Tôi đến Donetsk, Ukraina, gần dịp 1.5.1979, gặp người bạn học phổ thông là Vũ Thanh Tâm, nickname là Tâm Điên vì cậu có tính “điên” khi nghiên cứu bất cứ thứ gì, đến giờ cũng vậy. Hai người bạn đi cùng tôi từ Moskva là Đào Việt Dũng, nickname là Dũng Tần; và Nguyễn Tấn Trung nickname là Trung Ho vì ho suốt ngày, mùa hè cũng phải quấn cái khăn quanh cổ, cũng có bạn ở Donetsk.
Các bạn tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Buổi sáng, có một bạn thường xuyên bỏ học ở nhà chơi với bọn tôi. Thường là Tâm Điên, mà lý do thì sau này chúng tôi mới hiểu.
Buổi chiều chúng tôi thường được dẫn đi xem đá bóng giữa Trường Đại học Kỹ thuật (trường Tâm Điên học) và Trường Đại học Tổng hợp (nơi có ông chú tôi là Hoàng Dương Tùng, con trai cả của cố giáo sư Hoàng Tụy, học trên 2 lớp).
Buổi tối, bọn Tâm Điên lại dẫn bọn tôi đi chơi phố phường, nhất là dẫn bọn tôi thưởng thức món cocktail rất ngon của thành phố. Thỉnh thoảng, họ lại đưa bọn tôi đi ngắm nhìn các anh lớn đánh poker, và nghe họ kể chuyện về Donetsk và đời sinh viên.
Đáng nhớ nhất là ngày 1.5. Cả thành phố bừng tỉnh và đón chào Ngày Quốc tế Lao động từ sớm. Những đường phố đều trưng cờ hoa, trên ban công là những ông già bà lão phất cờ hoa đón chào đoàn diễu hành đang đi ngang qua. Chúng tôi hòa với đoàn diễu hành.
Cuối buổi diễu hành, một nhóm các cô bé học sinh phổ thông, tập trung trước ký túc xá của các bạn tôi, nhảy theo nhịp nhạc ABBA, SMOKIE hay BACCARA… phát từ một căn phòng trên tầng 2 khu ký túc xá. Một cơn gió trêu đùa tốc những chiếc váy ngắn của các cô bé lên, nhưng các cô vẫn vô tư nhảy, chỉ khẽ gạt tay hạ váy xuống.
Đó là hình ảnh tôi rất nhớ trong chuyến đi Liên Xô ngắn ngủi, có gần 2 năm. Tôi bị đuổi học khoảng 6 tháng sau khi đi chơi Donetsk, do bỏ thi phải thi lại, và thi lại muộn so với lịch đã hứa với người phụ trách khoa ngoại quốc.
Tác giả và Quang Hói chụp tại Công viên Donetsk đầu tháng 5.1979. Courtesy of Nguyễn Thiều Quang. |
Ba chàng trai Trường Kỹ thuật Donetsk
Tâm Điên sang học muộn hơn bọn tôi một tuần. Theo cậu ấy kể, vì đùa dai, tâng bóng qua đầu ông bảo vệ của Trường Phổ thông Võ Thị Sáu, nơi gia đình cậu ở, và gây lộn với ông, mà cậu suýt không được đi nước ngoài học.
Đến trường, được phân vào đúng lớp có Nguyễn Thiều Quang và Phan Văn Đoàn học, Tâm Điên lại phát hiện ra một vụ còn kinh hoàng hơn vụ “đánh ông bảo vệ” của cậu. Đó là trong thời gian chờ đi nước ngoài, nhà cậu bị hứng hàng xô “củ đậu bay”, bao nhiêu đồ điện trong nhà như TV, tủ lạnh và bóng đèn đều hỏng hết.
Hóa ra, thủ phạm vụ “củ đậu bay” chính là cậu bạn Nguyễn Thiều Quang. Quang Hói, nickname của Thiều Quang, có người bạn thân học Trường Nguyễn Trãi, nghịch ngợm, bị bố của Tâm Điên là Hiệu phó kỷ luật. Cậu này đến mách “sư ca” Quang Hói, vốn là “lính” quân khu Lý Nam Đế, suốt ngày đánh nhau, và cậu này được "sư ca" bảo chở xe đạp đến nhà Tâm Điên, khi đi không quên một đống “củ đậu bay”.
