Chiều 11/5, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2014, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt khoảng 863,52 nghìn tỷ đồng, tổng chi 1.087,52 nghìn tỷ đồng. Bội chi được đảm bảo trong phạm vi Quốc hội quyết định là 224 nghìn tỷ đồng. Năm 2014, các bộ, ngành, địa phương cũng thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo đúng quy định.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra.
Theo Báo cáo năm 2014, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng, từ chối thanh toán 90 tỷ đồng vốn đầu tư do một số chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng quy định.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị thu hồi về NSNN 51.583 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 188 cuộc kiểm toán với tổng số tiền kiến nghị xử lý về tài chính là 23.425 tỷ đồng.
Cũng trong chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua phương án phân bổ số vượt thu ngân sách Trung ương năm 2014. Qua đó, Chính phủ dành và chuyển nguồn sang năm 2015 về dự toán NSNN năm 2015, để thực hiện chính sách tiền lương 10.000 tỷ đồng; Thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương cho 3 địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) theo quy định của Luật NSNN 1.612,8 tỷ đồng...
Về khoản hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội và TPHCM (theo đề xuất là 4.153,4 tỷ đồng), Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị trong điều kiện khó khăn, cần dành thêm nguồn lực cho các dự án giao thông, thủy lợi. Do vậy, chỉ nên bố trí khoảng 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho hai thành phố trên.
Theo Tiền Phong