Phá trận cấm vận Mỹ, Nga rủ Đức “cùng hội cùng thuyền”

VietTimes -- Hiện nay, Đức là quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế và chính trị ở Châu Âu, một khi quan hệ Đức-Nga được cải thiện thì cảnh cửa sang châu lục này sẽ một lần nữa mở ra đối với nước Nga. Trong bối cảnh cả Nga và Đức đều chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ...
Ông Putin vừa có chuyến thăm Đức và hội đàm với Thủ tướng Merkel
Ông Putin vừa có chuyến thăm Đức và hội đàm với Thủ tướng Merkel

Ngày 18/8/2018,Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel kết thúc thành công cuộc đối thoại tại cung điện Schloss Meseberg ở Berlin. Người phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài 3 giờ đã đạt được nhận thức chung về nhiều vấn đề quan hệ song phương cũng như quốc tế nhưng không có ý định ký kết các thỏa thuận cụ thể.   

Những kết quả tích cực đạt được

Vì không phải là chuyến thăm chính thức tới Đức nên sau cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel không có tuyên bố chung, cũng không có ký kết các văn kiện, nhưng những gì mà hai bên đạt được nhận thức chung đã mở ra triển vọng cho một giai đoạn mới trong quan hệ song phương cũng như quan hệ Nga-Liên minh châu Âu (EU). Nhận thức chung đó xoay quanh 5 vấn đề.

(1) Quan hệ song phương giữa Nga và Đức vẫn có những diễn biến và kết quả tích cực trong bối cảnh Mỹ và một số nước Phương Tây tiếp tục cấm vận Nga, trong đó năm 2017 tăng trưởng thương mại giữa hai nước đạt 23% và trong năm 2018 có thể vẫn tiếp tục tăng.

(2) Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel thống nhất nhận định rằng dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn và hai bên mong muốn sớm hoàn thành dự án này. Hai bên cho rằng mọi nỗ lực nhằm chính trị hóa “Dòng chảy Phương Bắc- 2” là sai lầm, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc Đức là “tù nhân” của nước Nga bởi lập luận Đức nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga-nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trong EU. Vì thế, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng trong bối cảnh Mỹ áp đặt cấm vận đối với các công ty tham gia dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2”, Nga và Đức cần phải nỗ lực bảo vệ dự án thế kỷ này trước sự công kích từ bên thứ ba (ám chỉ Mỹ).

(3) Hai bên nhất trí quan điểm cho rằng giải pháp duy nhất để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine là Thỏa thuận Minsk-2 và bày tỏ sự lo ngại trước những khó khăn đang cản trở việc thực hiện thỏa thuận này. Đặc biệt là khả năng kéo dài thời hạn hiệu lực của Đạo luật công nhận quy chế đặc biệt của vùng Donbass-một nội dung then chốt của Thỏa thuận Minsk-2.

(4) Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về cách thức duy trì hiệu lực của Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran được biết đến với tên gọi “Kế hoạch hành động chung toàn diện”-JCPOA. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để duy trì JCPOA.

(5) Berlin nhận thấy cần phải hợp tác với Matxcơva để tìm kiếm giải pháp hòa bình và ổn định tình hình ở Syria-cơ hội duy nhất cho Đức nói riêng và Châu Âu nói chung giải quyết cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II. Tổng thống Nga V.Putin khẳng định giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria không chỉ quan trọng đối với nước Đức mà còn với cả Châu Âu bởi hiện nay có hàng triệu người tị nạn ở Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ là đang tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư tới Châu Âu.

Về phía Nga, Matxcơva đang rất cần sự tham gia của Đức và EU trong việc tái thiết Syria. Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đề cập tới khả năng tổ chức cuộc đàm phán 4 bên với sự tham gia của Nga, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ để hóa giải cuộc khủng hoảng Syria.

Cảnh cửa sang Châu Âu lại một lần nữa mở ra đối với nước Nga

Trong lịch sử, cánh cửa mở sang Châu Âu đã từng ba lần rộng mở đối với nước Nga. Lần thứ nhất vào đầu những năm 1900, khi đó Đức và Nga là hai quốc gia phát triển ở Châu Âu. Năm 1905, trên đảo Björk, Nga Hoàng Nicholas II và Hoàng Đế Đức Wilhelm II ký một hiệp ước lịch sử liên minh giữa Nga và Đức. Tuy nhiên, giới cầm quyền ở London lúc đó đang chuẩn bị Chiến tranh thế giới lần thứ I ở Châu Âu để cứu vớt sự sụp đổ không thể tránh khỏi của đế chế Anh sau gần 100 năm phát triển, đã từng giành được vị thế kiểm soát nền kinh tế thế giới. Vì thế, London đã dùng các điệp viên ảnh hưởng và “đội quân thứ năm” của họ ở Nga để phá tan hiệp ước Đức-Nga và họ đã thành công trong toan tính lôi kéo Nga về phía mình.