Quang Hói cười cười bảo Tâm Điên: “Thôi thế là hòa, chứ cậu không ăn đống “củ đậu bay” đó, có khi nhà ông bảo vệ không để cậu yên đâu. Cậu sẽ không được đi Liên Xô, tớ tin vậy!”
Tâm Điên cũng đành cười trước vẻ hóm hỉnh của anh bạn mới quen. Họ nhanh chóng trở thành bạn thân.
Tâm Điên, học cùng lớp phổ thông với tôi, học rất giỏi toán. Đặc biệt, cậu có trí nhớ tuyệt vời, có thể đọc ngược một đoạn dài “học thuộc lòng” mà thầy cô giao cho bọn tôi.
Đến khi thi đại học, cậu thi vào môn Toán Công trình, Đại học Bách khoa, nặng về lý thuyết. Ở Moskva chúng tôi cũng nghe tin rằng Tâm Điên trong giờ học vẫn ham giải toán, không chú ý xem thầy giảng những gì, đến khi giáo sư gọi lên, vác ngay bài toán khó ra hỏi. Giáo sư từ đó cạch Tâm Điên ra, muốn làm gì trong lớp thì làm.
Hết năm thứ nhất, Tâm Điên phải học rất nhiều những môn thực hành, đâm ra chán học. Cậu ta lại có cách hành xử riêng.
Quang Hói kể, thầy giáo trên lớp cũng để ý sinh viên Việt Nam lắm, nên cả ba người phải có ít nhất hai người xuất hiện, không thì sẽ bị điểm danh. Tâm Điên biết thế, nên hôm nào cũng dậy sớm, đánh thức từng người.
Ra đến bến xe buýt, thường lúc đi học xe rất chật, Tâm Điên dùng sức đẩy Đoàn và Quang Hói lên xe. Đến khi hai người quay lại định kéo Tâm Điên lên, cậu ta giơ tay chào, rồi về.
Đến khi anh em tan học về, mở cửa phòng thấy Tâm Điên đang ngồi đọc sách, “mắt trắng dã, môi đen sì’, miệng cười tươi, Tâm Điên đang học đánh cờ Vua. Tâm Điên học đánh rất nhanh, chẳng mấy chốc đã thắng hết anh em trong đơn vị, rồi thắng tiếp các bạn Tây cùng “ốp” (cùng bloc). Tâm Điên rất tự hào về thành tích của mình, tính bỏ học theo cờ.
Có một lần, có cậu bạn Tây rủ sang “ốp” gần đó đánh cờ với cao thủ sinh viên bên đó. Anh sinh viên Tây này hỏi Tâm Điên đánh cờ cấp thứ mấy, Tâm Điên ớ người ra. Cậu ta tự học đánh cờ, làm gì biết là học bài bản họ phân cấp đàng hoàng. Mấy ván cờ kết thúc nhanh chóng với phần thua thuộc về Tâm Điên.
Tâm Điên biết thế giới cờ Vua rất bao la, chắc cậu ta có học cả đời cũng chả có cơ hội “lấy được Ái Vân” (cô nghệ sĩ xinh đẹp và tài năng lúc đó mà chúng tôi hay dùng để nói về những chuyện không tưởng). Cậu ta lại quay sang học về điện tử, điện lạnh, lại những chồng sách tướng mượn thư viện mang về.
(Sau này, khi năm thứ ba về nước học tiếp ở Trường Mỏ - Địa chất, và đi làm, Dũng Tần, bạn rất thân của Tâm Điên, người chứng kiến mối tình thơ mộng tan vỡ giữa cậu ta và cô thợ dệt xinh đẹp ở Donetsk, đã khuyên Tâm Điên thấy con gái nhà ai xinh mà thích thì cứ đến: trước sửa tủ lạnh, sau đó tán.
Tâm Điên cứ theo kế của Dũng Tần mà tiến hành. Nhưng Tâm Điên có tật là say mê mọi thứ mình tìm hiểu, cho nên đến khi tủ lạnh chữa xong, cậu ta quên luôn cô gái cậu định tán.
Mấy chục cái tủ lạnh Tâm Điên đã chữa, theo lời Dũng Tần, mà cậu ta vẫn lẻ bóng. Cô vợ của Tâm Điên bây giờ thì lại hoàn toàn do một cơ duyên khác.)
