Dù đồng tình với việc cần phải cởi mở hơn trong quy định để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh quan điểm cần phải quy định rõ, đầy đủ để không để lọt tội phạm và tạo kẻ hở cho những kẻ có tiền chạy án.
Với quan điểm cởi mở, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT)Bùi Quang Vinh, cho rằng tội cố ý làm trái quy định quản lý về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. “Tội này cần phải bỏ mà hiện nay trong dự thảo đã bỏ rồi nhưng cũng có nhiều ý kiến nói không nên bỏ. Tôi đề nghị phải bỏ. Tôi ủng hộ việc này”.
Đừng để doanh nghiệp nản lòng
Đóng góp vào Bộ Luật Hình sự sửa đổi, đại biểu Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đoàn Lai Châu, đánh giá Quốc hội đang rất cố gắng sửa đổi các bộ luật và thể hiện tinh thần Hiến pháp sửa đổi năm 2013 là đảm bảo tốt hơn quyền tự do công dân, quyền con người và quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Vinh cho biết trong lĩnh vực kinh tế, điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì vậy theo nguyên tắc thông lệ của quốc tế là không hình sự hóa các quan hệ dân sự.
“Đây là những vấn đề đã nói nhiều nhưng vẫn là những rào cản và làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư kinh doanh, hàng trăm nghìn doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng nếu quy định không rõ ràng, vì kinh doanh chỉ sơ xẩy là bị tội hình sự”, Bộ trưởng Vinh bình luận.
Theo Bộ trưởng Vinh, một đất nước đang chuyển đổi như Việt Nam thì không phải mọi thứ đều rõ ràng được, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Mục tiêu của những sai phạm kinh tế là thu lợi nhuận bất chính, không đúng các quy tắc quy định, vì mục tiêu là tiền.
“Vì thế phải có giải pháp để xử lý cho đúng bằng các biện pháp kinh tế nhằm mục tiêu thu hồi lợi nhuận phi pháp, thậm chí phạt nặng hơn để ngăn chặn hành vi trong tương lai; trừ những trường hợp đặc biệt gây ra hậu quả ở mức cần thiết thì truy tố hình sự”, Bộ trưởng Vinh phân tích.
Bộ trưởng Vinh cho rằng, trong nhiều trường hợp xử lý hình sự chưa chắc đã tốt, vì không thu hồi lại được khoản tiền phi pháp kia, không thu hồi được tài sản bị thất thoát.
“Nếu để cho tội phạm này được sống thì tài sản được thu hồi, thậm chí có những trường hợp sai phạm được miễn xử phạt, ngoài khoản tiền đền bù họ còn phát triển kinh tế rất tốt và trở thành anh hùng”, Bộ trưởng Vinh bình luận.
Bởi vậy, Bộ trưởng Vinh cho rằng trong nền kinh tế chuyển đổi thì cố gắng hạn chế hình sự hóa, cần xử lý bằng các biện pháp kinh tế và thu hồi lại những khoản tiền cho Nhà nước, tạo ra động lực cho đất nước phát triển. Đây là vận mệnh của đất nước.
“Trong nền kinh tế chuyển đổi thì việc hình sự hóa mà tội danh không rõ ràng sẽ là rào cản, cản trở sự phát triển kinh tế. Khi làm Luật, phải đảm bảo lợi ích cho số đông, một số vi phạm thì phải có chế tài xử lý riêng biệt, không phải vì một số ít vi phạm mà đưa ra Luật phổ cập để áp dụng đối với tất cả mọi người…”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nếu nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với xã hội. Nhiều tội phạm kinh tế đã gây thiệt hại cho nền kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, môi trường.
Doanh nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng không thể xử phạt?
Đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn TP.HCM, nêu lên những hành động thực tế của nhiều doanh nghiệp đã gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường như gây ô nhiệm môi trường gây bức xúc ở Việt Nam như Vedan, Nicotex.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn TP.HCM
Hay như tội phá hủy công trình. Cách đây 15 năm ở Hòa Bình một đối tượng phá hủy một cột điện 500 kv làm mất rất nhiều tỷ đồng, tê liệt sản xuất phải tử hình. Những vấn đề đó rất quan trọng.
“Cá nhân tôi ủng hộ việc truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân, pháp nhân ở đây là pháp nhân kinh tế hoạt động vì lợi nhuận. Nói cụ thể đó chính là các doanh nghiệp kinh tế. Vì sao phải truy cứu trách nhiệm pháp nhân? Có thể nói có tới 119 quốc gia đã làm, trong khu vực có 6 nước, người ta thấy mọi hoạt động của pháp nhân thông qua hành vi của các cá nhân”, đại biểu Đương nên quan điểm.
Theo đại biểu Đương, các nước quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình, doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm luật thì bị xử lý hình sự. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vi phạm luật lại xử lý hành chính?
Đại biểu Đương cho rằng khi ta đã truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thì con đường chứng minh lỗi và chứng minh thiệt hại của pháp nhân bằng con đường tố tụng tư pháp, sẽ chặt chẽ, cứng rắn, bài bản, có điều kiện hơn và như thế mới quy được trách nhiệm cụ thể của pháp nhân, buộc pháp nhân phải thay đổi cách xử xự.
“Nếu không muốn mất uy tín trong thương trường thì anh phải thay đổi cách xử sự, không được gây ô nhiễm môi trường, không được trốn thuế, không được sản xuất hàng giả, không được làm những điều gây hại cho xã hội, điều đó là quan trọng”, đại biểu Đương phân tích.
Làm rõ thêm ý của đại biểu Đương, đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TP.HCM, lấy trường hợp Vedan làm ví dụ. Đại biểu Lịch phân tích đằng sau của hành động xả thải ra môi trường là gì? Của một tập thể hay của một cá nhân.
“Thực tế, hành động phạm tội này không đơn thuần là của một tập thể mà phải có người chỉ huy. Chúng ta cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu doanh nghiệp về sai phạm đó”, đại biểu Lịch nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính, đoàn Phú Thọ, đồng tình với ý kiến phân tích của đại biểu Đỗ Văn Đương. “Tôi cho rằng việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì không phải vấn đề mới hoàn toàn đối với pháp luật Việt Nam. Chúng ta biết, trong trách nhiệm hình sự pháp nhân thì một nội dung quan trọng là trách nhiệm của những thành viên đại diện pháp nhân”, đại biểu Khánh phân tích.
Theo đại biểu Khánh, với tư cách là đồng phạm trong phạm tội có tổ chức, cho nên vấn đề bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân ở đây đặt ra là chỉ có 2 điểm mới. Đó là chúng ta đưa trách nhiệm về mặt hành chính và mặt kinh tế, vốn được quy định các luật chuyên ngành nâng lên thành trách nhiệm hình sự đặt trọng luật hình sự.
Theo Bizlive