Năm 1907, hiệp ước liên minh Nga-Anh-Pháp được ký kết với tên gọi đã đi vào lịch sử là Entente, làm đối trọng với Hiệp ước A-Entente, gồm Đức, Áo-Hung và Italia. Nếu như Hiệp ước Björk liên minh Nga-Đức được duy trì thì Chiến tranh thế giới lần thứ I đã không bùng nổ, bởi Anh không bao giờ dám phát động chiến tranh nhằm vào liên minh này [1].

Lần thứ hai vào giữa những năm 1980 khi nhà lãnh đạo Liên Xô M.Gorbachev tuyên bố chủ trương cải tổ, trong đó có một nội dung then chốt là xây dựng “ngôi nhà chung châu Âu” mà thực chất là đưa Nga hội nhập sâu rộng vào nền văn minh Phương Tây [2.3]. Thực hiện chủ trương này, M.Gorbachev đóng ý dỡ bỏ Bức tường Berlin và thống nhất nước Đức. Tuy nhiên, chủ trương của M.Gorbachev xây dựng “ngôi nhà chung châu Âu” đã bị Mỹ phá nát tan thành với chiến lược xóa bỏ Liên Xô và tiếp tục làm tan rã nước Nga [4]. Năm 2001, sau khi bước vào Điện Kremlin, Tổng thống Nga V.Putin đã có chuyến thăm Đức và có bài phát biểu trước Quốc hội nước này, trong đó ông nhấn mạnh rằng Chiến tranh lạnh đã kết thúc, Nga và Châu Âu cần bước sang giai đoạn hợp tác nhưng không nhận được sự phản hồi từ các đối tác.

Lần thứ ba vào năm 2012 sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 3, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố về chủ trương liên kết Cộng đồng kinh tế Á-Âu (gồm các quốc gia là các nước cộng hòa Xô Viết trước đây, tiền thân của Liên minh kinh tế Á-Âu), với Liên minh châu Âu (EU) để hình thành không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á-Âu, kéo dài từ Brussel tới Vladivostok. Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ sáng kiến này của Tổng thống Nga V.Putin. Tuy nhiên, Mỹ kiên quyết làm thất bại chuur trương đó bằng cách gây ra cuộc bạo động vào cuối năm 2013 dẫn tới cuộc đảo chính ở Ukraine vào tháng 2/2014. Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea ngày 18/3/2014, Mỹ đứng đầu các nước Phương Tây cấm vận Nga và chia rẽ quan hệ giữa Nga với các nước Châu Âu.  

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/8/2018 có thể là lần thứ tư cánh cửa sang Châu Âu có thể mở ra đối với nước Nga trong bối cảnh Mỹ đang tuyên chiến thương mại với các nước chủ chốt ở Châu Âu, còn EU đang muốn thoát khỏi “vòng kim cô Mỹ”. Trong bối cảnh bị Mỹ o ép, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết, EU cần phải xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế trên cơ sở đồng Euro tương tự như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do Mỹ kiểm soát để bảo vệ các công ty của mình khỏi bị trừng phạt của Washington [5]. Nga và Trung Quốc đã xây dựng thành công hệ thống thanh toán quốc tế tương tự.

Để đưa nước Đức thoát khỏi “vòng kim cô Mỹ”, Phong trào “Trỗi dậy” ở Đức do bà Sarah Wagenkneht, thủ lĩnh phái cánh tả trong Quốc hội Đức và là Phó Chủ tịch Đảng Cánh tả, được thành lập. Đảng này chủ trương thay đổi cách tiếp cận về chính sách đối ngoại của Đức, theo đó phản đối áp lực của Mỹ và ủng hộ chính sách cải thiện quan hệ với Nga. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, trong cuộc bầu cử sắp tới, đảng này có thể nhận được 34% số phiếu, vượt trước đảng của Thủ tướng Đức Angela Merkel-5%.