Tâm Điên về sớm trước thời hạn, học hành rất tử tế ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, bởi vì Tâm Điên cũng chín chắn lên, lại có cái bóng của ông bố dạy học choán lên, chứ không còn như lúc ở Liên Xô lần đầu tiên được tự do, thích gì làm nấy.
Tâm Điên tiếp tục đi làm tiến sĩ về kỹ thuật tài nguyên nước, và làm chuyên ngành đó cho đến bây giờ. Tâm Điên cũng ham mê viết các bài báo khoa học quốc tế, hiện đã viết được 12 bài báo đạt tiêu chuẩn ISI/Scopus, và dự định sẽ viết 20 bài theo chuẩn này rồi mới nghỉ ngơi hoàn toàn.
Tâm Điên từ bao năm nay rất thích phượt, hầu như cuối tuần là phượt. Cách phượt của cậu ta cũng khác người – phượt một mình, và dùng 2 phương tiện là xe ô tô và xe đạp.
Vũ Thanh Tâm, Phan Văn Đoàn và Nguyễn Thiều Quang từ trái sang. Courtesy of Vũ Thanh Tâm. |
Phan Văn Đoàn thi đại học ngành xây dựng. Nhưng như Đoàn tự nhận xét, anh tính rất cặm cụi học, nên phân môn gì cũng học, và học rất giỏi. Học giỏi đến mức sau khi tốt nghiệp được phân công ở lại học tiếp phó tiến sĩ (sau này đổi thành tiến sĩ).
Năm 1986, Đoàn bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ, rồi về nước, dạy ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Tại đó, Đoàn làm chuyên môn rất tốt, được giải thưởng quốc gia do áp dụng công nghệ mới cho ngành than.
Nhưng thói đời bạc đãi, 50% người trong bộ môn đố kỵ với thành tích của Đoàn, cộng với đồng lương giáo viên không đủ sống, Đoàn đành dứt áo ra đi năm 1992. Sang bên Ukraina, Đoàn “đánh” sắt thép về bán trong nước, và bán rất có lời, nổi tiếng toàn Ukraina.
Hết sắt thép, Đoàn lại đến Kiev làm đại lý cho Fujifilm cùng Quang Hói và một người bạn nữa. Công việc đang ổn định và sẽ phát to nếu như không có một biến cố xảy ra trong đời Đoàn.
Năm 1998, cùng một người bạn sang Mỹ chơi, thấy dân Mỹ chơi chứng khoán, thế là Đoàn bập vào. Trong 6 tháng đầu, Đoàn chơi rất khá, tăng vọt tiền luôn tới 2 triệu USD từ 50 ngàn USD.
Nghĩ mình đã thành tài rồi, Đoàn quyết định chơi lớn, dự định khi tích lũy khoảng 10 triệu USD thì nghỉ, quay trở về làm khoa học. Ai ngờ, bong bóng dot.com vỡ đầu năm 2000, Đoàn lại cố gỡ, nhưng càng gỡ càng thua.
Năm 2006, Đoàn còn làm thuê cho Phạm Nhật Vượng ở Kharkov một năm. Sự kiện Phạm Nhật Vượng lên sàn TP HCM thành công có công hối thúc rất lớn của Đoàn.
Năm 2007, Đoàn về nước, xin vào làm cho Tập đoàn Dầu khí, phụ trách nhập khẩu than cho các nhà máy điện của họ. Hồi đó, Chính phủ giao cho Petro Vietnam đầu tư vào một số nhà máy nhiệt điện than, do EVN không còn sức làm.
“Tớ được cái việc gì cũng làm được, cái gì không biết thì lôi sách ra đọc”, Đoàn cười.
Trong thời gian làm ở Công ty Nhập khẩu Than, Đoàn đã nghĩ ra công nghệ mới, làm lợi cho nhà nước cả tỉ USD. Cuối năm nay Đoàn về hưu.
Phan Văn Đoàn, Nguyễn Thiều Quang và Vũ Thanh Tâm, số 1, số 2 và số 4 từ trái sang. Courtesy of Vũ Thanh Tâm. |
Nguyễn Thiều Quang, biệt danh Quang Hói, chàng ngự lâm pháo thủ cuối cùng ở Trường Đại học Kỹ thuật Donetsk, vốn thi Trường Kiến trúc Hà Nội. Quang Hói là con trai cả của cố nhà văn Quân đội Xuân Thiều, giống bố nên càng già càng hói.
