Bản tuyên bố chung khẳng định, các bên nhận thức được rằng dinh dưỡng bà mẹ và thực hành ăn bổ sung ở trẻ nhỏ là đặc biệt quan trọng đối với giảm suy dinh dưỡng thấp còi và các thể suy dinh dưỡng khác, bao gồm thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở trẻ em.
“Chúng tôi thấy rằng các hành động nhằm cải thiện dinh dưỡng bà mẹ và ăn bổ sung hiện tại chưa đầy đủ, cập nhật và cần có những giải pháp mang tính sáng tạo hơn nữa”, bản tuyên bố chung khẳng định.
Với việc ký tuyên bố chung, Chính phủ cam kết và đồng thuận cùng hỗ trợ cho các hành động ưu tiên sau:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược truyền thông thay đổi hành vi về dinh dưỡng sáng tạo, bao gồm truyền thông xã hội để tiếp cận đến đông đảo cộng đồng dân cư, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số.
Thứ hai, tăng độ bao phủ và đảm bảo tài chính cho các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm bổ sung đa vi chất cho bà mẹ và trẻ em, thực phẩm tăng cường vi chất, trong các chương trình y tế và bảo trợ xã hội.
Thứ ba, nâng cao năng lực cán bộ để thực hiện dịch vụ dinh dưỡng cho bà mẹ và ăn bổ sung thông qua đào tạo trước dịch vụ và đào tạo liên tục với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.
Và cuối cùng, tăng cường khuyến khích sản xuất các thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế quảng cáo và kiểm soát nhãn thực phẩm không lành mạnh cho bà mẹ và trẻ em.
Nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức kí tuyên bố chung cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và ăn bổ sung ở Việt Nam.
|
Theo báo cáo của các chuyên gia Viện Dinh dưỡng, hiện nay nhiều trẻ em ăn ít thực phẩm bổ dưỡng, nhưng lại ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh. Hiện có số lượng khá lớn trẻ chưa đến 6 tháng tuổi đã được cho ăn bổ sung sớm.
Chế độ ăn không đủ đa dạng, dưới 4 nhóm thực phẩm trong ngày trong 7 nhóm thực phẩm theo kiến nghị của WHO; ăn dưới 3 bữa mỗi ngày; việc chuẩn bị thực phẩm cho trẻ chưa vệ sinh và trẻ không được bú mẹ đến 2 tuổi.
Cùng với đó, dinh dưỡng bà mẹ ở Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Riêng đối với phụ nữ mang thai, theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng, nhiều phụ nữ mang thai tăng cân chưa đầy đủ, hoặc thiếu bổ sung đa vi chất, đặc biệt là sắt và folic, cùng với đó, chế độ khám thai không đầy đủ.
Ăn bổ sung là cho trẻ ăn các thực phẩm đặc để bổ sung cho sữa mẹ và bắt đầu trong khoảng từ 6-24 tháng tuổi. Nhu cầu dinh dưỡng tăng đáng kể ở độ tuổi này.
Với việc cho ăn bổ sung phù hợp, trẻ có thể hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, phòng tránh suy dinh dưỡng thấp còi và hạn chế phát triển các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch về sau.