Từ 1/1/2016, doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH dựa trên lương và phụ cấp nhưng đến nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể là những loại phụ cấp nào. Là cơ quan chủ trì soạn thảo thông tư, bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định một số điều về BHXH bắt buộc (Nghị định 115), Bộ Lao động sẽ hướng dẫn theo hướng tiền đóng BHXH từ 1/1/2016 bao gồm mức lương, phụ cấp lương.
Phụ cấp bao gồm các khoản để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Từ 1/1/2018, đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương cùng với phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Các khoản bổ sung được xác định là mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Bà Trần Thị Thúy Nga cũng cho biết những khoản không phải đóng BHXH là tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, tiền đi lại, điện thoại, tiền nuôi con nhỏ, sinh nhật... Tất cả những khoản dùng tính đóng BHXH đều đã được xác định trước số tiền, không quá biến động từng tháng nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động và cơ quan bảo hiểm trong việc tổ chức thực hiện thu, đóng và quản lý BHXH.
Trước việc nhiều người lao động lo lắng mức đóng cao sẽ khiến thu nhập bị giảm, bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng tỷ lệ đóng BHXH vẫn như cũ nhưng nền đóng cao hơn. Lao động đóng một đồng thì doanh nghiệp phải đóng hai đồng. “Những khó khăn trước mắt khiến người lao động khó đóng góp, nhưng tương lai mới là điều quan trọng. Khi còn trẻ, còn sức khỏe thì khó khăn trước mắt có thể vượt qua, tuổi già ập đến mà không có lương hưu chi trả cuộc sống thì dễ hụt hẫng”, bà Trần Thị Thúy Nga chia sẻ.
Hiện nay, chủ sử dụng lao động chỉ đóng BHXH cho người lao động trên mức lương tối thiểu vùng. Theo tính toán của cơ quan BHXH, dù có nhận được lương hưu tối đa bằng 75% mức đã đóng thì người lao động vẫn có lương hưu thấp hơn cả lương tối thiểu vùng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga lấy ví dụ thực tế, nhiều doanh nghiệp trả cho người lao động tiền lương là 15 triệu đồng/ tháng nhưng đóng BHXH trên nền lương 3-4 triệu đồng. Khi còn sức khỏe, kế hoạch chi tiêu có thể dựa vào trên số lương 15 triệu đó, nhưng khi về già thì chỉ được hưởng tối đa 75% của 3-4 triệu thôi. Như vậy kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn, người về hưu sẽ rất khó khăn.
Theo Báo Hải Quan