Phát triển nhà ở xã hội: Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy hình thức thuê mua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Về chính sách nhà ở xã hội, Thủ tướng cho rằng việc quan trọng bây giờ là nguồn lực, cần phải tháo gỡ cơ chế để đẩy mạnh hợp tác công tư. Cùng với đó, việc thuê mua cũng là hình thức cần nghiên cứu hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phiên trả lời chất vấn chiều 5/11.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phiên trả lời chất vấn chiều 5/11.

Trong phiên chất vấn chiều nay (5/11), ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) đặt vấn đề với Thủ tướng về chính sách nhà ở xã hội. Theo ĐB Luyến, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cử tri cả nước hết sức quan tâm, rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thì thiếu và các quy định hiện hành thì có nhiều điều kiện, mà người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng. Đại diện cử tri và nhân dân Điện Biên chất vấn Thủ tướng về chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trả lời trực diện vào nội dung hỏi, Thủ tướng cho rằng, điều quan trọng lúc này là nguồn lực, cần phải tháo gỡ cơ chế nguồn lực để đảm bảo có hợp tác công tư. Thủ tướng lấy ví dụ thực tế về một doanh nghiệp muốn mua nhà cho công nhân thuê lại và cho rằng hiện chính sách đang vướng về luật. Từ đó Thủ tướng cho rằng phải rà soát và điều chỉnh lại chính sách pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan để tháo gỡ nội dung này.

Thứ hai, nhà ở xã hội có 3 nội dung gồm: Mua, thuê và thuê mua. Hình thức thuê mua hiện nay chưa có. "Việc các nước đã làm nhưng Việt Nam chưa làm nhiều (...). Tôi nghĩ cũng phải nghiên cứu thêm về việc này để chúng ta vừa phải mua, ai có tiền thì phải mua ngay, ai không có tiền thì thuê mua. Quá trình thuê 10 năm, 20 năm người ta trả xong, đó gọi là thuê mua. Tôi nghĩ phương thức mình cũng phải tính toán lại thêm" - Thủ tướng nói.

Thứ ba, Thủ tướng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội cũng cần tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch. Việc quy định dự án nhà ở xã hội có 20% để phát triển nhà ở thương mại mang đến những bất cập, bất cập về hạ tầng, chính sách,... Do đó, cần nghiên cứu để có phương án khả thi hơn.

Trước đó, giải trình về chính sách cho nhà ở xã hội với các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, thiếu trầm trọng về nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và trung bình cũng như nhà ở cho công nhân. Cơ cấu nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý, chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường. Giá bất động sản liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân.

Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các bộ trưởng, trưởng ngành đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng cân bằng, tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển, xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tăng nguồn cung cho thị trường.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà xã hội, nhất là nhà xã hội cho thuê, thuê mua. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030./.