Nhiều người đã biết rõ rằng các thị trường giao dịch Bitcoin bị thao túng bởi ít nhất là hai công ty tài chính lớn. “Bài báo này xác định và phân tích tác động của hoạt động kinh doanh đáng ngờ trên sàn giao dịch tiền ảo Mt.Gox, trong đó có khoảng 600.000 Bitcoin với trị giá 188 triệu USD đã bị gian lận”, bốn chuyên gia đã viết.
Trong cả hai giai đoạn, tỷ giá USD/ Bitcoin đã tăng trung bình 4% vào những ngày có giao dịch đáng ngờ, trong khi những ngày minh bạch thì lại có sự sụt giảm nhẹ. Dựa trên những phân tích nghiêm ngặt và kiểm tra chặt chẽ, bài viết của 4 tác giả cho thấy hoạt động kinh doanh đáng ngờ đã tạo ra sự tăng vọt về tỷ giá USD/ Bitcoin vào cuối năm 2013, khi giá trị của một đồng Bitcoin tăng từ 150 USD lên hơn 1.000 USD trong hai tháng.
Nhóm tác giả đã thấy rằng nhiều trường hợp thao túng giá xảy ra đơn giản chỉ vì thị trường cho các loại tiền mã hóa trong đó có Bitcoin những ngày đầu giao dịch là rất nhỏ bé. “Mặc dù có sự gia tăng nhanh về vốn hóa thị trường, như thị trường Bitcoin vào năm 2013 (giai đoạn đề cập trong bài báo), nhưng thị trường cho các loại tiền mã hóa rất nhỏ. Số lượng các loại tiền ảo đã tăng từ 80 loại năm 2013 lên 843 loại vào năm nay. Nhiều thị trường trong số này rất nhỏ và bị thao túng giá cả”, bài báo có đoạn viết.
Việc “lái” thị trường chủ yếu thông qua hai “con” bot Markus và Willy mà một “đội lái” nào đó đã tạo ra. Đây là hai chương trình giả mạo, tự động thực hiện các giao dịch Bitcoin. Chúng giả vờ thực hiện các giao dịch hợp lệ, thực ra là các giao dịch “ma” nhằm gian lận hàng triệu USD thông qua việc thao túng giá Bitcoin trên sàn Mt.Gox.
Thống kê cho thấy, khối lượng giao dịch trung bình trên các sàn giao dịch lớn đều cao hơn hẳn trong những ngày mà các “con” bot hoạt động. Các giao dịch không phải là bot tất nhiên sẽ mang lại lợi nhuận cho Mt.Gox vì sàn này thu phí giao dịch.
Nhưng có vẻ như bot Willy còn thực thi một nhiệm vụ khác. Một giả thuyết được đăng trên diễn đàn Reddit ngay sau thời điểm sàn Mt.Gox biến mất là hacker đã đánh cắp một số lượng lớn Bitcoin (khoảng 650 nghìn) của sàn Mt.Gox vào tháng 6/2011, và chủ sở hữu sàn này là Mark Karpales đã có những hành vi che giấu vụ việc trong nhiều năm.
Có một điểm mấu chốt ở đây là: nếu Bitcoin muốn được các chính phủ xem xét nghiêm túc thì đồng tiền này phải minh bạch, không nên dễ dàng bị các “đội lái” thao túng. Đặc điểm của tiền mã hóa là sự phi tập trung trong quản lý. Trước khi sự phi tập trung này có thể thay thế được các quy định về quản lý, thì vẫn còn nhiều việc phải làm để tiền mã hóa được công nhận nghiêm túc.
“Khi giới tài chính đầu tư vào tiền mã hóa và các quốc gia tiến thêm một bước tới việc công nhận Bitcoin là một hệ thống thanh toán (như Nhật Bản đã làm hồi tháng 4/2017) thì điều quan trọng là cần phải đánh giá được thị trường tiền mã hóa sẽ bị tổn thương như thế nào nếu bị thao túng. Bài báo của chúng tôi là bước đánh giá đầu tiên”, bốn tác giả kết luận.