Quang Hói, trừ câu chuyện với Tâm Điên tôi đã kể ở trên, là một người rất dễ chịu, tốt tính, và có khả năng ngoại giao rất giỏi. Gần Quang Hói, không người nào có thể giận anh được.
Đoàn kể rằng Quang Hói cái gì cũng giỏi, lại bộc lộ khả năng làm thủ lĩnh. Thảo nào giọng anh chầm chậm, nói chuyện gì cũng có đầu đuôi, vậy mà sao bọn tôi vẫn kiên nhẫn ngồi nghe hết chuyện.
Đoàn bảo vì không thích môn chuyên môn, nên Quang Hói khi nào chuẩn bị thi mới học, và học cốt cho qua kỳ thi. Tất nhiên, Quang Hói nhờ quyết tâm một phần, phần còn lại cũng nhờ sự giúp đỡ, kèm cặp của Đoàn nữa.
Đoàn kể, hồi đi học, Quang Hói rất thông minh trong việc nhìn nhận các vấn đề xã hội. Đặc biệt, Quang Hói rất mê vẽ, và vẽ rất đẹp. “Đây là lý do Quang Hói về sau này, khi trở thành Phó Chủ tịch Techcombank giàu có, đã đầu tư tiền mua tranh trở lại để trở thành nhà đầu tư tranh hàng đầu Việt Nam”, Đoàn nêu rõ.
Đến chuyện lấy vợ, Quang Hói cũng đi đầu trong mấy anh em. Khi các cô công nhân nữ xinh đẹp sang làm công nhân dệt bên Donetsk, Quang Hói cũng là người đầu tiên đến tán. Quang Hói đàn hay, hát giỏi, lại kiêm tính “lỳ đòn” nữa, Đoàn nói, nên các cô nhanh chóng “đổ” là đúng.
Quang Hói đã chọn cô phù hợp nhất với mình cưới làm vợ, và Nguyệt, tên cô gái, hiện nay trở thành người sưu tập tranh chung với chồng. Hôm tôi đến nhà chơi, thấy hai mẹ con cô tranh luận sôi nổi về tranh.
Cả 5 năm học của Quang Hói, cậu ta đã mắc một lỗi rất lớn, mà với chỉ 1/3 cái lỗi ấy bản thân tôi phải xách va li về nước. Cậu ấy ba lần được phong “Anh hùng Liên Xô”, tên lóng của chúng tôi gọi việc bị “Cảnh cáo toàn Liên Bang”.
Đoàn bảo Quang Hói chỉ mải đi chơi thôi, chứ không dính dáng đến “gái Tây” hoặc qua Đông Âu buôn lậu gì cả. Nhưng mỗi lần đi chơi, Quang Hói đi cho đã.
Ví dụ, mùa đông năm 1979, mới năm thứ 2, Quang Hói đã lên Mockva chơi, về muộn tận 3 tuần, và được phong “Anh hùng” lần đầu.
“Sở dĩ trường tớ anh em vẫn ngon lành, không như cậu, là vì năm 1979 đó anh em chúng tớ làm “đảo chính”, thay toàn bộ anh em tử tế lên làm lãnh đạo đơn vị”, Đoàn tiết lộ với tôi.
Nhưng chuyện làm sao Quang Hói lại đi xin việc được mới là câu chuyện lý thú, nhưng thôi, để phần sau tôi kể. Phần cuối bài này, tôi xin được kể tại sao tôi phải nghĩ ra tựa đề “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”.
Phan Văn Đoàn và Nguyễn Thiều Quang hội lớp năm ngoái. Courtesy of Phan Văn Đoàn. |
Vì câu chuyện có liên quan tới Quang Hói…
Tháng 8 năm 2020, trong lần đi Sài gòn lần thứ 2, nhân gặp lại cô học trò cũ Quỳnh Vân, tôi mới bảo với cô: “Này, lần này thầy định phỏng vấn anh Quang Hói, em liên hệ cho thầy nhé?”
Quang Hói là anh họ, con chú con bác, của Quỳnh Vân, và hiện cô cũng phụ trách hành chính trong ngân hàng của ông anh. Quang Hói, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank, như tôi đã giới thiệu, là bạn cũ của tôi từ thời lưu học sinh.
