Các nhà nghiên cứu mới đây đã tìm thấy những hang lớn hình chứ L của một loài sâu khổng lồ có chiều dài lên đến 2m. Loài vật này từng sống dưới đáy đại dương của Trái Đất vào khoảng hàng chục triệu năm về trước. Những hang động này được cho là dấu vết hóa thạch của loài sâu biển khổng lồ thời cổ đại.
Sinh vật mới được xác định này có thể là tổ tiên của loài Eunice aphroditois - một loài sâu săn mồi thường phục kích bằng cách tự chôn chân của mình dưới cát trước khi vồ con mồi. Đây là loài sinh vật thường xuyên được giới thiệu trên các kênh khoa học nổi tiếng như Discovery, BBC, và National Geographic.
Chúng thường vùi mình xuống lớp cát để phục kích con mồi (Ảnh: Daily Mail) |
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra những hang hóa thạch trên cho biết: "Những dấu vết hóa thạch được tìm thấy cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về hành vi của những loài sinh vật cổ đại này dưới đáy biển. Nhóm nghiên cứu đã tái tạo lại dấu vết hóa thạch bằng cách sử dụng 319 mẫu vật bảo quản trong các lớp đáy biển được hình thành trong kỷ nguyên Miocen trên khắp vùng đông bắc Đài Loan. Các dấu vết hóa thạch ở đây là các đặc điểm địa chất như hang, dấu vết di chuyển và các rễ cây được bảo tồn trong đá, cho phép các nhà nghiên cứu rút ra kết luận về hành vi của các loài sinh vật cổ đại".
Theo đó các hang chữ L của loài sâu săn mồi này có độ dài khoảng 2 m và có đường kính từ 2 đến 3 cm. Dựa trên phân tích về kích thước và hình dạng của hang cùng với những dấu hiệu của sự xáo trộn được ghi lại trong hồ sơ, có vẻ như đây là nơi sống của một số loài sâu cổ đại có khả năng ngoi lên từ đáy biển để săn mồi. Những phân tích sâu hơn cho thấy nồng độ sắt cao ở phần trên cùng của hang. Điều này chứng minh rằng loài sâu này đã xây lại hang sau khi săn mồi bằng cách tiết ra một loại chất nhầy để gia cố lại thành hang.
Cách loài sâu ăn thịt này săn mồi (Ảnh: Daily Mail) |
Các nhà nghiên cứu cho hay: "Chúng tôi đưa ra giải thuyết rằng khoảng 20 triệu năm trước, tại biên giới phía đông nam của lục địa Á-Âu, sâu cổ đại đã sống ở đáy biển để săn mồi. Khi con mồi đến gần, chúng sẽ bật ra khỏi hang, tóm và kéo con mồi xuống lớp cát. Con mồi sau khi bị bắt sẽ tìm cách trốn thoát khiến cho lớp trầm tích xung quanh lỗ hang bị xáo trộn".
Những phát hiện mới được cho là đã lấp đầy một khoảng trống trong kiến thức về cách các loài sinh vật này tồn tại và phát triển. Mặc dù các loài sâu săn mồi như sâu bobbit đã tồn tại từ đầu thời Cổ sinh, nhưng cơ thể của chúng được cấu thành chủ yếu từ các mô mềm vì vậy những hồ sơ hóa thạch về loài này là rất hiếm khiến chúng ta không có đủ thông tin để có thể biết rõ về loài sinh vật này.
Theo Daily Mail