Thông tin này được đưa ra trong kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 16/4.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế VCCI, năm 2014, 16,3% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 65,1% tuyển thêm lao động mới. Theo “nhiệt kế” DN, tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới đã tăng lên nhanh chóng (khoảng 50%).
Trong số các nhà đầu tư nước ngoài hiện có tại Việt Nam, 83% DN đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác khi cân nhắc địa điểm đầu tư, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư quốc gia.
Từ cảm nhận của 1.491 DN FDI đến từ 43 quốc gia, hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ DN FDI tập trung nhanh nhất, cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao và mức thuế hợp lý.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công (y tế, giáo dục). Đặc biệt, tăng cường nguồn lao động có tay nghề cao cũng như đơn giản hóa việc cấp giấy phép làm việc cho người lao động nước ngoài được coi là những yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư.
Dù thời gian chờ đợi để đi vào hoạt động đã giảm rất nhiều nhưng hầu hết DN cho biết họ vẫn chịu nhiều chi phí cho các gánh nặng quy định, chính sách khi phải tuân thủ các thủ tục cấp phép, thanh tra và thủ tục tại cảng….
Kết quả điều tra PCI 2014 đối với các DN FDI cho thấy, các loại chi phí không chính thức mà DN FDI phải chi trả trong năm 2014 đều cao hơn năm 2013. Nếu năm 2013, khoảng 32% DN cho biết tổng chi phí không chính thức của họ chiếm hơn 1% thu nhập mỗi năm, thì năm 2014 con số này đã tăng lên 38%. Quy mô chi trả chi phí không chính thức trung bình ở Việt Nam được điều tra PCI ghi nhận là cao nhất kể từ năm 2011.
Đơn cử, có 17,4% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi xin giấy phép đầu tư.
Có tới 31,4% DN phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu, tỷ lệ này tăng gần 3 lần so với năm 2013. Đối với chi phí không chính thức khi thực hiện dịch vụ ở cảng khi xuất, nhập khẩu, có 66,2% DN phải trả, cao hơn gần 10% so với năm 2013.
Chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở các khoản chi bôi trơn trực tiếp, mà còn gồm cả hiệu quả bị mất đi khi các nhà thầu không đủ năng lực được lựa chọn thay vì những nhà thầu có năng lực nhưng không hối lộ. Trong số này, 89% DN FDI được hỏi cho biết họ ít nhiều đều gặp bất lợi với tần suất khác nhau (trong đó 29% luôn luôn, 32% thường xuyên và 28% thỉnh thoảng). Kết quả này cho thấy, "văn hóa chi trả hoa hồng" trong ký kết hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao còn chất lượng thì kém.
Hà Nội là địa phương có tần suất tham nhũng trong quá trình đấu thầu các hợp đồng với cơ quan Nhà nước cao hơn đáng kể so với các địa phương khác. Hơn 50% nhà đầu tư ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... cũng cho biết họ phải chi trả tiền bôi trơn và chi hoa hồng để cạnh tranh có hợp đồng.
“Cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề chi phí không chính thức ngày càng có chiều hướng đáng lo ngại bất chấp những nỗ lực của Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. DN cho biết, tình trạng, tần suất chi trả phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng”- ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, trong số các địa phương thì Bình Dương nổi lên là tỉnh có tần suất yêu cầu trả chi phí “bôi trơn” thấp hơn. Tỷ lệ DN FDI ở Bình Dương (50%) cho biết, họ gặp bất lợi khi từ chối chi trả chi phí không chính thức thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước, khoảng 89%.
Theo Infonet