Quỳnh Vân liếc nhìn thầy giáo cũ, hơi nheo mắt cười: “Thầy biết anh Quang nhà em bây giờ là ai không mà đòi phỏng vấn? Nhà sưu tầm tranh số 1 Việt Nam, và em nghĩ đơn xin phỏng vấn đang chờ phải dầy hàng tập ấy.”
Lần cuối cùng tôi gặp Quang Hói cũng cách đây 15 năm. Tôi lúc đó đang làm cho Báo Nikkei, lại vừa viết một bài có tiếng vang cho Nhịp Cầu Đầu Tư về "chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển, đang nổi tiếng vì vụ Thi Hoa hậu với cô Á Hậu Trịnh Chân Trân xinh đẹp và tài năng, sau đó về làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh. Ông còn đón nguyên Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, và những nhà đầu tư Mỹ theo ông vào Việt Nam...
Lúc đó, Quang Hói đã giới thiệu tôi cho Nguyễn Đăng Quang, nhà đầu tư có cổ phần lớn nhất trong Techcombank, để phỏng vấn. (Tôi cũng có vài chuyện muốn kể về Nguyễn Đăng Quang, hiện là Phó Chủ tịch Techcombank và Chủ tịch Tập đoàn Masan. Nhưng đó là chuyện của phần sau.)
Còn bây giờ, tôi là phóng viên vừa nghỉ hưu, đang cố gắng hồi phục sau cơn tai biến nặng. Theo như Quỳnh Vân nói, chắc khó lắm đây?
Nhưng tôi là người quyết không chịu lùi bước, trước khi người ta nói thẳng vào mặt tôi là không đồng ý. Trong chuyến đi ấy, tôi cũng có dịp gặp Quang Hói, và ngỏ lời phỏng vấn.
Quang Hói cười cười nói với tôi “có chuyện gì đâu mà nói”, và lảng qua chuyện khác. Một lời từ chối khéo léo của một người bạn cũ, tôi chợt nghĩ.
Nhưng lần ra Hà Nội tiếp theo để đi du lịch trải nghiệm ở Tây Bắc, Quang Hói lại mời tôi đến dự bữa ăn chung của cả nhóm. Tôi tranh thủ lúc ra hút thuốc thử ướm hỏi chuyện Quang Hói, và lần này Quang Hói trả lời rất thoải mái. Mấy lần Quang Hói mời đến dự bữa tối, hôm thì ở quán, hôm thì ở nhà cũ Lý Nam Đế, khi ra ngoài hút thuốc, tôi cũng hỏi được khối thứ.
1-2 tháng sau, Nguyễn Danh Lam, một doanh nhân và bạn lưu học sinh 77-78 cùng chúng tôi, sau buổi đá bóng mà tôi là người chụp ảnh và thỉnh thoảng tường thuật trên FB, nói với tôi: “Ngọc định viết tiểu sử về Nguyễn Thiều Quang hả?”
Thôi chết rồi, Quang Hói đã đồng ý, và nói với Danh Lam, khi Danh Lam vào Sài Gòn đánh golf với cậu ấy. Tôi nhỏ nhẹ bảo Danh Lam: “Mình viết chân dung thôi, chứ nói tiểu sử nghe nó to quá, cứ như viết về người đã khuất ấy.”
Cả hai phá lên cười!
Tôi còn phỏng vấn Phan Văn Đoàn về Quang Hói nữa. Và tôi nhớ nhất câu nói của Đoàn về bộ ba đó: “Chúng tớ đều rất thông minh, có cá tính, và đặc biệt có chí tiến thủ, theo cách khác nhau. Vì vậy, về cuối đời, chúng tớ thành công cả về vật chất, tuy ở mức độ khác nhau, và tinh thần là điều dễ hiểu.”
Riêng tôi yên tâm lần tới vào Sài Gòn có thể thoải mái phỏng vấn Quang Hói. Ít nhất cũng để trả lời cho cô học trò cũ của tôi là thầy cũ cũng không đến nỗi vô dụng lắm, với tư cách phóng viên…
Cô học sinh cũ Quỳnh Vân vẫn nghi ngờ ông thầy cũ của mình về khả năng thuyết phục ông anh họ Nguyễn Thiều Quang. Photo courtesy of Huỳnh Phan. |