Những số phận gắn với lịch sử
*Thưa nhà văn, là tác giả của rất nhiều đầu sách và bộ tiểu thuyết, mới nhất là “Đường 1C huyền thoại” vừa ra mắt dịp 30-4 năm nay, xin chị cho biết tại sao luôn chọn viết về những nhân vật nữ giữa cuộc chiến tranh?
Nhà văn Trầm Hương: - Mọi người biết nhiều về các cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, nhưng còn rất nhiều con đường chiến tranh nữa. Trên những cung đường này, tôi đã gặp rất nhiều những thân phận phụ nữ hy sinh cho những thời khắc lịch sử.
Năm 1966, thời kỳ cao trào cách mạng kháng chiến chống Mỹ của miền Tây Nam Bộ, vùng giải phóng mở rộng, nối liền 6 tỉnh Khu 9. Cùng lúc đó, đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong toả, đánh phá gắt gao nên gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đó, phương tiện chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã đến miền Đông Nam Bộ. Muốn vận chuyển lượng phương tiện chiến tranh này đến tận mũi Cà Mau, miền Tây Nam Bộ phải cấp tốc tổ chức lực lượng vận chuyển. Đó là lý do tuyến đường giao thông vận tải 1C ra đời.
Trên tuyến đường 1C huyền thoại, xuồng máy vận chuyển dễ bị lộ vì tiếng động cơ nên hầu như toàn bộ vũ khí, đạn dược, lương thực ra chiến trường đều đặt lên những đôi vai phụ nữ. Không chỉ vận chuyển hàng hoá, thanh niên xung phong còn trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ kho bãi. Cho đến ngày 30-4-1975, có 400 người đã hy sinh trong số 800 thanh niên xung phong ở tuyến đường 1C, những người còn có thể quay về đã là kỳ diệu lắm rồi, họ đều đã kiệt sức, mang trong người những vết thương chiến tranh.
Nhưng đến tận bây giờ, nhiều người trong số họ vẫn không có nổi căn nhà làm nơi cư trú. Nhiều người lâm cảnh khốn cùng, như chị Huỳnh Thị Bé sống bằng nghề nhặt rác dọc bãi biển Kiên Giang, bản thân bị thai trứng, mang miểng bom trong phổi, nuôi hai con đều bị động kinh do di chứng chất độc da cam; chị Trần Thị Tuyết Hồng đã 8 lần phơi nhiễm chất độc da cam, hậu quả là các con chị cũng bị di chứng tàn nhẫn này hành hạ.
Những cựu thanh niên xung phong của tuyến đường 1C về dự ra mắt cuốn sách |
*Chị mất bao nhiêu năm để hoàn thiện cuốn sách này?
Nhà văn Trầm Hương: - Mười năm đi đi về về với các thanh niên xung phong mới hoàn thành cuốn “Đường 1C huyền thoại”. Nhưng đi về với họ, tôi chỉ là một người em, không phải nhà văn. Nếu là nhà văn, họ sẽ không chịu kể lại những nỗi đau quá lớn. Nhiều người chưa bao giờ tưởng tượng sẽ được đứng trước Dinh Độc Lập, nhìn ngắm thành đô và ra mắt một cuốn sách như thế, trong đó viết về chính họ.
*Bộ tiểu thuyết ngàn trang “Trong cơn lốc xoáy” đoạt Giải A do Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng năm 2015; Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2016, đoạt giải văn học nghệ thuật TP.HCM lần thứ 2 năm 2019, cũng chiếm mất của chị chừng 10 năm lao động?
Nhà văn Trầm Hương: - Đúng vậy, tôi viết bộ tiểu thuyết đó nhân vật chính là một người phụ nữ đã giang hai tay hứng nước mắt của cả hai bên chiến tuyến.
Bà Jeanne Anna Villarialle - con gái quan giám đốc kiểm toán quan thuế ba miền Đông Dương thời Pháp thuộc là một nhân vật có thật. Cuộc đời thăng trầm của bà Jeannette, từ vị trí con quan Pháp đến người yêu của một chiến sĩ Việt Minh và những gắn bó với cách mạng Việt Nam trong lúc đời riêng thì phải chịu vô vàn áp lực tưởng chừng không thể chịu đựng nổi đã được bộc bạch không giấu giếm. Hơn ai hết, bà dũng cảm đối mặt và mong cuốn sách được ra đời để hai phía có thể chấm dứt hận thù.
