Phối hợp giải pháp ngăn ngừa công dân khiếu kiện kiểu côn đồ

VietTimes -- Ngày 16/09, Ban Tiếp công dân Trung ương (TƯ) và Công an TP Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, sau rất nhiều vụ việc công dân hành hung cán bộ tiếp công dân trước đó.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân TƯ bị công dân khiếu kiện xô xát
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân TƯ bị công dân khiếu kiện xô xát

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho biết, hàng năm, Trụ sở Tiếp công dân TƯ phải đã tiếp hàng chục nghìn lượt công dân khiếu kiện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra một số công dân quá khích có hành vi lăng mạ, đe dọa, hành hung cán bộ, công chức, chiến sỹ công an làm nhiệm vụ ngay tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ, đã có trường hợp gây thương tích phải xử lý hình sự.

Điển hình nhất là, ngày 28/1 Thanh tra viên Trần Thị Thu Hiền đang làm nhiệm vụ tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ thì bị một công dân khiếu kiện tỉnh Thanh Hóa dùng dao chém vào mặt, vào đầu gây thương tích 13%. Ngày 12/5, ông Ngô Sỹ Giang, Phó Vụ trưởng - Thường trực tiếp công dân của Ban Nội chính TƯ, tiếp công dân tỉnh Nam Định, bị công dân này lăng mạ, đấm vào mặt dẫn đến thương tích.

Mới đây, 24/5 chính ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cũng đã bị khoảng 13 người là dân ở tỉnh Bạc Liêu đã bao vây, túm áo, xô đẩy, cào cấu khiến ông ngã ngửa, đầu đập vào gốc cây xoài trong sân Trụ sở Tiếp công dân TƯ. Thời điểm đó, ông Điệp cho hay, sau liên tiếp những vụ việc cán bộ tiếp dân bị hành hung ngay tại Trụ sở khiến tinh thần cán bộ tiếp dân hoang mang, căng thẳng.

Với Quy chế phối hợp này, Công an TP Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền quản lý trong việc phối hợp với Ban Tiếp công dân TƯ đảm bảo về an ninh, trật tự tại Trụ sở Ban tiếp công dân TƯ phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Hai cơ quan phải cùng nhau phối hợp, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc có liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ trong việc xử lý, giải quyết tình hình phức tạp về an ninh, trật tự khi có tình huống xảy ra. Và có thể họp đột xuất do đề nghị của một trong hai bên nếu xảy ra tình huống phức tạp.

Ngoài ra, Công an TP Hà nội phải cử cán bộ hướng dẫn cán bộ tiếp công dân, lực lượng bảo vệ Trụ sở Tiếp công dân TƯ phương thức tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính khi công dân có hành vi vi phạm Nội quy Trụ sở, gây mất an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, Quy chế sẽ là một phương thức mới trong đảm bảo trật tự an ninh - xã hội nói chung, đặc biệt là đảm bảo trật tự cho hoạt động của Trụ sở Tiếp công dân TƯ nói riêng. Vì vậy, ông đề nghị, thời gian tới Ban Tiếp công dân TƯ, Công an TP Hà Nội phải thực hiện đúng những nội dung đã ký kết với tinh thần trách nhiệm cao.