Phương Tây đã tính toán sai lầm khả năng của chính họ trong việc trừng phạt Nga như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – VietTimes xin giới thiệu tới độc giả bài phỏng vấn giáo sư kinh tế Steve H. Hanke về các đòn trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga, được Asia Times đăng tải.

Steve H Hanke là giáo sư kinh tế, nhà sáng lập và đồng giám đốc của Viện Kinh tế ứng dụng John Hopkins. Ông là chuyên gia cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế Renmin của Trung Quốc, và là ủy viên đặc biệt của Trung tâm Bình ổn Tài chính ở New York. Hanke từng là cố vấn của 5 đời Ngoại trưởng của Mỹ. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch của hội đồng quản lý Advanced Metallurgical Group NV ở Amsterdam, Hà Lan.

Adriel Kasonta (AK): Sau khi thất bại trong việc ngăn chặn xung đột ở Ukraine vì không loại trừ khả năng cho Ukraine gia nhập NATO, phương Tây đã quyết định áp lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi cuộc chiến xảy ra. Giờ cuộc chiến đã bước vào tháng thứ ba, ông đánh giá gì về hiệu quả của các đòn trừng phạt này?

Steve Hanke (SH): Giống như các đòn trừng phạt khác, các lệnh trừng phạt đang được áp dụng với Nga là những vũ khí kinh tế, mà trên thực tế thì đó là một cuộc chiến chưa được tuyên bố nhằm vào Nga. Và giống như tất cả lệnh trừng phạt khác, chúng đã được chứng minh là hoàn toàn không hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu mà họ công khai tuyên bố: đó là thay đổi thái độ của Nga.

Các lệnh trừng phạt chưa từng chiến thắng trong một cuộc chiến. Và nếu điều đó chưa đủ tồi tệ, thì các lệnh trừng phạt thậm chí còn thường là phản tác dụng. Thay vì lật đổ chính quyền Vladimir Putin, các đòn trừng phạt này thường làm thứ mà chúng vẫn làm: chúng tạo ra một “hiệu ứng tập hợp dưới cờ”, tiếp tục cô lập ông Putin và những người thân cận ông.

AK: Ông nói rằng các đòn trừng phạt này không phải một bữa trưa miễn phí, vậy cái giá mà Mỹ và EU, và toàn thế giới, phải trả là gì?

SH: Chúng tôi không có bất kỳ con số ước tính chính thức nào, và chúng tôi sẽ không bao giờ nhận được những con số như vậy. Khi các chính trị gia đưa ra những chính sách không mang lại lợi nhuận mà chỉ tốn chi phí, họ luôn muốn che giấu chúng trong vòng bí mật.

Chúng tôi có những con số ước tính tổn thất mà Nga phải hứng chịu do các đòn trừng phạt, do các ngân hàng đầu tư, ngân hàng trung ương và các tổ chức quốc tế như IMF đưa ra. Những con số ước tính này – khá là thiên vị - chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, và chúng chỉ ra cái giá của các lệnh trừng phạt sẽ là cực kỳ lớn.

Mặc dù tổn thất về kinh tế và con người đối với Nga sẽ là rất lớn, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu nếu so sánh với tổn thất mà phần còn lại của thế giới phải hứng chịu. Xét về phạm vi ảnh hưởng thì EU chịu tác động lớn nhất, lớn hơn nhiều so với Mỹ. Nhưng tổn thất gây ra do các đòn trừng phạt không chỉ dừng ở EU và Mỹ. Chúng sẽ lan ra khắp thế giới, tạo thêm gánh nặng cho những người nghèo và các nước nghèo.

AK: Mặc dù EU đang trong quá trình giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết với Brussels sẽ giúp họ đạt được mục tiêu này. Nhưng liệu Mỹ có khả năng thay thế nguồn cung khí đốt của Nga?

