khi sửa soạn trở lại Nga thì bỗng nhiên ông này “tự vẫn”. Nhưng đối với phương Tây thuận tiện hơn cả vẫn là đổ lỗi cho ông Putin “ám hại Berezovsky”. Và người dân phương Tây lại sẵn lòng tin vào câu chuyện đó.
Quả thực, bây giờ hệ thống lừa dối khán giả của phương tiện truyền thông phương Tây bắt đầu trục trặc. Cuộc “xâm lăng” vào châu Âu của dòng chảy ồ ạt những người gọi là “dân tị nạn” đã buộc các thị dân phương Tây phải ra khỏi cơn mộng mị, nhìn nhận mọi sự một cách thực tế hơn.
Làm sao có thể ngủ gật không thức dậy, khi đột nhiên phải chứng kiến cảnh ngôi nhà châu Âu bị xáo trộn hỗn loạn bởi sự xuất hiện của “các vị khách từ phương Đông". Có thể trong lúc dần tỉnh táo lại, người châu Âu sẽ hiểu được cả thực tế là nước Nga chẳng hề nuôi nguyện vọng gây thù địch với phương Tây. Đơn giản là Nga chỉ muốn rằng lợi ích của Nga được tính đến và tôn trọng.
Theo Sputnik