Phạt tám khách sạn tại Sa Pa hét giá trên trời

Xử phạt tám khách sạn (hạng ba sao) tại Sa Pa vì đăng thông tin trên hai trang mạng toàn cầu: agoda.com và booking.com với giá hàng chục triệu đồng/phòng/ngày đêm gây xôn xao dư luận.
Đội kiểm tra liên ngành xử phạt khách sạn không niêm yết giá ở Sa Pa
Đội kiểm tra liên ngành xử phạt khách sạn không niêm yết giá ở Sa Pa

Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) Trịnh Xuân Trường đã ký 8 quyết định xử phạt 8 khách sạn trên địa bàn đã đăng thông tin về giá phòng quá cao trên các trang mạng nước ngoài (agoda.com và booking.com), vi phạm quy định của pháp luật về quản lý giá, lệ phí; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Sa Pa. 

Cụ thể, sáu khách sạn gồm: Panorama Sa Pa, Elite Sa Pa, Sa Pa Lodge, Elysian Sa Pa, Eden Sa Pa, Nậm Cang Riverside Lodge của các hộ tư nhân bị xử phạt mức 12,5 triệu đồng/khách sạn.

Khách sạn Sunny Mountain view của Công ty Cường Hương do ông Trần Việt Cường (trú tại số 7A, đường Mường Hoa, thị trấn Sa Pa) làm đại diện; khách sạn Royan view Sa Pa của Công ty Hoàng Gia do ông Đinh Phương Tuấn (trú tại số nhà 034, phố Cầu Mây, thị trấn Sa Pa) làm đại diện, bị xử phạt mức 25 triệu đồng/khách sạn. Tổng cộng số tiền phạt là 125 triệu đồng.

Căn cứ để xử phạt là do các tổ chức, cá nhân nêu trên đã đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ, gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

Trước đó, tám khách sạn trên đã đăng thông tin trên hai trang mạng toàn cầu: agoda.com và booking.com với giá phòng quá cao (hàng chục triệu đồng/phòng/ngày đêm), gây xôn xao dư luận.

Theo giải trình của đại diện 8 khách sạn này với công an huyện Sa Pa, để thu hút khách đặt phòng, các khách sạn nói trên đã hợp đồng với hai trang mạng này theo quy định: Mỗi ngày, 8 khách sạn này phải mở bán hai phòng trên mỗi trang mạng nói trên, mọi liên hệ với hai trang mạng chỉ thông qua email.

Do dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, khách đặt phòng quá đông dẫn đến hết phòng, nên tám khách sạn này đã tự ý đăng giá phòng rất cao trên hai trang mạng này với mục đích để khách không đặt phòng nữa.

Sa Pa hiện có 180 cơ sở lưu trú, với khoảng 3.000 phòng, đáp ứng chỗ nghỉ cho khoảng 6.000 người. Cách kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 cả tháng, các khách sạn lớn, loại 3 sao trở lên ở  Sa Pa đã cơ bản kín hết phòng do các công ty kinh doanh lữ hành đã đặt tour từ trước.

Đến thời điểm này (29-4), tại Sa Pa không còn phòng cho du khách thuê nên không có hiện tượng chặt chém du khách.

Để giải quyết chỗ nghỉ cho khách vãng lai hoặc khách mới đến, UBND huyện Sa Pa phải huy động các trường học trên địa bàn làm chỗ nghỉ tạm cho du khách.

Cụ thể, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường tiểu học số 1 thị trấn Sa Pa và Trường tiểu học Kim Đồng được xếp gọn bàn ghế tại các phòng học, trải nệm, chăn, gối… để phục vụ du khách có nhu cầu, thu phí khoảng 40 nghìn đồng/người/ngày đêm. Ba trường học này có thể giải quyết chỗ nghỉ tạm cho khoảng 500 lượt khách. 

Theo Tuổi trẻ