SH: Chỉ trong một từ, “Không”. Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris luôn hứa hẹn về dầu và khí đốt cho những bên nói là họ cần. Vấn đề ở đây là các công ty tư nhân sản xuất dầu và khí đốt ở Mỹ, và chính họ chứ không phải Tổng thống hay Phó Tổng thống, sẽ quyết định ai là người mà họ sẽ bán hàng hóa cho. Thêm nữa, những công ty Mỹ đó không đủ khả năng để bù lấp chỗ trống nguồn cung mà các công ty Nga để lại.

AK: Lý do sâu xa đằng sau việc Nga yêu cầu các nước trả tiền khí đốt và dầu bằng đồng rúp – đồng tiền đã giảm giá mạnh nhưng sau đó lại hồi phục so với đồng USD – là gì?

SH: Lý do phần lớn chỉ mang tính tượng trưng. Trước khi chỉ thị đó được đưa ra, đồng USD hay đồng euro sẽ được chuyển tới Gazprom và sau đó Gazprom sẽ chuyển đổi phần lớn, nhưng không phải tất cả, lượng tiền đó sang đồng rúp.

Giờ đây, đồng rúp cần phải được các khách hàng nước ngoài chuyển trực tiếp cho Gazprom, vậy nên việc chuyển đồng USD và euro sang đồng rúp cần phải diễn ra trước khi chi trả tiền mua dầu và khí cho Gazprom.

Còn đối với đồng rúp, nó rất mạnh, mạnh hơn cả thời điểm trước khi Nga tấn công Ukraine. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, không giống như phần lớn các thống đốc khác, đã cho thấy rằng bà quản lý khủng hoảng rất tốt.

AK: Tác động của lệnh cấm dầu Nga đối với Mỹ và EU như thế nào?

SH: Tác động đối với các nước EU, và có lẽ là trừ Hungary ra, sẽ rất tiêu cực và nghiêm trọng. Mỹ sẽ không thể thoát được tầm ảnh hưởng. Các thị trường dầu khí trên toàn cầu sẽ bị chính trị hóa và chia rẽ, khi mà dầu sẽ không được vận chuyển một cách tự do như suốt 4 thập kỷ qua nữa. Kết quả là, mọi người sẽ phải chi thêm tiền.

AK: Người Mỹ hiện đang phải đối đầu với mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm. Đâu là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng hiện tại? Đó có phải lỗi của ông Putin như ông Biden nói?

SH: Lạm phát ở Mỹ đã bắt nguồn từ xưa ở chính nước Mỹ. Ngược lại với những gì mà Nhà Trắng tuyên truyền, ông Vladimir Putin không phải nguyên nhân. Nhà Trắng, dưới thời Tổng thống Donald Trump và cả Biden, dưới thời đại dịch COVID-19 đều chi nhiều tiền như những gã thủy thủ say rượu và in tiền với tốc độ cao để tăng chi tiêu. Lạm phát luôn luôn chỉ bắt nguồn từ một thứ: việc in tiền quá độ.

AK: Hậu quả ngắn và dài hạn của việc Mỹ vũ khí hóa đồng USD là gì?

SH: Về ngắn hạn, đồng USD sẽ cực kỳ mạnh, bởi lợi thế đồng dự trữ an toàn. Trong dài hạn, việc vũ khí hóa đồng USD và hệ thống quốc tế dựa trên đồng USD sẽ mời đến nhiều kẻ thách thức. Tôi không rõ những kẻ thách thức đó có thành công hay không. Một điều mà tôi biết đó là rất khó để thách thức một đồng tiền quốc tế lớn mạnh.

AK: Mặc dù Mỹ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ukraine, NATO đã được xác nhận là trong một cuộc chiến ủy thác với Nga. Logic đằng sau động thái này là gì? Nó có mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào khác ngoài các nhà thầu quốc phòng hay không?

SH: Để hiểu về tình hình địa chính trị, cần phải lần theo dòng tiền. Trong khi NATO có 30 thành viên, Mỹ lại là nước xưa nay đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của khối này. Kết quả là, Mỹ vận hành show diễn của NATO. Bởi vậy ta có thể thấy rõ ai là người đứng đằng sau việc NATO can dự vào Ukraine, kể cả từ trước và sau cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Asia Times