Phản biện Nghị định 53: Kiểm soát lương chưa hẳn tốt

Từ ngày 1-8-2016 cổ đông của nhiều công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước có lẽ không cần phải biểu quyết về mức thù lao cho những người giữ các chức vụ quản lý và là đại diện cho phần vốn của Nhà nước nữa. Nghị định 53 của Chính phủ mới ban hành đã khống chế mức lương của nhóm cán bộ quản lý này và nhìn chung mức lương tối đa họ có thể được nhận không cao.
Việc khống chế tiền lương bằng quyết định hành chính có thể dẫn đến một số hệ quả xấu cho công ty.. Ảnh minh họa Bizlive.vn
Việc khống chế tiền lương bằng quyết định hành chính có thể dẫn đến một số hệ quả xấu cho công ty.. Ảnh minh họa Bizlive.vn

Theo Nghị định 53, mức tiền lương, thù lao của người quản lý công ty kiêm đại diện phần vốn nhà nước không được quá 36 triệu đồng /tháng (mức cơ bản) đối với doanh nghiệp có lợi nhuận kế hoạch dưới 50 tỉ đồng/năm. Mức thù lao này sẽ được điều chỉnh theo các khung lợi nhuận, nhưng không quá 3,5 lần so với mức cơ bản đối với các công ty có lợi nhuận từ 700 tỉ đồng; 1.000 tỉ đồng; hoặc 1.500 tỉ đồng trở lên tùy theo lĩnh vực hoạt động. Trường hợp đạt lợi nhuận vượt trội so với mức trên thì có thể được hưởng thêm tối đa 10%.

Đối với những người quản lý không phải người đại diện vốn nhà nước, Nghị định 53 không đưa ra mức lương trần nhưng vẫn phải “bảo đảm cân đối hợp lý” với tiền lương của người đại diện phần vốn nhà nước.

Thoạt nhìn thì Nghị định 53 tạo ra sự công bằng về lương so với cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hiện được điều chỉnh theo Nghị định 51 ban hành vào năm 2013. Tuy nhiên, việc kiểm soát như vậy rất có thể sẽ phương hại đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khi những người nắm các vị trí chủ chốt cảm thấy họ không được trả lương tương xứng.

Mức lương theo Nghị định 53 áp dụng với người quản lý đồng thời là đại diện phần vốn của Nhà nước không cao, thậm chí có thể nói là thấp nếu so với tiền lương của người quản lý ở các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lợi nhuận tương đương. Thêm nữa, do phải “bảo đảm cân đối hợp lý” với lương của người đại diện vốn nhà nước, nên có thể hiểu mức lương của những người quản lý khác trong doanh nghiệp cũng bị giới hạn.

Thành bại của một doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực và động lực của những người quản lý và tiền lương là một yếu tố rất quan trọng để tạo ra động lực. Việc khống chế tiền lương như vậy có thể dẫn đến một số hệ quả xấu cho công ty.

Trước hết doanh nghiệp sẽ khó giữ chân được những người quản lý tài năng. Thứ đến, việc trả lương theo lợi nhuận hàng năm sẽ thúc đẩy những người đại diện phần vốn nhà nước giữ các vị trí quản lý chủ chốt trong công ty bỏ qua các mục tiêu phát triển dài hạn để cố gắng duy trì mức lợi nhuận trong nhiệm kỳ của mình.

Nguy hiểm hơn, việc kiểm soát tiền lương theo kiểu hành chính như vậy có thể góp thêm động lực cho những người quản lý chủ chốt của công ty làm những chuyện không minh bạch có lợi cho bản thân và nhóm lợi ích của mình nhưng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, như đã từng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác.

Tóm lại, Nhà nước không nên can thiệp sâu vào vấn đề tiền lương của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Hãy để cho chính cổ đông của các doanh nghiệp này quyết định, vì họ là người biết rõ hơn Nhà nước mức lương nào những người quản lý công ty xứng đáng được nhận. Vấn đề còn lại Nhà nước cần làm, đó là kiểm soát việc những người quản lý được giao làm đại diện phần vốn nhà nước dùng quyền đó để biểu quyết những chính sách, chủ trương... không vì lợi ích của doanh nghiệp hay lợi ích của Nhà nước, mà chỉ nhằm trục lợi cho cá nhân.

Theo TBKTSG