Phát hiện mới của NASA về khí mê-tan – dấu hiệu của sự sống trên Sao Hỏa

VietTimes – NASA đã phát hiện ra lượng khí mê-tan cao hơn nhiều so với các phép đo được thực hiện trước đó trên bề mặt Sao Hỏa, tờ New York Times đưa tin vào hôm thứ Sáu (21/6).
Robot Curiosity làm việc trên bề mặt Sao Hỏa được chụp vào ngày 12.5.2019. Ảnh:TechCrunch
Robot Curiosity làm việc trên bề mặt Sao Hỏa được chụp vào ngày 12.5.2019. Ảnh:TechCrunch

Phát hiện này là kết quả của một phép đo do robot Curiosity của NASA kết hợp với những quan sát của các nhà nghiên cứu vào ngày 18/6 và được gửi về Trái đất vào ngày 21/6. Theo đó, rất có khả năng đã có sự sống của vi sinh vật dưới lòng Sao Hỏa.

Khí mê-tan rất quan trọng vì nó có thể là một chỉ số tham khảo cho thấy có sự sống của vi sinh vật. Nó là là một loại khí tự nhiên là sản phẩm phụ của các quá trình hữu cơ, giống như động vật tiêu hóa thức ăn hoặc con người xì hơi. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học xem xét rất kỹ lưỡng các bằng chứng liên quan đến khí mê-tan trên Sao Hỏa. Tuy nhiên, khí mê-tan cũng có thể được tạo ra bởi các quá trình phi sinh học như hoạt động địa chất.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra dấu vết của mê-tan trên Sao Hỏa, nhưng đây là hàm lượng cao nhất đo được từ trước tới nay.

Curiosity lần đầu tiên phát hiện ra khí mê-tan trên bề mặt sao Hỏa vào năm 2013 nhưng bằng chứng về khí này sau đó đã biến mất, khiến các nhà khoa học hoang mang. Sau đó tàu thăm dò sao Hỏa Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency - ESA) cũng phát hiện ra một luồng khí mê-tan.               

So với số liệu mà Curiosity “mang về” vào năm 2013 liên quan đến nồng độ mê-tan đo được là 7 phần tỉ trong bầu khí quyển thì số liệu mới nhất đo được trong tuần này là 21 phần tỉ, gấp hẳn 3 lần.

Con số này mới chỉ được các nhà khoa học gửi đến tờ NY Times vào hôm thứ Sáu. Đây mới chỉ là kết quả sơ bộ, kết quả chi tiết của những quan sát này dự kiến sẽ được NASA công bố vào tuần tới.

Theo Tech Crunch