Theo bà Sarah Wagenkneht, cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở Châu Âu là hậu quả từ chính sách của Mỹ mang tên “Mùa Xuân Arab” tàn phá các nước Trung Đông. Để hóa giải căn bản cuộc khủng hoảng này chỉ có thể bằng cách làm thất bại chính sách của Mỹ viện trợ toàn diện cho cái gọi là “các lực lượng đối lập” ở Syria. Theo bà Sarah Wagenkneht, sự hợp tác Đức-Nga theo công thức “tài nguyên và tiềm năng của Nga+công nghệ của Đức” sẽ hóa giải được mọi thứ. Đáng chú ý là,  chỉ một ngày sau khi công bố cương lĩnh hành động, Phong trào “Trỗi Dậy” đã nhận được sự ủng hộ của hơn 36 ngàn người tham gia [6,7]

Ông Martin Schulz Wessel, giáo sư khoa học chính trị Đức, cho biết, theo kết quả các cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 7/2018, 36% số người được hỏi bảy tỏ thiện cảm với Tổng thống Nga V.Putin và chỉ có 6% dành thiện cảm cho Tổng thống Mỹ Donald Trump-đồng minh chủ chốt của nước Đức [7]

Hiện nay, Đức là quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế và chính trị ở Châu Âu, một khi quan hệ Đức-Nga được cải thiện thì cảnh cửa sang châu lục này sẽ một lần nữa mở ra đối với nước Nga. Nhận định kết quả cuộc gặp V.Putin-Angela Merken, ông Alexander Rahr, chuyên gia phân tích chính trị Đức, cho rằng cuộc gặp này có thể là một bước ngoặt trong cuộc đối thoại giữa Moscow và Berlin bởi nó diễn ra trong bối cảnh   những diễn biến địa chính trị chưa từng có, trong đó cả Nga và Đức đều chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ” [8].

Ông Sergey Zhelezniak, thành viên Ủy ban đối ngoại Duma quốc gia Nga, nhận định:“Mặc dù vẫn có nhiều bất đồng về chính sách đối ngoại, song cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel chứng tỏ hai bên đã sẵn sàng hợp tác. Cuộc gặp cho thấy sự thấu hiểu của một quốc gia hàng đầu Châu Âu về vai trò không thể thiếu của Nga trong các cuộc đối thoại về các vấn đề quốc tế quan trọng và cách thức giải quyết các thách thức toàn cầu cũng như khu vực. Kết quả của cuộc đối thoại này phát đi tín hiệu tích cực với cộng đồng thế giới về chính sách thực tế nhằm vào mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia, trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền của các đối tác". 

Những rào cản phải vượt qua

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ trương hợp tác hay cải thiện quan hệ với Nga phải được thực hiện trong khuôn khổ của EU. Do đó, Berlin cần giải dàn xếp ổn thỏa với một số quốc gia thành viên EU đang lên tiếng chỉ trích các bước đi của Đức nhằm cải thiện quan hệ với Nga, thậm chí họ cho rằng Đức đang “phản bội Châu Âu”.

Để thực thi thành công dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” cũng còn phải vượt qua một số trở ngại. Đó là, dự án này đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic, gồm Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức nhưng một số quốc gia Châu Âu phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt.

Ba Lan và một số nước vùng Baltic cũng phản đối mạnh mẽ dự án này bởi họ đã chấp nhận mua khí hóa lỏng của Mỹ. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như gây ra bất lợi về địa chính trị [9]

Theo nhận định của giới phân tích địa-chính trị, tương tự như trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, cuộc chiến giành giật không gian kinh tế Châu Âu giữa Mỹ và Nga hết sức khốc liệt. Do đó, cánh cửa mở sang Châu Âu đối với Nga đang gặp phải nhiều cản trở từ nhiều phía, không chỉ từ Mỹ./.

Tài liệu tham khảo

[1] Новороссия – это наш Сталинград. http://www.warandpeace.ru/ru/exclusive/vprint/92687/

[2] Беседа М.С. Горбачева с Х.-Й. Фогелем.
11 апреля 1989 года. http://rodon.org/other/mgigv/1989_1.htm

[3] Хроника внешнеполитических событий в СССР. http://www.gorby.ru/archival/expocenter/vneshpolitika/show_29323/

[4] Владимир Лисичкин, Леонид Шелепин. Третья мировая информационнопсихологическая война. https://www.ozon.ru/context/detail/id/1369111/

[5 ] Еще вчера никто бы не поверил .

http://maxpark.com/community/13/content/6452256

[6] Немецкий эксперт: «сегодня в мире ничего не решается без Путина и России».http://www.nasha-strana.info/archives/30890?utm_source=push-notification&utm_medium=push-world&utm_campaign=push

[7] Германия готова выступить против США и сотрудничать с Россией. http://maxpark.com/community/13/content/6443294

[8]Александр Рар: Переговоры Путина и Меркель могут стать поворотным моментом в диалоге России и Германии. http://infopolk.ru/1/Y/news/20180816/1020848759.html#b475c965-6903-e74b-05a1-f4e2b1de47e6

[9] РФ и ЕС объединились против США, собирающихся ввести санкции в отношении «Северного потока-2». http://maxpark.com/community/13/content/6449684