ông Nguyễn Ái Việt
ông Nguyễn Ái Việt

E-magazine PGS.TS Nguyễn Ái Việt lý giải vì sao Việt Nam cần có Luật Dữ liệu mở

VietTimes – "Chưa khai thông được vấn đề dữ liệu mở thì Chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT chưa thể phát triển hết tiềm năng vì dữ liệu chính là tài sản quý nhất của xã hội" - PGS.TS Nguyễn Ái Việt nhận định.

Giới làm công nghệ thông tin Việt Nam không ai lạ gì PGS.TS Nguyễn Ái Việt. Ông là người làm công nghệ kỳ cựu, một người mở đường cho nền CNTT nước nhà. Ông đã từng từ bỏ mức lương hàng năm lên đến 7 con số ở Mỹ để quay về Việt Nam làm việc. 

Ông Nguyễn Ái Việt cũng chính là người đã đại diện cho Việt Nam thương thảo với tỷ phú Bil Gates để mua bản quyền phần mềm Microsoft Office. Trong thời gian thương thảo, đã có những tin đồn rằng Việt Nam phải trả tới 1 tỷ USD cho Microsoft để được xóa cái án "ăn cắp, dùng chùa phần mềm". Trên thực tế, Việt Nam chỉ phải trả 16 triệu USD cho công ty của tỷ phú Bill Gates.

Trong tiết trời mưa ngâu tháng Bảy, VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ái Việt về tiến trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam, vì sao một số chỉ số của Việt Nam trên bảng xếp hạng năm 2020 do Liên Hợp Quốc công bố lại ở mức thấp.

PV: Trong bảng xếp hạng chính phủ số mà Liên Hợp Quốc vừa công bố hồi tháng 7 vừa qua, Việt Nam đứng thứ 86, tăng 2 bậc so với năm 2018. Tuy nhiên, một số chỉ số thành phần lại giảm so với những năm trước, chẳng hạn như chỉ số Dịch vụ công trực tuyến giảm 22 bậc. Theo ông nguyên nhân vì sao Việt Nam lại có điểm Dịch vụ công trực tuyến thấp như vậy?

PGS.TS Nguyễn Ái Việt: So với bảng xếp hạng năm 2018, bảng xếp hạng 2020 có một số thay đổi, có thể làm xếp hạng của Việt Nam thay đổi. Chẳng hạn chỉ số về các dịch vụ tư pháp trực tuyến được bổ sung thêm, số thành phố được đánh giá cho chỉ số dịch vụ công của chính quyền địa phương cũng tăng từ 40 lên tới 100, cách thu thập số liệu và đánh giá bởi chuyên gia độc lập cũng khác.

Tuy vậy, về mặt điểm số, Việt Nam có số điểm về "Dịch vụ công trực tuyến" khá tốt so với mức trung bình trong khu vực và đặc biệt so với mức thu nhập thì Việt Nam có số điểm rất tốt. Cá nhân tôi lo ngại nhiều hơn về chỉ số nhân lực và sự tham gia của người dùng do có điểm thấp hơn mức trung bình. Quả thực, các chỉ tiêu về hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ công trong các chương trình kế hoạch về Chính phủ điện tử trong nước cũng được đặt khá cao và rõ ràng so với việc tham gia sử dụng của người dân. 

PV: Một trong những chỉ số thành phần khác cũng có điểm thấp là "Chỉ số dữ liệu mở", Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 97/193 quốc gia, thứ 26/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Thực tế thì đúng là người dân khó có thể truy cập dữ liệu của các bộ ngành vì đa số đó là những dữ liệu đóng. Ngoài ra, theo ông còn nguyên nhân nào khác không mà chỉ số này lại thấp như vậy? Có phải các địa phương còn thiếu minh bạch, thiếu công khai trong các khoản chi tiêu nên không dám mở dữ liệu?

PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Chính phủ đã có những cố gắng và chính sách yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương mở dữ liệu. Chẳng hạn đề án Tri thức số hóa cũng đã được sự quan tâm của các bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên có một số lý do làm các chính sách này chưa phát huy được tác dụng.

Trước hết, việc chia sẻ và mở dữ liệu chưa có một hành lang pháp lý hỗ trợ. Có lẽ đây là một trong vấn đề tâm điểm của Chính phủ điện tử nói riêng và ứng dụng CNTT nói chung. Chúng ta cần một bộ luật quy định về mở và chia sẻ dữ liệu (có thể gọi là Luật Dữ liệu mở). Chưa khai thông được vấn đề này Chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT chưa thể phát triển hết tiềm năng vì dữ liệu chính là tài sản quý nhất của xã hội, mặt khác đó là tài sản chung.

