Ngày 15/1, tại thủ đô Burkina Faso các phần tử Hồi giáo cực đoan đã tấn công vào tiệm cà phê, sau đó bắt giữ con tin trong khách sạn là nơi trú ngụ của công dân các nước phương Tây, kể cả nhân viên Liên Hợp Quốc. Nạn nhân của vụ khủng bố là 27 người từ 18 quốc gia, còn thêm khoảng 30 người khác bị thương. Theo dữ liệu sơ bộ, lực lượng tiến hành vụ tấn công là các chiến binh trung thành với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) , nhóm "Al-Murabitun" trong tháng 8 và 10/2015 từng chiếm khách sạn lớn ở thủ đô quốc gia châu Phi Mali.
Một ngày trước vụ tấn công tại Burkina Faso, ở thủ đô Jakarta của Indonesia vang rền loạt vụ nổ. Một lần nữa, các chiến binh "Nhà nước Hồi giáo" nhận trách nhiệm về hành động khủng bố này. Về những chuỗi sự kiện khủng bố cũng không nên quên Thổ Nhĩ Kỳ: mới tuần trước đã diễn ra vụ tấn công ở trung tâm Istanbul, giết chết 10 du khách người nước ngoài. Đó là chưa nói tới những cuộc tấn công khủng bố ở Iraq và Afghanistan, xảy ra nối nhau với tần số thường xuyên liên tục khiến dường như không còn nhận thấy ngay cả trên các phương tiện truyền thông. Còn ở Syria những ngày cuối tuần qua tại tỉnh Deir ez —Zor các chiến binh IS đã giết hại khoảng 280 người, gồm cả các phụ nữ và trẻ em.
Những cuộc tấn công khủng bố kể trên, hiển nhiên, gắn với nhau trong chủ đề phản ứng chống đối từ phía Hồi giáo cực đoan chống phương Tây và toàn cầu hóa. Và sự chống đối này ngày càng không còn là phương cách đơn giản trong những xung đột cục bộ địa phương về sắc tộc và tôn giáo, mà đang trở thành hướng then chốt nhằm chống toàn cầu hóa trên khắp thế giới, chuyên gia nghiên cứu chính trị nhận xét.
Tính đến những quá trình mà phương Tây áp đặt cho thế giới (toàn cầu hóa, độc quyền, phổ cập hóa, đồng bộ hóa), và cả mối căm ghét đang trải nghiệm trong "công nghệ nô dịch" của xã hội đối với kiểu tiến bộ theo lối Mỹ, tại nhiều quốc gia trên thế giới đang gia tăng tâm trạng phản đối có tính hệ thống, mà đáng tiếc là không có cách gì thể hiện rõ bằng bất kỳ phương tiện nào khác, ngoại trừ những động thái cực đoan nhất.
Nói đúng ra, ý tưởng đáp lại vũ lực và quyền hành tàn nhẫn (trong trường hợp này nói về quyền hành phương Tây) là đối ứng bằng bạo lực và sự tàn nhẫn còn khốc liệt hơn nữa, luôn luôn là nội dung then chốt trong bất kỳ phong trào khủng bố thời nay.
Nếu lúc này chưa hiển hiện một mạng lưới khủng bố toàn cầu thống nhất, thì xét theo mọi điều, mạng lưới như vậy đang hình thành. Không loại trừ là phần lớn những cuộc tấn công trong vài tuần lễ gần đây là hành động điều phối từ một trung tâm duy nhất (truyền thông mạng hiện đại vô hình chung góp sức cho điều đó), và theo đuổi những mục tiêu cụ thể. Câu hỏi tiếp theo là những mục tiêu nào?
Chuyên gia Nga nêu giả định: Tôi cho rằng mục tiêu có hệ thống của bọn khủng bố, tối thiểu cũng là ba điểm.
Đầu tiên, bản đồ địa lý chung của các vụ khủng bố thể hiện ý định phô trương quy mô của thế lực Hồi giáo đến những thành viên ủng hộ tiềm năng. Và đó không chỉ thuần túy là tự quảng cáo, mà còn là phương cách tuyển mộ chiến binh cho IS. Hôm nay, nguồn tài nguyên nhân sự cho IS có thể là bất kỳ đất nước nào có người theo đạo Hồi, mà đó là một tỷ rưỡi người khắp các châu lục.
Thứ hai, mục tiêu tấn công khủng bố ở những nước khác nhau trên thế giới đều hướng vào chủ yếu là chống lại công dân các nước phương Tây — một dạng gây sức ép đe dọa giới chính khách phương Tây và cảnh cáo rằng khủng bố có thể phát động cuộc thánh chiến với bất kỳ quốc gia nào và ở bất kỳ đâu.
Thứ ba, các vụ khủng bố hiển nhiên nhắm vào cả những lợi ích hoàn toàn thực dụng. Thí dụ, cuộc tấn công ở Jakarta có lợi cho người Ảrập Xêút và đồng minh của họ, đang ở trong tình huống khó khăn do đà tuột dốc liên tục của giá thế giới với dầu mỏ.
Có thể giả thiết rằng trong thời gian gần tới, sẽ tái diễn hành vi khủng bố ở châu Âu. Sẽ gia tăng cả hành động khiêu khích chống lại người Shiite ở Iraq và Yemen. Tiếp diễn tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, tạo điều kiện cho phép Erdogan bằng cách nào đó "giải trình" với các quan chức EU - vì sao ông ta không thể chặn dòng chảy dân tị nạn sang lục địa Âu — và thanh minh với các cử tri — vì sao ông ta tiến hành thanh lọc đàn áp người Kurd cũng như giao tranh chống Tổng thống Assad. Tuy nhiên, ngoài những nơi kể trên còn có cả những địa bàn "hấp dẫn" khác nữa đối với bọn khủng bố (Syria, Lebanon, Libya, Afghanistan, Ukraina, và các nơi khác). Rồi hoạt tính khủng bố sẽ tăng cả ở eo biển Malacca.
Những vụ nổ ở Jakarta gần đây chỉ là hồi chuông báo động đầu tiên. Trong năm nay hoạt tính của các nhóm khủng bố có thể bộc lộ rõ ở các nước láng giềng như Malaysia và Philippines: tại Malaysia, điều đó có thể do thực tế tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ, còn ở Philippines, hành động khủng bố sẽ là câu trả lời đáp lại sự gia tăng yếu tố Mỹ tương tự trong chính trị và thực tế.
T.H