Nhà văn Trầm Hương và cuốn "Đường 1C huyền thoại" |
Lát cắt đời tư của nhà văn
*Các nhân vật thăng trầm nhiều như thế, nghe nói, tác giả cũng không ít thăng trầm trong đời riêng?
Nhà văn Trầm Hương: - Đúng là đời tư của tôi nhiều sóng gió. Lúc đổ vỡ quan hệ với ba của hai đứa nhỏ, tôi chỉ nghĩ rằng phải “trừng phạt” để cho người ta phải chịu cảnh không có mình, đến lúc xa nhau mới hiểu không có mình, người ta có thể có người khác, và mối tình nào cũng lộng lẫy cả.
Tôi đã mất 12 năm nuôi con một mình. Đứa thứ hai, khi đi sinh con, tôi hoàn toàn sống bằng tiền nhuận bút viết sách, trong khi tiền ảnh đưa tôi nuôi con, tôi sẵn sàng liệng cho bay như bươm bướm. Các con tôi lớn lên, chúng bảo đã học được nhiều kỹ năng từ mẹ như luôn quan tâm đến người khác, biết điều chỉnh bản thân, nhưng bị thiếu mất hình mẫu đàn ông. Hai đứa con tôi đều không nhận được sự quan tâm, hướng dẫn đúng ra cần có của một người cha, trong khi chỗ làm của ảnh cách trường học của các con tôi chỉ 5 phút di chuyển. Thời điểm đó, tôi ngộ ra rằng ảnh là người tốt, vậy tại sao lại để ảnh sống vô tình vô nghĩa với các con ảnh như vậy?
Sau này khi tôi chịu lùi lại một bước, đặt mình vào vị trí của người đàn ông, thì mới hiểu ảnh cũng có những nỗi khổ không nói ra được, không biết cách bày tỏ, cộng thêm tính hay suy diễn của người phụ nữ khiến cho mâu thuẫn luôn lớn mãi lên, đặc biệt là hai bên cùng không chịu ngồi lại để hiểu nhau.
Trong bất cứ mối quan hệ nào, có hiểu mới yêu thương nhau hơn. Và đến lúc này mới hiểu mình đã bỏ phí mất mười mấy năm không sử dụng “gia tài” yêu thương mà mình và phía bên kia đều rất giàu có.
Nói thì đơn giản chứ làm không hề dễ. Cuộc hôn nhân của tôi cũng chẳng khác nào một cuộc “hoà giải dân tộc” trong phạm vi gia đình. Ảnh có 2 đứa con với một người vợ đã ly hôn, hiện giờ đang sinh sống bên Đức, còn hai đứa con tôi đang du học ở Mỹ.
Quay lại với nhau từ năm 2010 nhưng phải đến 5 năm sau mới bắt đầu hoà hợp với nhau. Tôi đã phải mài bớt rất nhiều góc cạnh kiêu bạc của bản thân.
Nhà văn Trầm Hương tâm huyết với những nhân vật phụ nữ trong chiến tranh - Ảnh: Hoà Bình |
Từ khi quay lại với nhau cho đến giờ, chúng tôi đã trở thành những người bạn đời và bạn đường, đồng hành cùng nhau trên các chặng đường nuôi dậy con cái. Tôi luôn đánh giá việc này có tầm quan trọng đặc biệt của nó, vì chính các gia đình là tế bào của xã hội.
*Không cần đăng ký kết hôn, chị có cảm thấy mình đạt được tự do với người mình yêu thương?
Nhà văn Trầm Hương: - Thực sự, tôi cảm thấy không còn có nhu cầu cầm tờ giấy đăng ký kết hôn. Tôi nghĩ, suy cho cùng đấy cũng chỉ là tờ giấy. Một tờ giấy khó mà trở thành phương tiện trói buộc trái tim nếu hai người không còn thương yêu nhau. Tôi chỉ nghĩ, khi mình yêu một người nào đó, mình sẽ không bao giờ làm những điều khiến người ta phải buồn. Không cần đăng ký kết hôn nhưng vẫn vừa là bạn đời vừa là bạn đường, cả hai được làm những điều mình yêu thích, tôi nghĩ, đó chính là tự do.