Dữ liệu phân tán đóng kín thì không có một chút giá trị nào, nhưng khi kết nối được với nhau đó là tài sản vô giá. Chẳng hạn dữ liệu thống kê quốc gia, sử dụng ngân sách để điều tra, cũng không phải tất cả đều là bí mật, nhưng không thể khai thác bởi những đơn vị quản lý trực tiếp và không được chia sẻ để khai thác, vô cùng lãng phí. Không có dữ liệu, sẽ không có dự báo, công tác lập kế hoạch sẽ yếu kém.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có một chiến lược dữ liệu, chuẩn dữ liệu, cách sắp xếp và khai thác chuyên nghiệp. Đơn cử như đề án Tri thức số hóa, các bộ ngành và địa phương chỉ tải lên dữ liệu tính bằng số lượng Gigabyte là một việc không mang lại ý nghĩa gì. Không ai có thể khai thác dữ liệu không được sắp xếp và không có ý nghĩa gì. Một mặt các cơ quan hữu quan đều chạy theo thành tích đó bằng số lượng, mặt khác thiếu một kiến trúc sư về dữ liệu để tổ chức việc này thật chuyên nghiệp. Nói một cách khác, chưa có hành lang pháp lý, chưa có kiến trúc tổng thể chuyên nghiệp hướng dẫn. Tất nhiên, nguyên nhân sâu xa có thể vẫn còn tâm lý ngại công khai và mở dữ liệu.

ông Nguyễn Ái Việt tại một hội thảo về Kinh tế nền tảng
ông Nguyễn Ái Việt tại một hội thảo về Kinh tế nền tảng

PV: Là một người từng có thời gian làm việc cho các công ty nước ngoài như AT&T và Siemens, sống tại quốc gia phát triển về CNTT, theo ông Việt Nam cần làm gì để tăng vượt bậc chỉ số xếp hạng Chính phủ số? Liệu áp dụng mô hình chính phủ kiến tạo phát triển giống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có giúp Việt Nam cải thiện được các chỉ số chính phủ số không?

PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Tôi cho rằng trong suốt một thời gian dài, chỉ số Hạ tầng Viễn thông của Việt Nam trong tương quan với sự phát triển kinh tế là tương đối tốt, thậm chí ngoài mức mong đợi. Việc cung cấp dịch vụ số của Việt Nam cũng không phải là kém. Nếu có chiến dịch, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá trong những chặng đường ngắn, do chúng ta có ưu thế huy động nguồn lực.

Tôi quan tâm tới việc phát triển ổn định và lâu dài, trong đó chúng ta cần quan tâm hơn với việc sử dụng của người dân. Một mặt do kỹ năng sử dụng, khả năng tiếp cận với thiết bị và dịch vụ số của ta vẫn còn thấp. Thiết bị truy cập của Việt Nam chưa rẻ, so với thu nhập của bà con ở nông thôn và vùng sâu vùng xa lại càng cao. Giá máy tính, thiết bị nói chung cao so với giá tại Hoa Kỳ từ 30% trở lên. Thiết bị mạng, máy chủ lại càng cao. Mặt khác các dịch vụ chưa thực sự sáng tạo, hấp dẫn và thiết thực. Khi có nhu cầu sử dụng thực sự, với hạ tầng đã có, việc tăng chỉ số xếp hạng sẽ ổn định hơn.

PV: Để phát triển Chính phủ số, chúng ta đối diện với nhiều thách thức cần giải quyết trong đó có hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực, chính sách pháp lý, nhận thức của người lãnh đạo, an toàn an ninh mạng, nguồn lực đầu tư, năng lực số của người dân… Theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất mà chúng ta cần giải quyết trước tiên?

PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Các chỉ số đều quan trọng và đều cần giải quyết đồng bộ. Tuy nhiên trước mắt hạ tầng và đầu tư chưa phải là vấn đề cấp bách. Tôi cho rằng nhận thức của lãnh đạo, hành lang pháp lý và năng lực số của người dân là 3 vấn đề quan trọng. An toàn an ninh mạng cố nhiên cũng quan trọng nhưng chúng ta sẽ có đủ năng lực giải quyết, nếu chính phủ số đã đặt được vào đường ray phát triển. Khi đó không cần hô hào nhiều.

Người dân thấy lợi ích sẽ tích cực tham gia, không vướng các hành lang pháp lý và cách suy nghĩ cũ cản trở, nhiều khi lại nhân danh các vấn đề an toàn an ninh mạng. Người lãnh đạo phải đi đầu tháo gỡ tâm lý này.

PV: Ông đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến lần nào chưa, ông nhận thấy có điều gì được và chưa được?

PGS.TS Nguyễn Ái Việt: Tôi có sử dụng một số dịch vụ trực tuyến, như khai thuế, hay tìm các văn bản pháp lý. Tôi thấy chưa được tiện dụng. Dịch vụ chưa được đa dạng. Tính sáng tạo chưa cao. Có rất nhiều dịch vụ có thể làm. Có thể chúng ta thiếu kinh phí đầu tư, nên có thể xã hội hóa việc xây dựng các dịch vụ. Các dịch vụ cũng chưa được thông minh do thiếu dữ liệu liên thông.

Đặc biệt, các dịch vụ thường bị “chìm” đi trong các cổng thông tin của Bộ. Các dịch vụ nên tập trung vào một chỗ và nên được truyền thông tốt hơn. Bỏ đi những thứ hình thức không cần thiết cũng quan trọng chẳng kém việc tăng thêm những thứ cần thiết. Ai đó đã nói: ngày nay chúng ta khát thông tin cần thiết và “chết đuối” trong thông tin vô bổ, vì thế các ứng dụng phải thông minh và chủ động tìm đến người cần hơn.